Con người, nhất định phải học cách đối thoại với tâm hồn: Đọc nhiều sách, chăm vận động

03/06/2020 14:15 PM | Sống

Đọc sách đem lại cho tâm hồn sự mềm mại, giống như người phụ nữ; trong khi vận động đem lại cho tâm hồn sự kiên cường, giống như người đàn ông.

Thoạt nhìn tiêu đề, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy khó hiểu, đọc sách và chạy bộ thì có liên quan gì tới đối thoại với tâm hồn?

Cá nhân tôi cho rằng, đọc sách và chạy bộ là hai phương thức giao lưu với tâm hồn bằng những tính chất riêng.

Đọc sách, giúp bạn phát triển mạch suy nghĩ, hấp thụ các chất dinh dưỡng từ trong sách, đó có thể là tri thức, cũng có thể là tư tưởng. Những chất dinh dưỡng này sẽ trực tiếp được truyền tới tâm hồn của bạn rồi từ từ được tiêu hóa.

Nó giống như một người mẹ, nhẹ nhàng thì thầm với tâm hồn bạn, từ từ dạy bạn trưởng thành.

Còn vận động, giúp máu nóng dâng trào, giúp cảm nhận được cảm giác chân thực của cơ thể, của thể xác.

Điểm khác nhau giữa vận động và đọc sách nằm ở chỗ nó truyền đạt kiến ​​thức về thế giới bên ngoài tới tâm hồn bạn thông qua các giác quan vật lý, hay nói cách khác, giao tiếp của chạy bộ với linh hồn là gián tiếp.

Vận động sẽ giúp hiển thị thông tin về thế giới bên ngoài cho tâm hồn bạn một cách trực quan nhất, nhưng bản chất của chúng lại cần được tâm hồn từ từ giải thích.

Nó giống một người cha, bắt bạn chạy, rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất chân thật.

Đọc sách đem lại cho tâm hồn sự mềm mại, giống như người phụ nữ; trong khi vận động đem lại cho tâm hồn sự kiên cường, giống như người đàn ông.

Con người, nhất định phải học cách đối thoại với tâm hồn: Đọc nhiều sách, chăm vận động - Ảnh 1.

Đọc sách giúp tâm hồn thoát khỏi cơ thể, đi tới những nơi xa xôi hơn

Stephen William Hawking từng nói: "Môt người dù có khuyết tật về thể chất nhưng cũng đừng khuyết tật về mặt tâm hồn."

Khuyết tật có thể giam giữ cơ thể một con người, nhưng không thể trói buộc một tâm hồn luôn hướng về những nơi xa xôi của họ.

Dù cho cơ thể bị mắc kẹt trên chiếc xe lăn trong suốt quãng đời còn lại, nhưng Hawking cũng không bao giờ giam giữ tâm hồn của mình, ông muốn tâm hồn của mình có thể chạy xa hơn bất kỳ ai.

Vì muốn tìm ra ý nghĩa trong sự tồn tại của vũ trụ, vì muốn khám phá hướng đi của thời gian, Hawking miệt mài đọc sách, tự dệt nên một vũ trụ thu nhỏ trong bộ não của mình, và rồi, cuốn "Lược sử thời gian" đã ra đời.

Tác giả của cuốn "Three days to see…", Helen Keller, cũng là một người bị bó buộc về mặt thể xác.

Bà có một đôi mắt đẹp, nhưng đôi mắt ấy lại không có ánh sáng; bà muốn lắng nghe những âm thanh thân thuộc xung quanh, nhưng đôi tai lại hững hờ trước mong muốn đó của bà.

Sau khi mất đi thị giác và thính giác, bà nhìn thấy và nghe thấy tâm hồn của chính mình, nó nói với bà rằng: "Tôi hi vọng bạn trong những năm tháng còn lại của cuộc đời, sẽ đi làm những việc có ý nghĩa."

"Đọc một cuốn sách, là đang đối thoại với một tâm hồn vĩ đại."

Bà không ngừng đọc sách, không ngừng khám phá thế giới qua cảm nhận của đôi bàn tay của mình, bà nhận ra một điều rằng trên thế giới này, còn tồn tại rất nhiều người đáng thương giống mình, và họ cần được giúp đỡ.

Helen Keller bắt đầu có những hành động thiết thực vì lợi ích của người khuyết tật, bà thành lập nhiều tổ chức từ thiện, giúp đỡ nhiều người khuyết tật và được tạp chí Time bình chọn là một trong "Mười thần tượng hàng đầu nước Mỹ thế kỷ 20".

Bản thân tôi cũng rất thích đọc sách, đọc sách có thể dẫn tôi vào trạng thái giao lưu với tâm hồn, giúp tôi quên đi những phiền não xung quanh.

Đọc sách giống như đi du lịch thế giới, cơ thể có giới hạn, không phải cứ thích đi đâu là đi được, nhưng tâm hồn thì có thể.

Mỗi cuốn sách đều sẽ thắp sáng một ngách nhỏ nào đó trên thế giới, giúp chúng ta nhìn thấy được nhân tình thế thái, hỉ nộ bi ai và bi hoan li hợp ở nơi đó. Đọc càng nhiều sách, những ngóc ngách được thắp sáng sẽ ngày càng nhiều, cho tới khi cả thế giới đều được thắp sáng, là khi đó, bạn đã thực sự trông thấy được dáng vẻ của thế giới này.

Maksim Gorky nói: "Tôi đọc càng nhiều sách, tôi càng gần gũi hơn với thế giới, cuộc sống đối với tôi cũng trở nên sáng lạn và có ý nghĩa hơn."

Đúng là như vậy!

Con người, nhất định phải học cách đối thoại với tâm hồn: Đọc nhiều sách, chăm vận động - Ảnh 2.

Vận động giúp linh hồn của bạn cắm rễ vào cơ thể, sống một cuộc sống chân thực hơn

Nhịp sống ngày càng hối hả, nó nhanh tới nỗi khiến chúng ta bỏ quên cả cơ thể và sức khỏe tâm lý, béo phì, trầm cảm, cứ vậy xuất hiện ngày một nhiều hơn.

Đối phó với những hiện tượng sức khỏe tiêu cực này, liều thuốc rẻ và hiệu quả nhất đó chính là: vận động.

Vận động, hay cụ thể là chạy bộ có thể thúc đẩy lưu thông máu của cơ thể, đánh thức và để sức mạnh lan tỏa khắp cơ thể. Đây là những biểu hiện ra bên ngoài của vận động.

Còn ở bên trong, vận động có thể giúp chúng ta có được sức mạnh từ cơ thể xác thịt, rồi truyền nó vào tâm hồn, từ đó lấy lại cảm giác kiểm soát cuộc sống, giúp bạn giải phóng mình khỏi áp lực từ việc học, sự nghiệp, cảm xúc và sinh hoạt, khiến cảm giác bất lực từ từ biến mất.

Vận động sẽ khiến bạn ra mồ hôi, giống như đang tắm, không chỉ là tắm cho cơ thể, mà còn là sự gột rửa cho tâm hồn, tâm hồn được rửa sạch sẽ dễ dàng nảy sinh khao khát tiến lên trong cuộc sống hơn.

Ngoài ra, vận động còn giúp tâm hồn suy nghĩ tốt hơn.

Haruki Murakami nói: "Rất nhiều ý tưởng viết tiểu thuyết của tôi đều là học được khi chạy bộ mỗi sáng."

Haruki yêu thích sáng tác, ông cũng rất yêu thích chạy bộ, vì vậy mà ông đã viết ra cuốn sách mang tên "Tôi nói gì khi nói về chạy bộ", cuốn sách ghi lại niềm vui và những điều ông có được thông qua việc chạy bộ.

Haruki bắt đầu chạy bộ năm 33 tuổi, và ông duy trì thói quen này trong suốt hơn 30 năm, theo tôi, đó không gọi là kiên trì, mà nó đã trở thành đam mê.

Việc mà mình yêu thích, kiên trì làm thì gọi là đam mê; việc mình không thích, kiên trì làm mới gọi là kiên trì.

Bản thân tôi cũng là một người rất thích vận động, mỗi ngày sau khi tan làm ăn cơm tối xong, tôi sẽ bật bài hát mà mình yêu thích, đeo tai nghe lên rồi chạy 5 km vòng quanh công việc gần nhà.

Trong lúc chạy bộ, cơ thể tuy sẽ trở nên mệt mỏi, nhưng tâm hồn lại an tĩnh một cách lạ kì, giống như nồi nước đun sôi vậy, ban đầu cuồn cuộn, lúc sau bình lặng.

Lực được kích hoạt khi chạy sẽ được truyền từ dưới chân lên phần trên của cơ thể và cuối cùng chạm vào tâm hồn của bạn. Mỗi bước chạy giống như một nhịp đập, kích thích tâm hồn bạn bén rễ vào cơ thể.

Con người, nhất định phải học cách đối thoại với tâm hồn: Đọc nhiều sách, chăm vận động - Ảnh 3.

Đọc sách và vận động giống như thả diều vào tâm hồn của bạn: đọc sách là gió, thổi linh hồn của bạn bay xa, có thể cho tâm hồn thấy một thế giới rộng lớn hơn; vận động là dây, trực tiếp điều khiển tâm hồn, không cho phép tâm hồn rời khỏi thế giới hiện thực.

Cuộc đời rất dài, hãy dành thời gian trò chuyện với tâm hồn của bạn.

Như Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM