[Khởi nghiệp] Bí quyết mở cửa hàng thực phẩm sạch thành công cho năm 2015

20/02/2015 10:00 AM | Kinh doanh

Kinh doanh thực phẩm sạch tại các thành phố lớn khá tiềm năng khi có nhu cầu cao và có nhiều dư địa phát triển. Làm thế nào để mở một cửa hàng thành công?

Thực phẩm sạch chắc chắn sẽ là xu thế kinh doanh tại Việt Nam trong tương lai gần, không chỉ trong năm 2015 mà là cả những năm tới nữa. Nhu cầu về thực phẩm sạch trong nước hiện đang rất lớn nhưng nguồn cung vẫn còn quá thiếu.

Khi nhận thức của người dân dần tăng lên, nhu cầu này về đồ ăn sạch được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tương lai. Đó sẽ là cơ hội "vàng" cho những người có ý định kinh doanh cửa hàng thực phẩm sạch.

Tuy nhiên, trên thực tế, trào lưu kinh doanh thực phẩm sạch đã có mặt tại các thành phố lớn nhưng phát triển rất manh mún, nhanh chóng đổ vỡ. Theo những người trong ngành, cứ 10 cửa hàng mở ra thì chỉ vài ba cửa hàng là có thể tồn tại lâu dài, còn lại hầu hết đều đóng cửa sau vài tháng hoạt động.

Tại sao lại xảy ra tình trạng này? Và khởi nghiệp với một cửa hàng thực phẩm sạch cần những gì?

Dưới đây là một số gợi ý của Trần Quân, Chủ thương hiệu hải sản và thực phẩm sạch Sói biển. Những gợi ý này được đúc rút từ kinh nghiệm sau thời gian trải qua từ vị trí làm thêm đến làm chủ của chàng doanh nhân trẻ tuổi này.

Đầu tiên, kinh doanh thực phẩm sạch có khá nhiều cái lợi:

- Tại Hà Nội, dù nhu cầu lớn nhưng cạnh tranh trong ngành này không thật sự gay gắt, bạn có thể dễ dàng tìm thấy vô số địa diểm trong bán kính 2km không có cửa hàng thực phẩm sạch nào.

- Với một cửa hàng nhỏ, tỉ suất lợi nhuận của mặt hàng này cũng khá cao từ 15% đến 30% doanh số. Quay vòng vốn lại nhanh gần như trong 1 ngày hoặc một vài ngày là có thể biết lãi lỗ…

Với hai tiêu chí này, có thể tạm kết luận ngành thực phẩm sạch khá tiềm năng và có nhiều dư địa phát triển. Vấn đề là bạn cần thiết lập công việc kinh doanh như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất trên từng đồng vốn bỏ ra.

Dưới đây là từng bước cụ thể mà bạn có thể tham khảo:

Giai đoạn đầu : Chuẩn bị mở cửa hàng.

- Đặt tên thương hiệu: khẳng định sứ mệnh, tầm nhìn và những gì bạn có thể mang lại cho người tiêu dùng

Lưu ý: Phải tạo ra sự khác biệt và ấn tượng trong cái tên, slogan, logo, nhận diện thương hiệu không được trùng lặp với những thương hiệu khác hoặc quá dài khó nhớ.

Ví dụ: Thương hiệu Sói Biển được khách hàng khá ấn tượng và họ thường hỏi tại sao lại tên là Sói Biển? Tôi lại có cơ hội kể cho khách hàng nghe về câu chuyện bám biển của anh Mai Phụng Lưu, được bác Chủ tịch nước tặng thưởng và mở cửa hàng cùng tôi như thế nào… Như vậy khách hàng sẽ hiểu và nhớ đến mình rất lâu.

Bạn nên tự tạo tên thương hiệu, logo hoặc nhờ bạn bè thiết kế giúp. Nếu không có bạn bè thì vào Google tự tìm hiểu đảm bảo sau 3 ngày sẽ làm xong…

- Tìm địa điểm mở cửa hàng: Địa điểm mở cửa hàng là vô cùng quan trọng tôi nghĩ nó chiếm tới 40% thành bại của cửa hàng.

Bạn cần lưu ý chọn địa điểm sau :

+ Khu vực đông dân cư thu nhập khá trở lên và có tri thức càng tốt.

+ Khu vực đông người đi qua lại và tiện cho việc ghé qua mua thực phẩm ví dụ như gần chợ, gần trường học, gần các tòa nhà cao tầng có nhiều văn phòng.

+ Khu vực có thu nhập cao tập trung ở các quận như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy…Hoặc một số khu đô thị nơi xa chợ hoặc siêu thị lớn mở cửa hàng ở tầng 1 tòa nhà cao tầng cũng rất tốt.

+ Diện tích cửa hàng ban đầu không cần quá lớn, khoảng từ 35m2 đến 50m2 là đẹp.

+ Mặt tiền: Mặt tiền càng rộng càng tốt, tốt nhất là 2 mặt tiền do có thể tiếp cận với khách hàng tốt hơn và có nhiều chỗ để xe hơn, mặt tiền ít nhất là 3 mét.

+ Giá thuê/ tháng: Tầm từ 6 -12 triệu đối với khu vực các quận ngoại thành còn những quận trung tâm với những vị trí đắc địa là 15 triệu đến 35 triệu. Tùy theo số vốn đầu tư ban đầu mà bạn có thể quyết định mức giá thuê nhưng theo tôi cửa hàng đầu tiên nên thuê ở mức từ 6-15 triệu cho an toàn.

Bạn cần bao nhiêu vốn để mở cửa hàng thực phẩm sạch thành công?

Tôi đã được rất nhiều bạn hỏi câu này và cũng đã chứng kiến rất nhiều cửa hàng thực phẩm sạch mở ra chỉ tầm khoảng 60 đến 80 triệu nhưng bán khá tốt và ngày càng đông khách hơn sau đó lại tái đầu tư vào cửa hàng và sau khoảng 1 năm họ đã thành công.

Tuy nhiên cũng có một số cửa hàng rất to đầu tư tới hơn 400 triệu nhưng chỉ sau 4 tuần đã đóng cửa.

Vấn đề không nằm ở bạn có bao nhiêu vốn để mở cửa hàng mà nằm ở chỗ bạn có đủ tâm huyết, chăm chỉ và quyết tâm mở cửa hàng hay không?

Theo tôi với tính toán chi phí hiện nay (2014) bạn mở cửa hàng mới với số vốn từ 80-250 triệu là hợp lý...

- Tìm nguồn sản phẩm thực phẩm sạch, tìm hiểu trước cách sơ chế, đóng gói, bảo quản…

+ Cửa hàng của bạn bắt buộc phải có những nguồn hàng riêng, chất lượng, khác biệt và tỷ suất lợi nhuận ở mặt hàng đó cao hơn các cửa hàng khác nếu không có được điều này bạn sẽ rất khó khăn để tồn tại trong 6 tháng đầu.

Để làm được điều này, bạn có thể về các vùng quê, liên hệ với những cơ sở sản xuất, nuôi trồng uy tín và đặt vấn đề phân phối độc quyền với họ để có nguồn hàng chất lượng và ổn định…

+ Cách sơ chế, đóng khay, sử dụng màng bọc thực phẩm và bảo quản thực phẩm ở tủ mát, tủ đông như thế nào?. Tốt nhất là tìm hiểu qua mạng Internet và nếu còn gì chưa hiểu thì sang tìm hiểu ở những cửa hàng thực phẩm sạch khác và nhờ họ giúp…

+ Tìm địa chỉ cung cấp với giá tốt nhất những vật dụng tiêu hao tại cửa hàng như túi nilon, khay thực phẩm, màng bọc, băng keo… Tại Hà Nội, bạn có thể ra Phố Hàng Chiếu với vô số những mặt hàng có thể lựa chọn với giá tốt nhất.

- Tuyển dụng và đào tạo nhân sự:

Thời gian đầu chính bạn là người phải trực tiếp làm việc ở cửa hàng và chỉ cần tuyển dụng 1 hoặc 2 người hỗ trợ thêm. Rất nhiều các cửa hàng thất bại bởi ngay từ ban đầu đã thuê người khác làm việc, quản lý không tốt, hàng tồn quá nhiều, không tận tâm chăm sóc khách hàng… Bạn chính là người làm tốt nhất những điều này và sau khoảng 6 tháng trực tiếp làm mọi việc ở cửa hàng, hiểu hết về mọi việc ở cửa hàng bạn có thể viết ra quy trình làm việc và đào tạo nhân viên làm tốt hơn bạn…

- Marketing : Trước khi mở cửa hàng cần chuẩn bị khoảng từ 2.000 đến 5.000 tờ rơi và tờ giới thiệu về cửa hàng. Tìm hiểu và quan hệ trước với bà con quanh khu vực cửa hàng, chính quyền địa phương,… Chuẩn bị kế hoạch phát tờ rơi và quảng bá truyền miệng về cửa hàng.

- Mua sắm trang thiết bị : Cửa hàng cần có ít nhất 1 tủ đông loại tủ mặt kính để trưng bày hàng đông lạnh. Nên mua luôn loại 800 đến 1000 lít để khi bày hàng được bắt mắt hơn loại 300 lit.

- 1 tủ mát đựng thịt lợn, bò, gà, vịt, cá hồi… và các loại thịt động vật khác.

- 1 đến 2 tủ đựng hoa quả để trưng bày bán hoa quả và bảo quản rau khi không bán hết…

Ngoài ra còn có nhiều vật dụng khác như quầy, kệ, bàn thu ngân, máy tính, máy in…

- Trang trí cửa hàng:

Cửa hàng thực phẩm sạch nên chọn màu sáng, trắng hoặc xanh lá cây tạo cảm giác sạch và thân thiện hơn những gam màu tối khi trưng bày sẽ không bắt mắt.

+  Mặt tiền của cửa hàng cần có các hệ thống biển ngang, dọc và biển phướn ra bên ngoài vỉa hè để thu hút khách hàng.

+ Trong cửa hàng nên treo một số những hình ảnh bạn đi thực tế các nguồn thực phẩm đầu vào, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, một vài câu nói khẳng định sứ mệnh, tầm nhìn và tâm huyết của bạn ở những nơi khách hàng dễ thấy nhất….

- Về thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nên có đầy đủ để tránh mọi vướng mắc khi các cơ quan nhà nước đến kiểm tra.

Hoàn thành những tiêu chí sau là bạn đã sẵn sàng cho việc khai trương cửa hàng rồi.

Giai đoạn 2 : Khai trương, duy trì và phát triển cửa hàng.

- Khai trương : Ngày khai trương nhất định bạn phải làm được một việc quan trọng đó là làm cho cửa hàng thật đông khách và tạo sự thu hút tới người dân xung quanh, khách hàng tiềm năng và những người quan tâm khác.

- Không quan trọng việc bạn bị lỗ trong những ngày khai trương mà quan trọng bạn có bao nhiều khách hàng tiềm năng đến cửa hàng và nghe nói đến cửa hàng.

Vậy thu hút khách đến ngày khai trương bằng cách nào?

+ Giảm giá sốc từ 30 đến 50%  ( sản phẩm bạn tự tin về chất lượng nhất ) trong vòng 3 ngày hoặc 1 tuần khai trương.

+ Miễn phí ăn thử sản phẩm

+ Quà tặng khách hàng độc đáo và ý nghĩa

+ Phát phiếu giảm giá, thẻ khách hàng VIP

+ Treo băng rôn, bảng phướn xung quanh cửa hàng, nếu được có thể mở loa đài nhạc thu hút khách hàng, mời thật đông bạn bè đến ủng hộ…Làm mọi cách để cửa hàng trông thật đông đúc những ngày khai trương để tạo sự tò mò cho những khách hàng tiềm năng.

Duy trì đưa cửa hàng về điểm hòa vốn

Sau khi khai trương cửa hàng khoảng 1 tuần đến 2 tuần là thời gian khó khăn nhất, là thời gian thử thách tính gan lì và bản lĩnh kinh doanh của bạn. Thông thường nó kéo dài đến tháng thứ 3 hoặc thứ 6 để bạn kéo cửa hàng tăng doanh số và trở về điểm doanh số hòa vốn. Trong thời gian này bạn buộc phải làm được một số việc sau nếu như không muốn đóng cửa hàng.

+ Tìm hiểu và ghi lại thông tin, sở thích và nhu cầu của khách hàng.

+ Thường xuyên tổ chức các chương trình thu hút khách đến cửa hàng như khuyến mại, mở bán sản phẩm mới ( Ngày đó tôi cho mổ cá ngừ tươi to đến 90 kg hàng tuần gây ra một tin rất Hot tới những khách hàng tiềm năng )

+ Xây dựng mối quan hệ thân thiết với khách hàng : Nhớ tên, địa chỉ, nhu cầu, nghề nghiệp, tính cách, sở thích…. Của càng nhiều khách hàng càng tốt để tiện việc chăm sóc và hiểu rõ khách hàng hơn.

+ Đào tạo nhân viên tâm huyết với nghề, trung thực và chân thành trong từng hành động, lời nói với khách hàng để tạo ấn tượng tốt về cung cách phục vụ…

+ Hoàn thiện về chất lượng sản phẩm, loại bỏ những mặt hàng có nhiều phản hổi tiêu cực, tích cực tìm hiểu nhập thêm nhiều loại sản phẩm mới đa dạng hơn…

Quản lý cửa hàng thế nào?

Đầu tiên một mình bạn phải làm mọi việc từ đặt hàng từ các nhà cung cấp hàng ngày, kiểm tra chất lượng khi họ giao hàng để đánh giá chất lượng của từng nhà cung cấp sau đó khoảng vài tháng bạn có thể phân công cho người khác đảm nhận.

+ Về các loại sổ sách nhất thiết bạn phải có những sổ sau :

# Sổ khách hàng : Lưu lại thông tin của khách hàng như tên, tuổi, địa chỉ, sở thích, nhu cầu, nghề nghiệp, số điện thoại…

# Sổ đặt hàng : Lưu lại thông tin khách đặt hàng hàng ngày để tránh bị quên

# Số công nợ : Lưu lại thông tin khách nợ…

# Sổ thu chi : Lưu lại thông tin thu chi của cửa hàng…

Và các loại sổ khác nếu bạn thấy cần thiết cho việc quản lý…

Đào tạo nhân viên bán hàng và bán hàng thực phẩm sạch ra sao?

Nhân viên luôn là một vấn đề phức tạp nhưng bạn có thể học hỏi từ một người rất nổi tiếng khác: Tác giả của Tony buổi sáng. Dưới đây là một số điểm bạn cần lưu ý cho nhân viên của mình.

1. Với hàng hóa, mình làm nhẹ tay, nâng niu, tâm huyết của người nông dân cả. Mình cứ tưởng tượng đấy là của mình trồng được, từ cái hạt giống, đến cây con, đến lúc trổ hoa kết trái, ngày nào cũng ngắm nhìn. Mình phải thương hàng hóa thì động tác sẽ điều chỉnh phù hợp.

2. Trong lúc không có khách, mình bỏ hàng vào bao cân trước. Ví dụ nấm mèo người ta mua 1kg, 2kg là chủ yếu, mình cân trước cột dây thun để đó. Không làm gì thì cũng phải lau chùi dọn dẹp, dọn bớt rác để cuối giờ khỏi mệt, đừng ngồi không.

3. Tiền thừa của khách cũng chuẩn bị sẵn, dự trù các phương án tiền thừa. Ví dụ 1kg cà chua giá 12.000 đồng, khách nếu mua 2kg, họ sẽ đưa 25 ngàn hoặc 30 ngàn, nên tờ 1 ngàn và 6 ngàn phải dự trù sẵn. Ví dụ vậy…Đừng để tới lúc đó rồi lúng túng gọi ầm ĩ lên.

4. Khiến khách hàng cảm thấy hài lòng.

Khách tới, chạy ra dắt xe cho họ lên lề, mỉm cười chào đón. Khách mua xong cúi đầu xuống và nói “cám ơn cô/chú/anh/chị đã ủng hộ nông sản sạch Việt nam”, nói chân thành, không ngại ngùng.

"Dễ thương thì ai cũng yêu mến, muốn cái gì được cái đó. Muốn dễ thương thì phải nghĩ về người khác trước, mình sau. Nhường nhịn, bỏ qua, không sĩ diện nhảm nhí, không lên gân lên cốt, không ăn miếng trả miếng…để mình hơn. Khách mua nhiều mình nói để con chở về nhà cô/chú luôn cho. Xin lỗi cám ơn luôn miệng...Cười luôn miệng nhé. Mệt không được cáu. Cáu là hành vi kém văn minh của mấy cậu ấm cô chiêu "...

Xử lý hàng tồn không bán hết trong ngày như thế nào ?

Với mặt hàng bán trong ngày như thịt lợn cần nhập lượng vừa phải, bảo quản tốt, nếu bán trong ngày không hết cấp đông ngay rồi bán hạ giá phần cấp đông. Nếu cấp đông nhiều quá thì cho ra làm ruốc sạch.

Rau bán trong ngày, có một số loại rau bán qua ngày được như rau ngót, mồng tơi... Sơ chế liên tục loại bỏ rau héo để rau trông bắt mắt sẽ dễ bán. Nếu bán qua ngày thì phải hạ giá bán...Quan trọng nhất là căn lượng hàng chuẩn để nhập.

Công thức chung đối với tất cả các loại mặt hàng. Nhập hàng chuẩn số lượng, kiểm tra trả hàng lỗi ngay khi nhập hàng, đóng gói bảo quản tốt, trong quá trình bán phản liên tục kiểm tra và sơ chế, hàng để ko còn tươi như lúc mới nhập đẩy mạnh bán hạ giá luôn, nếu hạ giá ko hết thì cho chế biến thành sản phẩm khác hoặc bán rẻ ra quán cơm....

Phần mềm quản lý cửa hàng có nên sử dụng ngay không ?

Khi bắt đầu khai trương theo tôi nếu bạn chưa chắc chắn thành công cao thì chưa nên đầu tư máy tính, máy in, phần mềm bởi ban đầu khách hàng còn ít, chưa quan trọng và tốn khá nhiều chi phí nhưng sau khi phát triển ổn định bạn nên đầu tư đầy đủ hết những thứ nêu trên.

Có nên lắp Camera giám sát không?

Ban đầu bạn thường xuyên ở cửa hàng thì chưa cần thiết nhưng sau khi bạn tách khỏi cửa hàng thì nên lắp để tiện cho việc giám sát và quản lý cửa hàng. Bạn có thể xem camera qua điện thoại bất cứ lúc nào, bất cứ nới đâu có 3G, wifi.

Giai đoạn 3: Phát triển, tái đầu tư và đẩy mạnh thương hiệu

- Sau khi cửa hàng đã thoát khỏi điểm hòa vốn bắt đầu có lãi mang lại thu nhập cho bạn thì tôi khuyên bạn hãy tái đầu tư vào cửa hàng để ngày càng hoàn thiện hơn về chất lượng sản phẩm, quy trình quản lý, kiểm tra giám sát sản phẩm, mở rộng mặt hàng mới, đầu tư vào thương hiệu, chăm sóc khách hàng… để cửa hàng được phát triển ổn định và bền vững.

- Khi cửa hàng đã phát triển ổn bạn mới nên đầu tư vào kênh online kiếm thêm khách hàng và quảng bá thương hiệu bởi ban đầu sản phẩm chưa đảm bảo, phục vụ chưa tốt thì chưa nên quảng bá và bán hàng qua mạng…

Trên đây là tất cả những gì tôi viết dựa trên kinh nghiệm mình thu nhận được từ khi gắn bó với ngành thực phẩm sạch. Dưới đây là một vài điều bạn cần có để có thể thành công trong ngành này:

Đầu tiên, quan trọng nhất, đó là cũng giống như bất kỳ nghề nào, bạn phải thực sự có tâm với nghề, thực sự tâm huyết và quyết tâm làm bằng được.

Thứ 2: Chọn đúng địa điểm tốt, phù hợp với cửa hàng thực phẩm sạch

Thứ 3: Có được nhiều nguồn hàng tốt, đảm bảo chất lượng ổn định, khác biệt và độc quyền phân phối.

Thứ 4: Kiểm tra, giám sát chất lượng thật tốt, xây dựng đội ngũ làm việc tận tâm, trung thực và lắng nghe ý kiến khách hàng đặt lợi ích khách hàng là ưu tiên số 1.

Chúc bạn thành công với một cửa hàng thực phẩm sạch trong năm 2015!

>> Thời điểm vàng kinh doanh thực phẩm sạch

Trần Quân - Chủ thương hiệu hải sản và thực phẩm sạch Sói Biển

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM