Chỉ cần 30 phút, ông Obama đã khiến mọi người Việt khâm phục vì mức độ hiểu biết Việt Nam của mình
Trong sự chờ đợi của hơn 2.000 trí thức và doanh nhân trong khán phòng, ông Obama bình dị bước ra, vẫy tay với nụ cười tươi quen thuộc trên môi...
Mở đầu bài phát biểu, ông Obama gửi lời chào tất cả mọi người trong khán phòng bằng tiếng Việt: "Xin chào! Xin chào Việt Nam!"
Ông nhận được một tràng vỗ tay lớn của hàng nghìn người trong khán phòng.
Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống đương nhiệm nước Mỹ chia sẻ về những món ăn ngon của Việt Nam như bún chả phố cổ, bia Hà Nội. Và ông đặc biệt ấn tượng với những cái vẫy tay thân thiện của người dân Việt Nam ở hai bên đường.
Ông nói: "Sự thân thiện của người Việt đã chạm tới trái tim tôi".
Trong 30 phút phát biểu, ông rất hiếm khi nhìn xuống bản thảo phía dưới. Ông nói rất tự nhiên, hay cười và đầy thu hút.
Sau tràng vỗ tay của hơn 2.000 người, Tổng thống Mỹ điểm lại lịch sử cội nguồn của Việt Nam một cách thành thuộc đến kỳ lạ. Ông nhắc đến trống đồng Đông Sơn, dòng sông Hồng hơn 1.000 năm, sản phẩm thủ công lụa và những bức tranh sơn mài, kiến trúc Văn Miếu tượng trưng cho kiến thức của Việt Nam.
Khi nói về tinh thần bất khuất hiên ngang của người Việt, Obama liên tưởng đến sức sống mãnh liệt của cây tre. Vị Tổng thống thuộc lòng câu thơ trong Bản tuyên ngôn khẳng định chủ quyền của Lý Thường Kiệt: "Sông núi nước Nam vua Nam ở. Rành rành đã định tại sách trời".
Khi bày tỏ về mối quan hệ khăng khít giữa 2 bên Mỹ và Việt Nam, vị Tổng thống thứ 44 của cường quốc này chia sẻ rằng, nhiều khách du lịch Mỹ đã đến thăm 36 phố cổ Hà Nội, các cửa hàng ở Hội An, cố đô Huế.
Thậm chí, cách hơn nửa cầu trái đất, ông vẫn thuộc lòng lời bài hát nổi tiếng của cố nhạc sĩ Văn Cao: “Từ nay ta biết quê người. Từ nay người biết thương người”.
Obama khiến người nghe từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Ít ai có thể ngờ rằng, vị Tổng thống trăm công nghìn việc lại biết đến cả triết học của Phan Chu Trinh, hình ảnh nữ anh hùng Hai Bà Trưng, giáo sư toán học trẻ tuổi nhất Việt Nam Ngô Bảo Châu.
Chia sẻ về thách thức chống biến đổi khí hậu toàn cầu, Obama nhấn mạnh đến việc bảo vệ các điểm du lịch của Việt Nam như Vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng dù chưa một lần đặt chân tới. Ông cũng rất quan tâm đến những mảnh đất vùng đồng bằng Sông Cửu Long do ảnh hưởng của xâm nhập mặn của Việt Nam.
Điều là cả khán phòng vỗ tay khi Tổng thống Hoa Kỳ ví von niềm tin của ông về tình hữu nghị của hai nước như đúng tinh thần bài hát “nối vòng tay lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Kết thúc bài phát biểu, ông Obama khiến nhiều người hết sức bất ngờ khi lẩy câu kiều trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du: "Sau này khi người Mỹ Việt Nam học cùng nhau, cùng phối hợp sáng tạo với nhau thì các bạn hãy nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây trước các bạn như Nguyễn Du đã nói: Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”.
Dù cách nửa vòng trái đất, bận rộn với nhiều vấn đề trên chính trường thế giới, thế nhưng, những điều giản dị như đi ăn bún chả phố cổ, muốn uống cà phê sữa đá, bia Hà Nội, ghé quán trà đá vỉa hè của vị Tống thống khiến người ta thấy được cái dạn dĩ trong con người ông.
Lần đầu tiên đặt chân đến một đất nước nhỏ bé, ông Obama đã nắm vững hết kiến thức từ văn học, âm nhạc, du lịch, ẩm thực cũng như vốn văn hóa của người Việt Nam. 30 phút diễn thuyết ngắn ngủi, cũng đủ cho người nghe thấy được kiến thức uyên thâm cũng như cái tầm của một vị Tổng thống.