Chỉ bằng một từ, FBI đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của mọi người để đánh bại Apple

26/02/2016 11:52 AM | Công nghệ

Chỉ một từ "mở khóa" sẽ giúp FBI khéo léo đánh bại Apple bằng sự thiếu hiểu biết về mặt công nghệ của phần đông công chúng. "Apple đã từng mở khóa iPhone, tại sao bây giờ lại không giúp chúng tôi nữa?"

Với các đồng minh của FBI, "mở khóa" ("unlock") là một từ rất hữu dụng. Mới đây nhất, ủy viên cảnh sát thành phố New York, William Bratton và nhiều đồng sự đã đăng tải một bài báo có tên "Vì sao Apple cần mở khóa một chiếc iPhone" lên tờ New York Times.

Vấn đề, theo như ông Bratton, bắt đầu từ khi Apple bắt đầu ngừng giúp đỡ chính phủ Mỹ. "Cho đến tận 17 tháng trước, Apple đã giữ chiếc chìa khóa có thể vượt qua các biện pháp bảo vệ và mở khóa điện thoại. Apple sử dụng chiếc 'chìa vạn năng' này để chấp thuận theo lệnh của tòa án trong các vụ án liên quan tới ma túy, bắt cóc, giết người và khủng bố". Nhưng, theo lời của Bratton, khi iOS 8 ra mắt thì cả hệ thống hợp tác này đã bị chấm dứt. Apple không còn chiếc chìa khóa vạn năng kia nữa, hoặc ít nhất là công ty của CEO Tim Cook đã từ chối cung cấp chiếc chìa khóa này.

Góc nhìn của Bratton đã gây ra quan ngại đặc biệt trong giới hi-tech. Với những người có hiểu biết về công nghệ, đây có thể coi là một nỗ lực bóp méo lịch sử Apple của chính phủ Mỹ. "Lời khẳng định này là một trò bịp và chỉ có thể đại diện cho một trong hai thứ. Hoặc là người viết không hiểu nền tảng công nghệ phía dưới, hoặc là họ đang cố tình nói dối", một nhà lãnh đạo công nghệ giấu tên khẳng định.

Nhưng trong khi bài báo của Bratton là rất đáng lo ngại thì vấn đề chính có thể nằm ở cách sử dụng từ ngữ của ông ta. Toàn bộ vụ việc Apple vs FBI chỉ xoay quanh ý tưởng "mở khóa", và theo FBI thì việc Apple mở khóa thành công những thế hệ iPhone cũ cũng có nghĩa rằng việc mở khóa những chiếc iPhone mới là rất đơn giản. Câu hỏi của Bratton là, Apple đã từng "mở khóa" smartphone cho chính phủ Mỹ, tại sao họ lại không mở khóa chiếc iPhone thêm một lần nữa?

Bạn cần phải nắm rõ về lịch sử của iOS để hiểu tại sao. Với Bratton cũng như những người khác trong phe FBI/chính phủ Mỹ, iOS 8 là điểm khởi đầu cho vấn đề mã hóa. Thế nhưng, từ góc độ kỹ thuật, sự khác biệt của iOS 7 và iOS 8 là không nhiều. iOS 7 đã mã hóa phần lớn các dữ liệu của iPhone, đặc biệt là dữ liệu của các ứng dụng bên thứ 3. Các thông tin không bị mã hóa trên phiên bản này bao gồm tin nhắn, danh bạ và lịch sử cuộc gọi – vốn đều là những thông tin quan trọng nhất đối với công tác điều tra phá án. Điều này có nghĩa rằng chính phủ Mỹ có thể thu thập các thông tin cần thiết nhất trên iOS 7 một cách dễ dàng mà không cần có Apple, chưa kể số lượng các công cụ dò tìm điện thoại cũng được quảng cáo là có khả năng thu thập dữ liệu từ những chiếc iPhone cũ.

iOS 8 chỉ mở rộng phạm vi mã hóa so với iOS 7.
iOS 8 chỉ mở rộng phạm vi mã hóa so với iOS 7.

Đến iOS 8 thì phạm vi mã hóa dữ liệu đã thay đổi, và cả danh bạ lẫn các tin nhắn đều được mã hóa từ phiên bản này trở đi. Tuy vậy, bản thân công nghệ mã hóa không hề thay đổi, và không một ai có thể truy cập vào dữ liệu của ứng dụng bên thứ 3 trên cả iOS 7 lẫn iOS 8.

Dĩ nhiên là phe FBI thì không muốn đi sâu vào làm rõ những chi tiết này nên họ gói gọn toàn bộ khái niệm vào một từ duy nhất: "mở khóa". Việc thu thập các dữ liệu không bị mã hóa trên iOS 7 trước đây rất khác biệt so với việc phá tung toàn bộ hệ thống bảo vệ của iOS 8 – cũng là những gì mà FBI đang yêu cầu Apple phải thực hiện. Thế nhưng, vì lý do nào đó, giới chức Mỹ vẫn cứ gọi cả 2 hành động này là 1. Không chỉ riêng mình Bratton sử dụng cụm từ sai lệch này mà gần như tất cả mọi người thuộc phe FBI đều đã lặp đi lặp lại số liệu rằng Apple đã từng "mở khóa" hơn 70 chiếc smartphone cho chính phủ Mỹ. Toàn bộ quan điểm "Apple đã từng làm điều này, tại sao họ lại không chấp nhận làm lại một lần nữa?" được xây dựng dựa trên một cụm từ duy nhất: "mở khóa", một cụm từ không rõ do cố ý hay vô tình đang bị sử dụng để gộp chung 2 hành vi hoàn toàn khác biệt nhau.

Dĩ nhiên là không ai có thể khẳng định chắc chắn liệu Apple đã từng phá mã hóa (một hành động có thể được mô tả bằng từ ngữ của CEO Tim Cook là phát triển "cửa hậu") cho FBI hay chưa, bởi điều này chỉ nằm trong khuôn khổ hợp tác bí mật giữa Apple và chính quyền Mỹ. Thế nhưng, nhiều nguồn tin cho rằng con số "70 chiếc iPhone" ở trên chỉ là hành vi khai thác dữ liệu không mã hóa vốn khá dễ dàng trên iOS 7 trở xuống. Một trong số này là Austin Berglas, người từng điều hành Ban An ninh số New York của FBI trước khi chuyển sang công ty K2 Intelligence. Berglas cho biết trong khi không có kinh nghiệm trực tiếp với các vụ việc này, ông không tin vào khả năng Apple đã thực sự bẻ khóa mã hóa trong 70 vụ việc trên: "Họ không mở khóa điện thoại. Apple có thể đã hỗ trợ trong việc khai thác dữ liệu, nhưng họ không bẻ mã hóa và cũng không mở khóa".

Thu thập dữ liệu không mã hóa và bẻ khóa toàn bộ cơ chế bảo vệ trên iPhone đang bị FBI gói gọn lại trong cụm từ mở khóa.
Thu thập dữ liệu không mã hóa và bẻ khóa toàn bộ cơ chế bảo vệ trên iPhone đang bị FBI gói gọn lại trong cụm từ "mở khóa".

Đồng thời, The Verge khẳng định FBI hiện còn chưa thể đột nhập vào nhiều mẫu iPhone được cài đặt iOS 7 hoặc các bản cũ hơn. Trang tin này cho rằng FBI hiện đang có các lệnh tòa án yêu cầu Apple phải mở khóa ít nhất là 8 chiếc iPhone cài iOS 7 trở xuống, và rất có thể các lệnh này nhắm vào phần dữ liệu đã được mã hóa (tức là dữ liệu ứng dụng trên iOS 7 hoặc các bản cũ hơn). Một vài mẫu iPhone vẫn còn bị ảnh hưởng bởi một lỗ hổng cho phép truy cập dữ liệu từ màn hình khóa, nhưng FBI vẫn muốn Apple thu thập dữ liệu cho họ.

Điều này cho thấy động cơ của FBI là rất phức tạp và những ý đồ của chính phủ Mỹ vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng có thể gây ảnh hưởng đáng kể tới cuộc chiến mã hóa của tương lai. Thế nhưng, phần đông mọi người thì lại cần một cách hiểu đơn giản, một cụm từ đơn giản để nói về cuộc chiến này. "Mở khóa" là một cách hiểu đáp ứng tiêu chí đó, gói gọn cuộc chiến Apple vs FBI lại thành "FBI có một chiếc iPhone của khủng bố bị 'khóa' và họ muốn Apple giúp 'mở khóa' chiếc smartphone đó". Khi yêu cầu này của FBI được chấp thuận, chiếc iPhone 5c trong vụ việc San Bernardino sẽ mở đường cho một loạt các công cụ phần mềm nguy hiểm đe dọa tới an ninh dữ liệu và cũng sẽ tạo ra những diễn tiến phức tạp trong cuộc chiến số trên toàn cầu.

CEO Tim Cook và giám đốc FBI James Comey.
CEO Tim Cook và giám đốc FBI James Comey.

Nhưng đó cũng chính là những gì FBI muốn, và việc gộp chung tất cả những khái niệm khác biệt trong cụm từ "mở khóa" cho phép chính phủ Mỹ có thể mô tả vụ việc lần này không khác gì với những vụ việc trước, trong khi thực tế là không có bằng chứng nào cho thấy Apple đã từng xây dựng những công cụ có thể giúp bẻ khóa iPhone. Một cuộc chiến về công nghệ giờ đã trở thành một cuộc "khẩu chiến", nơi những từ ngữ được lựa chọn cẩn thận để thuyết phục công chúng.

Bất kể kết quả lâu dài là gì, ít nhất bây giờ không một ai trong phe Apple sẽ dám dùng tới cụm từ "mở khóa" nữa.

Theo Lê Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM