Tôi Start-up, anh kinh doanh nhỏ, chúng ta khác gì nhau?
Giữa start-up và một doanh nghiệp nhỏ có sự khác nhau như thế nào, hay đơn giản đây chỉ là hai cách gọi khác nhau cho cùng một vấn đề?
Nội dung nổi bật:
- Mô hình kinh doanh nhỏ giống như một chiếc ô - mang lại bóng mát ngay sau khi mua về. Nó không đòi hỏi nhiều sự đầu tư và ít mạo hiểm hơn.
- Start-up giống như một hạt giống. Nó mất nhiều thời gian, tiền đầu tư, công chăm sóc, luôn luôn thất bại nhưng nếu thành công, nó không chỉ mang về bóng mát, mà còn vô số lợi ích khác.
Để giúp người đọc phân biệt được rõ hơn giữa start-up và kinh doanh nhỏ, hãy cùng đọc câu truyện của Balaji Viswanathan, quản lý sản phẩm tại Quỹ VC Funded Start-up.
Tom và Tara là hàng xóm của nhau tại một đất nước nhiệt đới. Cả hai đều nghĩ rằng khoảng sân sau nhà mình cần một bóng mát. Tom quyết định sẽ mua một cái ô lớn và đặt ngoài sân. Chiếc ô có giá đắt, nhưng không cồng kềnh.
Trong khi đó, Tara đi mua một hạt giống nhỏ. Cô mang hạt giống về trồng và tưới nước cho nó. Trồng một cái cây và chờ nó lớn để có bóng mát? Ai cũng nghĩ Tara có “vấn đề”. Quả thực, không dễ để trồng một cái cây khi mà đất và điều kiện thời tiết không thích hợp. Đôi khi, cái cây lại mọc ở một chỗ không phù hợp.
Tara không từ bỏ, cô tiếp tục thử nghiệm với nhiều loại cây, cho tới khi cô tìm được đúng loại có thể mọc nhanh. Khi cái cây đang lớn, nó không mang lại chút lợi ích nào. Nó không tạo ra bóng mát hay trái chín. Nó còn đòi hỏi rất nhiều thời gian chăm sóc, tưới cây và chăm bón.
Sau nhiều năm, cái cây của Tara đã trưởng thành. Nó mang tới bóng mát lớn cho Tara, đồng thời mang về những trái cây chín mọng. Không khí ở nhà Tara cũng trở nên trong lành hơn.
Trong khi đó, chiếc ô ở nhà Tom vẫn như vậy. Nó không lớn lên, và tất nhiên, không thể cho ra quả.
Chiếc ô của Tom và cây của Tara là hai hình ảnh thể hiện cho hai mô hình: Kinh doanh nhỏ và Start-up.
Mô hình kinh doanh nhỏ luôn tự duy trì và được thiết kế để mang về lợi nhuận ngay từ những ngày đầu tiên. Nó không đòi hỏi nhiều sự đầu tư và ít mạo hiểm hơn. Tuy nhiên, điểm yếu của nó là cũng không mang về nhiều lợi ích.
Trong khi đó, một start-up ban đầu cũng giống như một cái cây nhỏ. Nó không mang lại những lợi ích ngay lập tức sau khi gieo trồng, thậm chí đòi hỏi rất nhiều nguồn lực. Hầu hết trong số những hạt giống được gieo xuống đều sẽ chết trước khi trở thành một cái cây.
Mặc dù vậy, nếu hạt giống đủ sức tồn tại và phát triển, nó sẽ mang tới những lợi ích lâu dài. Nó có thể tăng trưởng rất lớn và có thể mang về những hạt giống mới để tạo ra những cái cây mới.
Thất bại là một trong những quá trình của một start-up thành công.
Hầu hết mọi người không bao giờ hiểu những start-up. Họ sẽ phàn nàn và không hiểu tại sao các nhà đầu tư lại đổ tiền vào những doanh nghiệp thương mại điện tử không mang lại lợi nhuận. Thế nhưng, làm gì có hạt lúa nào khi gieo xuống đã trở thành gạo ngay lập tức? Người nông dân sẽ phải chờ đến mùa thu hoạch. Tương tự, cả start-up lẫn nhà đầu tư cũng nghĩ như vậy.
Tara không thành công ngay trong lần đầu tiên. Cô đã phải trồng rất nhiều lần, với nhiều loại hạt giống khác nhau để tìm ra loại cây phù hợp. Start-up cũng vậy, họ phải liên tục cố gắng, thử nghiệm, và thành công không bao giờ là điều chắc chắn.
Tara đã chọn một con đường “điên rồ” và phải chấp nhận chịu nắng trong một thời gian dài, trong khi Tom lúc nào cũng mát mẻ ở dưới chiếc ô. Nhiều nhà sáng lập cũng từ bỏ tăng trưởng để tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng và hướng đến sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, một khoản đầu tư “khủng” dành cho Uber sẽ chỉ đến với những kẻ thực sự “điên rồ”.
Một vài người có thể sẽ nói: Tôi có thể vừa mua ô trước, sau đó bắt đầu trồng cây. Như vậy, tôi vừa có bóng mát để chờ cho đến khi cái cây lớn. Một vài start-up cũng xây dựng các dịch vụ kinh doanh nhỏ khác để tạo doanh thu trong khi tiếp tục phát triển start-up. Chiến lược này có tác dụng trong một vài trường hợp. Nhưng đôi khi, cũng không mang lại kết quả. Việc được sống trong bóng mát từ đầu, sẽ khiến cái cây không nhận đủ ánh nắng mặt trời. Bạn cũng mất đi “khát khao” để phát triển cái cây của mình, hay nói cách khác, bạn không giành đủ thời gian để phát triển start-up.
Cuối cùng, Tara đã thu về nhiều hơn một bóng mát – Đó là khát khao được nhìn ngắm một thứ gì đó lớn lên. Tương tự, tiền cũng chỉ là một động lực nhỏ với các nhà khởi nghiệp. Việc nhìn ngắm “đứa con tinh thần” của mình sinh ra và lớn dần lên mới thực sự “gây nghiện”. Đó mới là động lực đủ mạnh để thúc đẩy họ, hơn bất kỳ một yếu tố vật chất nào có thể mang lại.
>> Phạm Lê Nguyên: Người đi ươm mầm những đam mê
Balaji Viswanathan