Chàng trai bị đồng nghiệp nhắc "thiếu ý tứ" vì không mua quà ra mắt ngày đầu đi làm: Nhân viên mới phải làm gì để không bị "soi" ngay buổi đầu tiên?

03/05/2022 19:21 PM | Sống

Nhiều người thường quan niệm ngày đầu tiên cần phải mang đồ ăn hay mời cả phòng đi ăn nhưng thực chất không phải văn hóa ở nơi nào cũng giống nhau.

Sau khi trúng tuyển, chúng ta vừa vui mừng nhưng cũng không kém phần lo lắng là làm sao để có ngày đầu tiên đi làm thành công. Bởi dù bạn đã có nhiều kinh nghiệm, là người từng trải hay là sinh viên mới ra trường thì vẫn có cảm giác bỡ ngỡ.

Đặc biệt, việc có nên hay không mua quà ra mắt cơ quan vẫn luôn là câu chuyện gây nhiều tranh cãi.

Mới đây, tại một diễn đàn chuyên dành cho dân công sở đã đăng tải bài viết về một chàng trai gặp ngay "quả đắng" trong buổi nhận việc từ hành động vô cùng quen thuộc mà ai cũng từng trải qua.

Theo đó, N.H.S (sn 1990) vừa được tuyển dụng vào một công ty viễn thông lớn tại Việt Nam, chuyên về mảng công nghệ thông tin.

Chàng trai bị đồng nghiệp nhắc thiếu ý tứ vì không mua quà ra mắt ngày đầu đi làm: Nhân viên mới phải làm gì để không bị soi ngay buổi đầu tiên? - Ảnh 1.

Bị đồng nghiệp nhắc nhở vì không mua quà ra mắt cơ quan

Ngày đầu đến nhận việc, dù trong lòng rất hồi hộp nhưng S. vẫn nhanh nhảu chào hỏi từng người trong cùng bộ phận. Tưởng chừng mọi việc sẽ suôn sẻ thì đến cuối ngày, một người anh đồng nghiệp ngồi cạnh S. đã ghé tai và hỏi nhỏ rằng: "Cậu không mua quà nhưng cũng không mời cafe mọi người à. Nhân viên mới mà chẳng ý tứ gì cả?".

Vừa ngại vừa không biết nói sao cho đỡ phật ý. Bởi trong ví S. chẳng còn nhiều tiền, nếu mời cafe các anh và trà sữa cho các chị em thì cuối tháng sẽ chịu cảnh đi vay để sống qua ngày. Ngược lại, khi đã bị nhắc đích danh nếu không mời thì coi như bị vào "sổ đen" của đồng nghiệp.

Cười ngượng S. đáp lại: "Dạ nay em đi từ quê lên vội quá, nên em tính mai mới mua quà lên mời mọi người. Anh thông cảm ạ".

Nghe vậy, anh đồng nghiệp mới thân thiện trở lại: "Ừ, anh nói vậy là muốn tốt cho chú thôi. Quà to nhỏ không vấn đề, cái chính là văn hoá công sở xưa nay là vậy. Mình cứ theo cho được lòng mọi người".

S. dù tiếc đứt ruột nhưng hôm sau vẫn phải tuân theo lời khuyên của đàn anh, cố gắng chọn quán đang có khuyến mại để mua được đồ giá rẻ một chút rồi mang lên cơ quan mời mọi người.

Ngay sau khi câu chuyện này được chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận về không ít ý kiến trái chiều của cư dân mạng. Bên cạnh những ý kiến đồng tình nên mua đồ ăn như trái cây, bánh kẹo hoặc nước uống mời mọi người trong ngày đi làm đầu tiên thì cũng không ít người bác bỏ hoàn toàn. Họ cho rằng, nhân viên mới vốn dĩ là người đang thất nghiệp và không có lương, họ có thể sẽ mời mọi người vào đợt nhận lương đầu tiên hoặc là không. Đi làm thì chuyện công việc đặt lên hàng đầu chứ không phải để nịnh đồng nghiệp.

Vậy đâu mới là điều bạn nên làm?

Ngày đầu tiên đi làm nên mang gì?

Nhiều người thường quan niệm ngày đầu tiên cần phải mang đồ ăn hay mời cả phòng đi ăn nhưng thực chất không phải văn hóa ở nơi nào cũng giống nhau. Hơn nữa, bạn còn chưa biết các phòng ban được phân bổ ra sao, có bao nhiêu người...

Hãy nhớ, công việc vẫn là hàng đầu chứ không phải những hình thức câu nệ. Lâu dần khi đã quen và gắn bó với công việc, bạn có thể mời mọi người đi ăn trưa, cà phê tám chuyện, từ đó xây dựng những mối quan hệ gắn bó sâu sắc hơn với nhau.

Chàng trai bị đồng nghiệp nhắc thiếu ý tứ vì không mua quà ra mắt ngày đầu đi làm: Nhân viên mới phải làm gì để không bị soi ngay buổi đầu tiên? - Ảnh 2.

Hãy tạo ấn tượng với đồng nghiệp ngày đầu đi làm

Hãy lắng nghe và quan sát xung quanh

Trong ngày đầu tiên đi làm, hãy quan sát và chú ý lắng nghe trước khi đưa ra bất kỳ một lời đề nghị nào. Bạn sẽ học được cách tìm hiểu và thích nghi về môi trường mà bạn đang tham gia. Đồng thời, hiểu hơn về những đồng nghiệp mà bạn sẽ cùng làm việc.

Cảnh giác trước những rắc rối trong văn phòng

Bạn có thể không tin nhưng trong mỗi văn phòng đều có những kẻ rắc rối, đại loại bạn có thể thấy những người hay nói châm chọc, mỉa mai, vẻ ngoài thì tươi cười nhưng thực chất lại không thực sự thiện chí. Những kẻ rắc rối là những người hay thích tạo nên những mối bất hòa sau đó giả vờ như không biết gì về nó. Bạn có thể nghe những gì mà họ nói tuy nhiên không nên nghe theo hay bàn luận về bất cứ điều gì, đó có thể chỉ là những câu chuyện phóng đại mà thôi.

Chú ý đến thái độ cư xử của bản thân

Mọi người có thể không nhớ đến những ấn tượng tốt đẹp về việc cư xử lịch sự của bạn nhưng chắc chắn họ sẽ nhớ những hành vi thô lỗ của bạn, chính vì thế, bạn cần phải thật chú ý giữ gìn hình ảnh của bản thân nơi công sở. Chỉ một tiếng tiếng cười không đúng lúc. một tiếng hét vang quá lồ,... cũng có thể khiến bạn nhận lấy sự ác cảm từ mọi người.

Đừng trở thành kẻ buôn chuyện

Bạn có thể nghe được những tin đồn về người này người kia trong công sở nhưng tuyệt đối không bao giờ được đưa ra ý kiến cá nhân để góp vào câu chuyện đó hay tám chuyện với những người khác. Bởi mọi thứ đều chưa được kiểm chứng, nhất là bạn không thể biết được, sau lưng bạn họ sẽ biến từng lời mà bạn đã bình luận thành những câu chuyện tệ hại đến mức nào.

Cố gắng gây ấn tượng với mọi người

Ngày đầu thử việc nhưng cũng là ngày bạn đã bắt tay vào công việc. Vì vậy đừng tỏ ra "ngu ngơ", lạ lẫm với công việc và môi trường công sở, càng không nên cho rằng nhiệm vụ đầu tiên của mình chính là chờ đợi người đào tạo.

Mọi thứ bạn nên chủ động để thể hiện sự trưởng thành của mình và gây ấn tượng với mọi người. Đừng vịn vào lý do "người mới, sinh viên mới ra trường" để ỉ lại bởi chẳng có một ai phải chịu trách nhiệm cho cái mới đó của chúng ta cả.

Chàng trai bị đồng nghiệp nhắc thiếu ý tứ vì không mua quà ra mắt ngày đầu đi làm: Nhân viên mới phải làm gì để không bị soi ngay buổi đầu tiên? - Ảnh 3.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM