Chuyên gia F&B lý giải vì sao The Coffee House chịu bán mình cho Golden Gate với mức giá chỉ 270 tỷ đồng

03/04/2025 00:01 AM | Kinh doanh

The Coffee House, từng định giá hơn 1.000 tỷ đồng, nay được Golden Gate mua lại với giá chỉ bằng 1/4, chỉ 270 tỷ đồng.

Chuyên gia F&B lý giải vì sao The Coffee House chịu bán mình cho Golden Gate với mức giá chỉ 270 tỷ đồng- Ảnh 1.

The Coffee House – thương hiệu đồ uống từng được định giá hơn 1.000 tỷ đồng – vừa chính thức về tay Golden Gate với mức giá chỉ bằng 1/4 so với trước đây. Điều gì đã khiến một tên tuổi lớn rơi vào tình cảnh "bán mình" với giá rẻ mạt? Một chuyên gia F&B đã có những phân tích chi tiết về thương vụ này, chia sẻ cả những khó khăn lẫn tiềm năng mà The Coffee House mang lại.

Những khó khăn, thách thức The Coffee House đang gặp phải

Theo chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến giá trị của The Coffee House giảm mạnh chính là gánh nặng nợ nần. 

"Chuỗi này từng kinh doanh thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu, dẫn đến tồn đọng nhiều khoản nợ đáng kể," anh giải thích.

Chuyên gia F&B lý giải vì sao The Coffee House chịu bán mình cho Golden Gate với mức giá chỉ 270 tỷ đồng- Ảnh 2.

Dù không có thông tin chính thức, chuyên gia này cho rằng khoản tiền Golden Gate bỏ ra nhiều khả năng đã bao gồm nghĩa vụ trả nợ. Theo quan điểm cá nhân, khi mua lại The Coffee House, Golden Gate gần như chắc chắn phải xử lý những khoản nợ này khiến giá trị thực tế của thương hiệu bị điều chỉnh giảm đáng kể so với kỳ vọng. Vị chuyên gia này cũng cho hay trước đây, The Coffee House từng gặp khó khăn tài chính rõ rệt, việc thua lỗ kéo dài dẫn đến việc một số cửa hàng phải đóng cửa, làm giảm độ phủ – điều từng là lợi thế lớn của The Coffee House. Và cũng chính trong khoảng thời gian chuỗi gặp khó khăn, một số khách hàng có thể đã chuyển sang các thương hiệu khác, điều này khiến doanh thu của "ngôi nhà cà phê" bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, làn sóng tẩy chay trước đây liên quan đến sự cố kính vỡ rơi trúng một nữ sinh cũng là một vết gợn trong lịch sử của The Coffee House. Dù chuyên gia nhận định đây không phải vấn đề quá nghiêm trọng như chất lượng sản phẩm hay chủ quyền quốc gia, cách xử lý chưa khéo léo của thương hiệu thời điểm đó đã để lại ấn tượng không tốt với một bộ phận khách hàng. 

"Tác động chủ yếu đến từ cách ứng xử, nhưng không phải yếu tố cốt lõi để khiến thương hiệu sụp đổ," anh nói.

Thách thức lớn hơn cả là sự cạnh tranh gay gắt trong ngành đồ uống, với sự hiện diện của các "ông lớn" như Highlands, Phúc Long và Trung Nguyên. Những thương hiệu này không chỉ có nguồn lực tài chính mạnh mà còn liên tục đổi mới menu, mở rộng chi nhánh, tạo áp lực lớn lên một chuỗi đang gặp khó như The Coffee House. Việc vực dậy một thương hiệu đang gặp khó khăn tài chính trong bối cảnh thị trường khốc liệt không phải là điều dễ dàng, ngay cả với một tập đoàn giàu kinh nghiệm như Golden Gate.

Tiềm năng phát triển khi về tay Golden Gate

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, The Coffee House vẫn được chuyên gia đánh giá cao về tiềm năng. 

"Đây vẫn là một trong những thương hiệu đồ uống lớn nhất Việt Nam, với lượng khách hàng trung thành nhất định và mạng lưới mặt bằng đẹp," chuyên gia nhấn mạnh. 

Những địa điểm còn lại của chuỗi đa phần có vị trí chiến lược, mang lại lợi thế lớn cho Golden Gate khi muốn mở rộng trong ngành đồ uống.

Chuyên gia F&B lý giải vì sao The Coffee House chịu bán mình cho Golden Gate với mức giá chỉ 270 tỷ đồng- Ảnh 3.

Ngoài ra, một điểm sáng khác là năng lực công nghệ của The Coffee House, đặc biệt trong việc thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng qua ứng dụng. Hơn nữa, với kinh nghiệm từng vận hành The Coffee Inn, Golden Gate có thể áp dụng những bài học cũ để định vị lại The Coffee House, nhắm đến các phân khúc khách hàng trẻ, yêu thích sự tiện lợi và công nghệ. Chuyên gia chia sẻ nếu Golden Gate có thể tận dụng hiệu quả dữ liệu khách hàng từ The Coffee House thì "ông trùm" lẩ nướng có thể điều hướng khách hàng từ hệ sinh thái F&B mà mình đang nắm giữ sang The Coffee House hoặc ngược lại, từ đó giúp cả hai bên cùng tăng trưởng.

"Golden Gate có thể tích hợp dữ liệu này với hệ sinh thái tích điểm (loyalty) của mình, tối ưu hóa doanh thu và thu hút khách hàng từ cả hai bên," anh phân tích. 

Điều này không chỉ giúp The Coffee House phục hồi mà còn bổ sung một mảnh ghép quan trọng vào hệ sinh thái F&B của Golden Gate. Ngoài ra, với kinh nghiệm quản trị chuỗi nhà hàng bài bản, Golden Gate có thể cải thiện quy trình vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng và đưa The Coffee House trở lại vị thế vốn có. Thậm chí, Golden Gate còn có thể tận dụng thương hiệu này để thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới, như kết hợp giữa đồ uống và ẩm thực, tạo sự khác biệt trên thị trường.

"Thương hiệu này đã được xây dựng bài bản, có nội lực và giá trị tiềm tàng. Nếu được quản lý tốt, đây sẽ là một thương vụ đôi bên cùng có lợi," chuyên gia nhận định.

Chuyên gia cũng khẳng định dù đang gặp khó khăn tài chính nhưng giá trị thương hiệu The Coffee House vẫn còn. Cùng với chiến lược tái cấu trúc hợp lý, chuỗi cà phê này hoàn toàn có thể phục hồi mạnh mẽ.

Thương vụ này còn mang ý nghĩa tích cực cho ngành F&B Việt Nam. Theo chuyên gia, sự phục hồi của những thương hiệu lớn như The Coffee House sẽ tạo động lực cho thị trường phát triển, khẳng định sức sống của các doanh nghiệp nội địa trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

BizRetail

Thúy Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM

NỔI BẬT TRANG CHỦ

VN-Index giảm sâu, nhà đầu tư lại trấn an nhau bằng câu nói của tỷ phú Phạm Nhật Vượng: "Anh chỉ mất khi anh bán, chưa bán thì chưa mất gì cả"

Đã có những nhà đầu tư cắt lỗ tại giá sàn, nhưng ngược lại cũng có những nhà đầu tư vẫn nắm giữ cổ phiếu, tin tưởng thị trường sẽ sớm hồi phục.

Quyền lực của Elon Musk: X được Nhà Trắng giới thiệu, hàng loạt cơ quan lập tài khoản, trở thành phương tiện truyền thông chính phủ

Nhà Trắng đã bố trí một vị trí cho "Phương tiện truyền thông mới" (New Media) cho John Stoll, người vừa được bổ nhiệm làm giám đốc tin tức tại Twitter-X.

Tiến sĩ RMIT: Việt Nam cần thực thi nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ

Theo tiến sĩ Chu Thanh Tuấn - Phó chủ nhiệm nhóm ngành Cử nhân kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, một trong những chiến lược dài hạn Việt Nam là kiểm soát chặt xuất xứ để ngăn chặn việc hàng hóa nước khác "đội lốt" hàng Việt. Ông cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm với giới chức thương mại Mỹ và nếu không kiểm soát tốt, Việt Nam có thể phải đối mặt với các hình phạt bổ sung.

Cổ đông lo ngại chia cổ tức tiền mặt liên tục trong 6 năm sẽ "mất đi một ngân hàng ACB như hiện tại", Chủ tịch Trần Hùng Huy nói gì?

Ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết trong nhiều năm qua, rất nhiều cổ đông đã kiến nghị việc chia cổ tức bằng tiền mặt. Đây được coi là bài toán để hài hòa lợi ích của các bên.