Covid-19 đang tạo áp lực hay mang đến thêm cơ hội việc làm cho phụ nữ?

25/11/2020 13:15 PM | Kinh doanh

Khi bài toán bình đẳng giới vẫn chưa được giải quyết triệt để tại nhiều doanh nghiệp, Covid-19 đã trở thành “cú thúc" đúng thời điểm, mang lại cơ hội cho các đơn vị nhanh chóng thay đổi chiến lược quản trị phù hợp, xây dựng một môi trường làm việc công bằng, tạo động lực cống hiến cho các nhân sự nữ.

Phụ nữ trong Covid-19: Nhìn thấy cơ hội trong khó khăn

Một khảo sát của McKinsey (tháng 9/2020) 1/3 phụ nữ đang cân nhắc rời bỏ hoặc chuyển đổi công việc do ảnh hưởng của Covid-19. Nhiều báo cáo cũng cho thấy Covid-19 đang gây ra nhiều áp lực cho phụ nữ hơn nam giới. 

"Mình vừa ngồi máy tính trả lời e-mail của khách hàng, vừa canh thời gian để chuẩn bị cơm trưa cho gia đình. Đôi lúc phải mang cả điện thoại ra đảo bếp để kịp xoay xở. Thú thực không hề đơn giản chút nào", chị H.T (nhân viên văn phòng, TPHCM) chia sẻ. Làm việc tại nhà, ngỡ sẽ tạo ra sự linh hoạt trong thời gian biểu, lại vô tình gây ra những áp lực đáng lo ngại cho phụ nữ trong việc cân bằng và tách bạch giữa việc công - tư.

Những "bà nội trợ - văn phòng" như chị H.T hoàn toàn không xa lạ trong giai đoạn giãn cách vừa rồi. Thống kê từ UN Women cũng cho thấy, phụ nữ đang được trả lương 30% thấp hơn nam giới, điều này càng khiến phái nữ nói chung và những phụ nữ trẻ chưa có gia đình nói riêng cảm thấy bất lợi, đặc biệt khi kinh tế suy thoái.

Covid-19 đang tạo áp lực hay mang đến thêm cơ hội việc làm cho phụ nữ? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tiêu cực và áp lực hữu hình mà Covid-19 gây nên, một số kết quả khảo sát trên thế giới lại chia sẻ những số liệu lạc quan về cơ hội cho phụ nữ. Theo báo cáo Phụ nữ trong doanh nghiệp (Women in Business report 2020), tỷ lệ nữ quản lý cấp cao trong năm nay đạt 30% và là con số kỷ lục trong suốt 15 năm qua. Cơ hội việc làm từ xa trong những nhóm ngành công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa được tờ DailyMail nhận định sẽ tiếp tục nở rộ trong năm tới.

Khi nhiều nước trên thế giới vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu outsource (gia công) giá rẻ tại Việt Nam vẫn gia tăng, tạo điều kiện cho nhiều chị em phụ nữ làm việc tự do. Giãn cách xã hội cũng mang lại cơ hội cho phụ nữ được làm việc tại nhà và linh hoạt thời gian để chăm sóc gia đình. 

Chị M.N trước đây là nhân viên bán hàng, chia sẻ: "Trong khi giãn cách, mình tận dụng nhu cầu mua online và ăn tại nhà của mọi người để nấu đồ ăn, cơm trưa… bán thêm cho các chị em trong chung cư mình ở. Từ đợt đó, mình linh hoạt thời gian chăm sóc con hơn mà vẫn có thu nhập ổn định"


Luôn cần thêm nhiều ưu tiên hơn cho phụ nữ

Từ góc độ doanh nghiệp, Covid-19 và giãn cách xã hội đang tạo cơ hội cho các nhà quản lý nhìn nhận lại chính sách quản trị nhân sự để đảm bảo công bằng cho phái nữ. 67% phụ nữ tham gia khảo sát của Workforce chia sẻ khi được cho phép làm việc tại nhà, họ tin rằng HR thật sự quan tâm đến nhu cầu cá nhân của họ và tin tưởng hơn vào công ty. Việc tạo điều kiện cho nữ giới trong môi trường làm việc thể hiện văn hóa công bằng và lành mạnh, cũng như thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Theo đó, bà Tiêu Yến Trinh, CEO Talentnet chia sẻ một số biện pháp doanh nghiệp có thể triển khai ở cấp độ quản lý chung để tạo điều kiện cho phái nữ trong công việc: "Sự đại diện của phụ nữ cần được doanh nghiệp đặt trong mọi quy hoạch và quá trình ra quyết định. Doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng, phần lớn trách nhiệm chăm sóc gia đình vẫn thuộc về phụ nữ nên quản lý và đồng nghiệp có thể chia sẻ công việc để hỗ trợ các bậc cha mẹ có con nhỏ đang đi làm."

Cụ thể hơn, trong việc hoạch định chính sách quản trị nhân sự, bà Tiêu Yến Trinh cho biết: "Việc gò bó liên tục 8 tiếng ở văn phòng trong nhiều ngày liền, không có khoảng thời gian linh hoạt để xử lý việc đột xuất, việc gia đình khiến nhiều nữ nhân viên cảm thấy sợ môi trường làm việc văn phòng.

Chính sách personal leave (nghỉ vì lý do cá nhân) thay thế sick leave (nghỉ phép ốm) đã được áp dụng tại một số doanh nghiệp, điển hình là Talentnet trong đó có công ty chúng tôi. Với chính sách này, doanh nghiệp có thể tập trung cho việc quản lý công việc qua kết quả, chứ không qua thời gian ngồi tại nơi làm việc".

Covid-19 đang tạo áp lực hay mang đến thêm cơ hội việc làm cho phụ nữ? - Ảnh 2.

Cũng theo CEO Talentnet, phụ nữ có gia đình sẽ có xu hướng gắn bó với công ty hơn khi được công ty quan tâm, cho phép linh hoạt giờ giấc. Đặc biệt, về lâu dài, điều quan trọng nhất vẫn là cần kiến tạo văn hóa và môi trường làm việc công bằng để mang đến nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ. Bên cạnh hỗ trợ nội bộ, doanh nghiệp có thể triển khai trách nhiệm xã hội qua việc giúp đỡ những tổ chức phụ nữ trong khu vực hoạt động để đóng góp những điều tốt đẹp hơn về bình đẳng giới cho cộng đồng.

Covid-19 rõ ràng mang đến nhiều xáo trộn cho cuộc sống người lao động, đặc biệt đè nặng áp lực lên phụ nữ, nhưng cũng là thời cơ vàng để các doanh nghiệp và nhà đầu tư thúc đẩy sự thay đổi trong văn hóa, mang lại những giải pháp, cơ hội tốt cho những người làm mẹ, làm vợ trong thời bình thường mới.

H.T.

Cùng chuyên mục
XEM