Từ phu kéo xe đến 'Vua bánh mì', đối tác lớn của Lotteria, KFC, Burger King Việt Nam

21/10/2015 10:28 AM | Kinh doanh

ABC Bakery là câu chuyện thành công điển hình khi doanh nghiệp lựa chọn chiến thuật thị trường ngách.

Lý thuyết về chiến lược cạnh tranh có 3 chiến lược chính gồm: Dẫn đầu về chi phí, Khác biệt hóa, Chiến lược tập trung. Trong 3 loại hình này, việc lựa chọn tấn công vào thị trường ngách là một loại đặc biệt của chiến lược tập trung. Không ít doanh nghiệp trên thế giới và cả Việt Nam mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng gặt hái thành công lớn nhờ chiến lược đi vào thị trường ngách.

CafeBiz xin giới thiệu series bài viết về “Những doanh nghiệp thành công nhờ thị trường ngách”. Series sẽ đăng tải thường kỳ vào thứ Tư hàng tuần.


Với sự phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tại Việt Nam, các thương hiệu fastfood thế giới nhanh chân để không bỏ lỡ cơ hội tại thị trường đầy tiềm năng. Chưa bao giờ thị trường này sôi động đến vậy với sự góp mặt từ KFC, Lotteria, Burger King và mới nhất là McDonald’s. Tuy nhiên hầu hết những nguyên phụ liệu trong hệ thống các cửa hàng này đều được nhập khẩu từ nước ngoài từ thịt, khoai cho đến ly giấy hoặc thông qua các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, doanh nghiệp nội địa 100% rất hiếm.

Thế nhưng có một doanh nghiệp nội thành công khi là đối tác cung cấp bánh mì, bánh ngọt, hamburger cho những ông lớn fastfood này. Đó là công ty ABC Bakery, được thành lập bởi “vua bánh mì” Kao Siêu Lực. ABC Bakery là câu chuyện thành công điển hình khi doanh nghiệp lựa chọn chiến thuật thị trường ngách.

Từ phu kéo xe đến ông chủ tiệm bánh

Ông Kao Siêu Lực vốn là người gốc Hoa tại Campuchia sang Việt Nam lập nghiệp từ năm 1979 khi chiến tranh nổ ra. Thủa nhỏ ông vốn được cha cho học nghề cơ khí nhưng đến mảnh đất mới lập nghiệp không vốn liếng, không người thân, không biết tiếng, ông Lực làm phu xe để kiếm cơm qua ngày.

Theo lời kể của ông Lực, việc kéo xe tưởng dễ nhưng với ông là bài toán khó. Ông phải tranh thủ lúc những phu xe khác nghỉ ngơi để mượn xe, giao tiếp bằng tay là chính, khách trả bao nhiêu tiền cũng được, ông không biết mặc cả. Sau một thời gian quen đường sá, biết tiếng Việt, ông Lực chuyển qua bán gạo rồi sau đó thu gom và giao bột mì.

Một thời gian dài làm quen với bột mì khiến ông có kinh nghiệm cũng như khả năng cảm nhận chất lượng bột qua đôi bàn tay. “Chỉ cần sờ vào, tôi đã biết bột loại gì, tốt hay xấu, cũ hay mới. Tôi bắt đầu thấy ánh sáng cuối đường hầm từ lúc ấy”, ông vua bánh mì nhớ lại.

Công việc giao bột mì giúp ông làm quen với những người làm bánh mì, bánh tươi và nảy ra ý định mở lò bánh năm 1982. Vốn là người ngoại đạo, ông Lực thuê thợ về làm, vừa làm chủ vừa làm thợ phụ học việc, vừa kiêm luôn việc chở bánh đi bán dạo. Có hôm vì quá mệt mà ông Lực ngủ quên, thợ làm thuê cho ông mắng té tát và dọa nghỉ việc. Điều này khiến ông quyết tâm học nghề làm bánh cho bằng được để không ai khinh mình.

Thế nhưng việc học nghề của ông cũng không dễ dàng. Ông Lực thuê thầy về dạy, hàng ngày chuẩn bị nguyên liệu từ 3 giờ sáng sau đó đứng một góc để xem thấy trộn bột, nướng bánh. Thế nhưng ông thầy giấu bí quyết trộn bột, tìm cớ để không truyền nghề cho ông Lực. Suốt một thời gian dài, ông học bằng cách quan sát, tự mò mẫm tìm ra công thức và thử nghiệm dù thất bại không ít.

Năm 1983 ông Lực lập gia đình và cùng vợ dồn tâm sức vào nghề làm bánh. Với nghề cơ khí sẵn trong tay, ông tự máy mò, nghiên cứu, chế tạo máy đánh trứng, tạo ra nhiều mẫu khuôn bánh mới so với thị trường, từ đó khách hàng dần dần biết đến cửa hàng bánh của ông. Năm 1984 ông Lực thành lập thương hiệu bánh Đức Phát với số vốn khoảng 2 cây vàng.

Bước ngoặt gia đình và cuộc gây dựng lần 2

Trải qua hơn 20 năm, cái tên Đức Phát ngày càng phát triển và nhận được sự ủng hộ của khách hàng trong và ngoài nước nhưng đến năm 2005, ông và vợ ly hôn. Vụ tranh chấp thương hiệu được định giá tới 1 triệu USD này kéo dài đến năm 2007 thì kết thúc.

Cùng năm này ông Lực quyết định mở hiệu bánh mới với tên ABC Bakery với số vốn 30 tỷ đồng. Cái tên ABC Bakery theo giải thích của ông chữ A nghĩa là “Asia” (châu Á), B là “Bakery” (Bánh), C là “Confectionary” (Kẹo). ABC cũng là tên viết tắt của 3 người con ông Lực: Anglela (con gái thứ Kao Huy Minh); Bruch (con trai út Kao Hớn Phong) và Christine (con gái cả Kao Huy Phương). Ba người con cũng là niềm tự hào của ông khi tiếp bước hứng thú với công việc làm bánh và bắt đầu cùng ông gánh vác sự nghiệp.

Theo ông Lực chia sẻ, logo của ABC với hình một cậu bé mặc bộ quần áo thợ làm bánh chính là hình ảnh con trai út lúc nhỏ. Cậu bé học làm bánh từ năm 10 tuổi và hiện theo học ngành này tại Singapore.

Không chỉ có kinh nghiệm hơn 20 năm lăn lộn với nghề bánh xây dựng nên Đức Phát, ông Lực còn dành tới 30% thời gian để nghiên cứu về máy móc, thiết bị làm bánh trên thế giới. Vốn có nghề cơ khí trong tay cùng với việc nhập khẩu máy móc chi phí đắt gấp 4-5 lần trong nước nên ông Lực quyết định tự nghiên cứu, cải tiến và thử nghiệm. Thậm chí ông còn chế tạo thành công và bán dàn máy cuộn bánh cho đối tác Đài Loan.

Việc đầu tư cho công nghệ có thể xem là một yếu tố giúp ABC mặc dù mới thành lập từ năm 2007 nhưng nhanh chóng thành công và trở thành nhà cung cấp cho nhiều khách sạn 5 sao, các thương hiệu fastfood đa quốc gia khi đặt chân vào Việt Nam như KFC, Lotteria, McDonald’s cũng như xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản.

Hamburger - miếng bánh ngon ít người làm

Hiện ABC sản xuất 6 nhóm mặt hàng chính gồm: Bánh tươi đóng gói, bánh mì tươi, hamburger, bánh trung thu, bánh kem và bánh đông lạnh với hệ thống 33 cửa hàng. Theo chia sẻ của ông Lực, một xưởng bánh của ông có doanh số khoảng 180 tỷ đồng.

ABC còn được biết đến là đối tác thường xuyên của chuỗi bánh ngọt Tour lé Jours, cung cấp 100% bánh sandwich cho McDonald’s hay nguyên liệu bột làm bánh pizza cho Burger King, Domino Pizza. Ông Lực cũng chia sẻ sắp tới ABC còn cung cấp nguồn bánh cho Dunkin’s Donuts. Hiện chuỗi fastfood Lotteria với 200 cửa hàng là hãng nhập nguyên liệu nhiều nhất từ ABC Bakery với doanh thu tới trên 1 tỷ đồng một tháng theo lời ông Lực.

Trong các mặt hàng của ABC nhóm sản phẩm chủ lực là hamburger với tỷ trọng tới 40% doanh thu. Tỷ lệ 60% còn lại là bánh ngọt, kem. Thị trường đồ ăn nhanh tại Việt Nam phát triển khá nhanh trong vài năm gần đây nhưng việc cung ứng loại bánh này cho các hãng lại đang bị bỏ ngỏ.

Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất bánh mì, bánh tươi hiện nay thường chọn hướng tiếp cận trực tiếp đến người tiêu dùng hàng ngày. ABC chọn hướng cung ứng hamburger có thể xem là chiến lược tấn công vào thị trường ngách hiệu quả và hiện đã gặt hái thành công.

Trong lần trả lời phỏng vấn tờ báo Anh The Guardian năm 2014, ông Lực cho biết ABC đang xây một nhà máy sản xuất mới ở ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. "Nhà máy này sẽ có 3 tầng, một tầng cho McDonald's, một cho các sản phẩm của Nhật Bản , một cho thị trường xuất khẩu", ông Lực cho biết. Nhưng mở rộng thương hiệu ra quốc tế không phải là trọng tâm của ông Lực. Điều quan trọng nhất, theo ông, ABC Bakery vẫn là một công ty gia đình phát triển chặt chẽ.

Kim Thủy

Cùng chuyên mục
XEM