Chuối xanh và chuối chín, ăn loại nào tốt hơn?

25/02/2023 09:26 AM | Sống

Hầu như mọi người thường ăn chuối đã chín vàng, nhưng chuối xanh cũng được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam, vậy ăn loại nào tốt hơn?

Chuối là loại trái cây rất thơm ngon, bổ dưỡng và dĩ nhiên là kho vitamin, khoáng chất có lợi với sức khỏe. Hầu như mọi người thường ăn chuối khi chuối đã chín vàng, nhưng chuối xanh cũng được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam.

Nhiều người không thích chuối xanh vì vị không mấy ngọt ngào của nó. Nhưng chỉ vì thế mà không ăn chuối xanh, điều đó có nghĩa là bạn đã bỏ qua rất nhiều lợi ích sức khỏe của loại quả này.

Chuối xanh và chuối chín, ăn loại nào có lợi hơn?

Chuối xanh và chuối chín, ăn loại nào tốt hơn? - Ảnh 1.

Chuối xanh có nhiều tinh bột kháng - một loại chất cực tốt với sức khỏe (Ảnh: Shutterstock)

Cả chuối xanh và chuối chín đều là nguồn cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng cho cơ thể. Một quả chuối chín cỡ trung bình nặng khoảng 118g chứa 3g chất xơ, 9% lượng kali cần thiết trong ngày (DV), 25% DV vitamin B6, 11% DV vitamin C, 7% DV magiê, 10% DV đồng, 14% DV mangan, 105 calo (90% lượng calo tới từ carb). Chuối cũng rất ít chất béo và protein.

Trong khi đó, chuối xanh lại nổi tiếng bởi chứa nhiều tinh bột kháng. Loại chất này được coi là chất xơ và nhiều tác dụng với sức khỏe.

Chuối xanh giúp giảm cân hiệu quả

Hàm lượng chất xơ có trong chuối xanh rất cao. Theo các nhà khoa học của Đại học Sussex (Vương Quốc Anh), những thực phẩm giàu chất xơ làm tăng cảm giác no.

Cả tinh bột kháng và pectin - 2 loại chất xơ trong chuối xanh - đều có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, theo một nghiên cứu của Đại học Minnesota (Hoa Kỳ).

Những loại chất xơ này làm chậm quá trình tiêu hóa, giảm việc tiêu thụ thêm calo, từ đó giúp giảm cân.

Chuối xanh giúp tăng cường sức khỏe hệ tiêu hoá

Các chất dinh dưỡng trong chuối xanh cực tốt cho các lợi khuẩn có trong đường ruột.

Thay vì bị phân hủy trong ruột, tinh bột kháng và pectin sẽ ‘nuôi sống’ các vi khuẩn có lợi cư trú trong đường ruột. Các nhà khoa học của Khoa Khoa học Thực phẩm, Đại học Bang Pennsylvania (Hoa Kỳ) , cho biết các vi khuẩn sẽ lên men 2 loại chất xơ này, sau đó tạo ra butyrate và các axit béo chuỗi ngắn có lợi khác.

Ngoài ra, một số nghiên cứu đã chứng minh tinh bột kháng và pectin còn có thể ngăn ngừa việc phát triển ung thư đại tràng.

Chuối xanh giúp kiểm soát đường huyết

Chuối xanh và chuối chín, ăn loại nào tốt hơn? - Ảnh 2.

Tinh bột kháng giúp kiểm soát đường huyết (Ảnh: 12taste)

Lượng đường trong máu cao là vấn đề sức khỏe cần được chú ý. Lượng đường huyết ở mức cao kéo dài có thể dẫn tới bệnh tiểu đường loại 2, cũng như tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Sự khác biệt chính giữa chuối xanh và chuối chín là carb trong chuối xanh chủ yếu ở dạng tinh bột. Lượng tinh bột này dần dần chuyển thành đường trong quá trình chín. Do đó, chuối xanh cũng có chỉ số đường huyết khá thấp là 30, trong khi chuối chín chỉ số đường huyết khoảng 60. Chỉ số đường huyết đo tốc độ làm tăng đường huyết sau khi ăn thực phẩm đó. Vì thế, thực phẩm chỉ số đường huyết thấp sẽ có lợi hơn trong việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Một nghiên cứu của Đại học Thanh Đảo (Trung Quốc) cho thấy cả pectin và tinh bột kháng trong chuối xanh đều có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu sau bữa ăn.

Lưu ý khi ăn chuối xanh

Chuối xanh và chuối chín, ăn loại nào tốt hơn? - Ảnh 3.

Nên ăn chuối xanh hấp hoặc luộc thay vì chiên (Ảnh: Pinterest)

Chuối xanh có thể cung cấp thêm một số chất dinh dưỡng và lợi ích mà chuối chín không có. Tuy nhiên, nhiều người có thể có các triệu chứng như đầy bụng, ợ hơi sau khi ăn chuối xanh. Cũng có người bị dị ứng với nhựa của loại trái cây này trong khi chế biến để nấu ăn. Do đó, hãy ăn chuối xanh với một lượng vừa phải và đeo găng tay khi tước vỏ chuối.

Hấp hoặc luộc là cách chế biến chuối xanh có lợi nhất với sức khỏe. Bạn cũng thể chiên, nướng hoặc sấy chuối xanh. Tuy nhiên, những cách chế biến này có thể làm tăng lượng calo dư thừa.

Khi mua chuối xanh, hãy chọn những quả còn tươi, vỏ xanh và không bị đổi màu, có vết thâm hay đốm đen.

(Nguồn: Healthline)


Theo Bích Ngọc/VTC

Cùng chuyên mục
XEM