Doanh nghiệp Nhật Bản, Thái Lan sẽ chuyển giao công nghệ làm công nghiệp phụ trợ cho Việt Nam

10/10/2015 07:33 AM | Công nghệ

Ngày 8/10, 4 triển lãm về công nghiệp phụ trợ là “Triển lãm Liên minh các doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ 2015”, “METALEX Vietnam 2015 (MXV)”, “Electronics Assembly 2015 (EA)”, và “Triển lãm sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2015 (ICSV)” đã khai mạc tại TPHCM.

Đại diện nhà tổ chức, ông Duangdej Yuaikwarmdee - Tổng Giám đốc tại Việt Nam của Công ty Reed Tradex (Thái Lan) nhận định rằng sắp tới Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu Đông Nam Á về phụ tùng ô tô, linh kiện xe máy, thép gia công...

Với mục tiêu hỗ trợ cho trung tâm sản xuất năng động này, triển lãm năm nay sẽ cung ứng hơn 500 thương hiệu từ 25 quốc gia, cùng với đó là 7 khu gian hàng quốc gia, mang đến những công nghệ tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất và hiệu suất cao nhất. Riêng các nhà sản xuất phụ tùng Thái Lan sẽ trưng bày các phụ tùng và linh kiện công nghiệp nhằm nâng cao hiệu suất và giá trị cho sản phẩm.

Thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển đòi hỏi nhiều yếu tố không chỉ là công nghệ, còn cần kiến thức và cơ hội kết nối mạng lưới nhằm đạt được năng suất tối ưu. Do vậy, triển lãm cũng sẽ đưa ra nhiều hoạt động như Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Lớp kỹ sư nâng cao, Dịch vụ kết nối doanh nghiệp, và Trận chiến con quay Koma Taisen với mục tiêu mở rộng tầm nhìn toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong kinh doanh.

"ABB - một trong những công ty chế tạo robot lớn nhất, sẽ giới thiệu robot đầu tiên trên thế giới với 2 cánh tay và có khả năng phối hợp làm việc là YuMi. Hai cánh tay của robot YuMi làm bằng magiê, mỗi bên có thể gập lại theo 7 trục cho phép thao tác mềm dẻo như tay người mà không lấn chiếm không gian của cộng sự, trừ khi có yêu cầu. Yumi có thể hoạt động bên cạnh hoặc trực diện với các đồng nghiệp con người một cách hiệu quả", ông Duangdej Yuaikwarmdee cho biết.

Ông Hirotaka Yasuzumi - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) văn phòng TPHCM chia sẻ: “Đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam năm 2015 vẫn không suy giảm, mà còn ở xu thế vượt qua năm trước. Trong tương lai, việc đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục trở thành nguồn động lực to lớn cho nền kinh tế Việt Nam.

Một trong những mối quan tâm chính của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam là khả năng của nguồn cung trong nước. Theo kết quả "Điều tra thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại dương" do JETRO tổ chức hàng năm thì trong tổng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam, chi phí nhân công chiếm 17,4%, trong khi chi phí nguyên vật liệu, linh kiện lên đến 58%. Cho nên việc cắt giảm chi phí nguyên vật liệu đối với các nhà sản xuất là vấn đề quan trọng liên quan nhiều đến năng lực cạnh tranh về giá. Việc giải quyết vấn đề này liên quan đến việc nâng cao tỷ lệ cung ứng nội địa.

Theo kết quả điều tra của JETRO, 78% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam có định hướng nâng cao tỷ lệ cung ứng trong nước ở Việt Nam. Trong đó, số doanh nghiệp trả lời là coi trọng việc cung ứng từ doanh nghiệp Việt Nam chiếm đến 77%. Doanh nghiệp Nhật Bản cũng ý thức mạnh mẽ về việc cung ứng từ doanh nghiệp Việt Nam để cắt giảm chi phí, giảm thời gian cung ứng.

"Các nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là ở miền Nam Việt Nam hiện đang phát triển về năng lực công nghệ một cách vững chắc, số các doanh nghiệp có thể đáp ứng về chất lượng, kỹ thuật, thời hạn giao hàng cho các doanh nghiệp Nhật dần tăng lên. Đối với các doanh nghiệp Nhật Bản có trình độ kỹ thuật, quản lý chất lượng đỉnh cao, thì công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang dần trở thành một đối tác có thể an tâm", ông Hirotaka Yasuzumi nói.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết: “Trong quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, Việt Nam tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc 3 lĩnh vực chủ yếu bao gồm: (1) Lĩnh vực linh kiện phụ tùng kim loại, nhựa - cao su, điện - điện tử, (2) Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày và (3) Công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao".

Đối với lĩnh vực đầu tiên, lĩnh vực linh kiện phụ tùng kim loại, nhựa - cao su, điện - điện tử, đến năm 2020 đáp ứng 60% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp. Năm 2030, đáp ứng 80% nhu cầu này. Các ngành công nghiệp cơ khí, ô tô, máy nông nghiệp, điện tử… được ưu tiên phát triển. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm linh kiện phụ tùng tham gia thị trường khu vực và quốc tế.

Tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao, đồng thời phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dùng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này.

Hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao. Ưu tiên thu hút đầu tư vào sản xuất vật liệu chế tạo như thép chế tạo, nhựa, cao su, composit, gốm phục vụ công nghiệp công nghệ cao, hóa chất cơ bản, hóa chất chuyên dụng trong công nghiệp công nghệ sinh học, vật liệu điện tử…

Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, từ đầu năm đến ngày 15/9, đã có 397 dự án có vốn nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn với vốn đăng ký đạt 2,3628 tỉ USD, tăng 115,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo quy mô vốn đầu tư, từ 10 triệu USD đến dưới 100 triệu USD có 15 dự án, tổng vốn 554,5 triệu USD; 100 triệu USD trở lên có 3 dự án, vốn đầu tư 1,610 triệu USD. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu tập trung vào các ngành: bất động sản, công nghiệp, xây dựng, thương nghiệp…

"Các nhà sản xuất từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đang có xu hướng chuyển dần công nghệ và nhà máy vào Việt Nam. Điều này kéo theo nhu cầu cao về linh kiện tại chỗ của các nhà sản xuất. Đây là dịp để các doanh nghiệp nội địa nắm bắt cơ hội và trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn.

Tại các KCX và KCN TPHCM hiện có khoảng hơn 260 doanh nghiệp FDI thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, chiếm trên 50% tổng doanh nghiệp FDI, chủ yếu sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho các ngành: điện tử, cơ khí, ô tô...

Sản phẩm của các doanh nghiệp này chủ yếu được xuất khẩu ra nước ngoài nhằm thực hiện các công đoạn tiếp theo của chuỗi cung ứng toàn cầu. Phần lớn nguyên liệu, linh kiện phụ tùng cho các doanh nghiệp này được nhập khẩu từ nước ngoài, cho thấy liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế", ông Nguyễn Tuấn cho biết.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM