Phạm Lê Nguyên: Người đi 'ươm mầm' những đam mê

09/03/2015 10:58 AM | Nhân vật

“Tôi sẽ khiến người khác phục vụ cho tôi, vì tôi luôn sẵn sàng để phục vụ mọi người”, đó là triết lý sống của Phạm Lê Nguyên, nữ CEO sinh năm 85 đồng thời cũng là người sáng lập nên công ty khởi nghiệp 5Desire.

Không phải ngẫu nhiên mà Lê Nguyên lại góp mặt trong danh sách “30 Under 30” của Forbes, tạp chí uy tín hàng đầu thế giới. Cái tên Lê Nguyên đã được biết đến từ lâu, và có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong cộng đồng startup tại Việt Nam.

Không chỉ nổi tiếng với vai trò là người đồng sáng lập của Kenh14.vn, trang tin hàng đầu dành cho giới trẻ Việt thu hút tới 400 triệu lượt xem mỗi tháng, Lê Nguyên còn ghi dấu ấn mạnh mẽ trong vai trò Trưởng phòng Vườn ươm tại VCCorp. Nhưng có lẽ khu "vườn" tại VCCorp là không đủ lớn để thỏa mãn tham vọng của Lê Nguyên, chị quyết định ra đi để tự tạo lấy một "vườn ươm" cho riêng mình.

Từ bỏ công việc với mức lương cao để theo đuổi 5Desire, nhiều người cho rằng đó là ý tưởng "điên rồ", nhưng với Lê Nguyên, chị lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Giống như cái tên 5Desire, Lê Nguyên thực sự đã tìm thấy và đang sống với đam mê của chính mình.

“FIND and FIRE your 5DESIRE”

Chào Lê Nguyên, câu chuyện về 5Desire đã được bắt đầu như thế nào vậy?

Phạm Lê Nguyên: Tôi được truyền cảm hứng rất nhiều từ công việc tại “Vườn ươm” của VCCorp và tôi nhận thấy đó là những gì mình thực sự thích, thực sự đam mê. Lúc đó, tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi mình có thể giúp cho 1 startup nào đấy phát triển mà có thể nó không là gì cả. Ví dụ như Kenh14 lúc đầu chỉ là 1 sản phẩm của 1 nhóm sinh viên ngồi với nhau thôi, hoặc như Linkhay được bắt đầu bằng 2 startup nhỏ chưa tạo được ấn tượng gì cho cộng đồng.

Từ đó tôi nhận ra 1 điều rằng, nếu có được sự hỗ trợ đúng lúc và đúng cách thì những sản phẩm tưởng chừng rất khó phát triển sẽ trở thành cái gì đó lớn hơn, có giá trị hơn.

Tại sao lại là 5Desire?

Vào tháng 10 năm 2010, tôi cùng 3 người bạn quyết định thành lập công ty riêng. Huệ Giang, Việt Ninh và Hoài Nam, họ đều là những người bạn thân của tôi và đều là những người có tên tuổi trong cộng đồng ICT tại Việt Nam. Lúc đầu, chúng tôi định lấy tên là V-Incubator, trong đó chữ V mang ý nghĩa là Việt Nam, đồng thời cũng là biểu tượng của chiến thắng.

Tuy nhiên, một ai đó đã lấy cái tên đó trước chúng tôi, tên miền và twitter đều đã được đăng ký. Chúng tôi tự nói với nhau rằng mình không cần cái tên đấy nữa, và sẽ đi tìm một cái tên khác.

Lúc đấy, mọi người nảy ra ý tưởng tại sao mình lại không chơi chữ giống như với Kenh14 - số 14 đồng âm với For Teens. Từ đó, chúng tôi nhận thấy số 5 là số trùng với những động từ mang ý nghĩa rất tích cực, rất phù hợp với tinh thần startup như: Fine, Find, Fire, Fight.

Ban đầu chúng tôi nghĩ tới 5Dream, nhưng tôi lại nghĩ rằng Dream, đã là giấc mơ thì không bao giờ trở thành hiện thực được. Lúc đấy, tôi chợt nghĩ đến Desire, tiêu đề của một chương sách tôi rất thích nằm trong cuốn "Think and grow rich" của Napoleon Hills. Chữ Desire đó thể hiện được những mong muốn, khát khao bùng cháy trong con người chúng tôi.

Thế là chúng tôi đã thống nhất lấy cái tên 5Desire, thực ra đây là một cái tên rất là "sexy" và cũng rất dễ nhớ.

Chị có thể nói rõ hơn về công việc cụ thể của 5Desire?

Thời gian đầu mới khởi nghiệp, 5Desire đóng vai trò là cầu nối giữa các startup và nhà đầu tư. Đối với từng startup, chúng tôi phải xem xem là họ phù hợp với những đơn vị nào, có thể là một công ty giống VCCorp hay Vatgia, một quỹ đầu tư giống IDG hay một Angel investor (Mạnh thường quân) nào đó.

Việc thúc đẩy một deal (thỏa thuận) diễn ra hiệu quả và nhanh chóng là nhiệm vụ của 5Desire. Giống như việc VCCorp đầu tư vào eat.vn, deal này được hoàn tất chỉ trong vòng 1 tháng. Đó là deal nhanh nhất từ trước đến giờ, không có deal nào bằng vì 5Desire hiểu rõ được nhu cầu của bên muốn được đầu tư và bên được đầu tư.

Cho tới nay, 5desire đã trở thành cầu nối của bao nhiêu startup rồi, và những deal nào chị cảm thấy thành công nhất?

5Desire đã kết nối thành công 5 startups với nhà đầu tư và hỗ trợ 2 startups trở thành đối tác của Google.

Trong đó có những deal như eat.vn với VCCorp được truyền thông nói đến khá nhiều ở Việt Nam. Như đã nói, đây là 1 deal rất thú vị vì nó được hoàn thành rất nhanh, và đặc biệt ở chỗ là lúc đó nhà đầu tư đang ở HN, startup thì ở Tp.HCM còn tôi thì lại đang ở bên Mỹ.

Nhiều người hỏi tôi rằng tại sao tôi lại đặt văn phòng ở HN, tại sao không phải là ở Tp.HCM? Cái hay của 5Desire là chúng tôi chủ yếu làm việc trên internet và startup thì ở khắp nơi, investor cũng ở mọi nơi nhưng chúng tôi vẫn có thể làm việc được với nhau rất dễ dàng.

Còn 1 deal khác cũng rất thành công, sản phẩm này hiện tại đang đứng vị trí số 1 về mạng xã hội ở Myanmar, có tên là My Squar. Tại Myanmar, tỷ lệ sử dụng internet chỉ chiếm 2% dân số, số người sử dụng điện thoại cũng chỉ nhỉnh hơn 1 tý. Vậy mà vào tháng 3 năm ngoái, My Squar đã đạt tới cột mốc 2 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, My Squar gần như bao phủ toàn thị trường Myanmar, và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Facebook.

Cho tới giờ các nhà đầu tư vẫn còn cảm ơn tôi và rất muốn 5Desire tìm kiếm thêm những deal khác cho họ. Điều này khiến tôi cảm thấy rằng 5Desire đã thực sự mang lại giá trị cho khách hàng.

Mọi việc xảy ra đều có lý do của nó

Thời gian gần đây, cái tên Lê Nguyên đã được nhắc đến khá nhiều dưới tư cách một trong những người lọt vào danh sách “30 Under 30” năm 2015 của Forbes Việt Nam. Điều này có gây nên áp lực gì đối với chị không?

Bản thân tôi nghĩ rằng để được vào danh sách đó, mình cần phải đạt được nhiều thành quả hơn. Tôi nghĩ đây là một sự ghi nhận, và là một sự khuyến khích, không chỉ cho những gì tôi đã làm với cộng đồng startup Việt Nam mà nó cũng là sự khuyến khích cho các bạn trẻ dám khởi nghiệp.

Tự bản thân tôi cảm thấy rằng mình sẽ phải làm nhiều hơn nữa để có thể giúp được nhiều startup hơn, mang tới cho các bạn nhiều cơ hội hơn và xây dựng cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam mạnh mẽ hơn.

Đối với tôi, đấy không phải là kết quả mà mình đạt được, mà chỉ là sự ghi nhận để mình đi tiếp.

Để có được thành công có lẽ ai cũng đã từng gặp thất bại, đối với chị thì sao?

Thất bại lớn nhất đối với tôi là ở việc xử lý cơn giận. Cho tới giờ, tôi vẫn đang phải tập luyện rất nhiều để có thể chuyển hóa cơn giận của mình.

Trước đây tôi là một người vui vẻ, yêu đời, nhìn mọi thứ rất tích cực, thế nhưng có những áp lực trong công việc, trong cuộc sống đã khiến cho bản thân tôi thay đổi, theo một chiều hướng khác có phần tiêu cực hơn. Tôi thấy khi mình thay đổi như vậy, đấy là sự thất bại.

Tuy nhiên, có 1 cuốn sách thực sự đã làm thay đổi cuộc đời tôi, đó là cuốn "Năng đoạn kim cương". Khi đọc xong cuốn sách và áp dụng, những gì giận giữ của tôi đã giảm đi đáng kể và tôi nhìn sự giận dữ đấy bằng sự sáng suốt của trí tuệ.

Hiện tại ngày nào tôi cũng đọc sách, tôi cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn và đầy yêu thương hơn.

Chị có cho rằng mọi việc xảy ra đều có lý do của nó hay không, thay vì giận dữ hay buồn bực ta nên nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực hơn?

Vừa nãy khi được hỏi về thất bại tôi đã rất là khó nghĩ. Bởi vì, ngay ở thời điểm đó mình sẽ nghĩ là thất bại, như hồi đi thi "Đường lên đỉnh Olympia" không được vào vòng thi năm, tôi đã đau khổ cùng cực. Đến sau này nhìn lại, tôi lại có suy nghĩ là mình đã "được" vào vòng thi Quý, trong khi người ta mong muốn như vậy mà không được. Thay vì đau khổ, tôi hoàn toàn có thể tự hào về việc đấy.

Thất bại hay ko thất bại nhiều khi chỉ tùy thuộc vào cách nhìn của mình mà thôi, và tôi nghĩ nó xảy ra như thế bởi nó có lý do. Nếu như  tôi được giải cao hơn, tôi sẽ còn học cao hơn nữa, và thay vì khởi nghiệp với 5Desire, rất có thể tôi sẽ trở thành một bà giáo sư "hói đầu" thì sao? (cười)

Thành công của một startup nằm ở yếu tố Con người.

Quay lại câu chuyện của 5Desire. So với 5 năm trước, 5Desire hiện tại đã có những thay đổi như thế nào?

Trước đây, 5Desire chỉ giữ vai trò kết nối giữa startup và nhà đầu tư, sau khi nhận phí môi giới chúng tôi sẽ không  đồng hành cùng startup nữa. Thế nhưng bắt đầu từ 2014, tôi đã chuyển dịch 5Desire sang mô hình đầu tư trực tiếp. Có nghĩa là nếu một startup thực sự phù hợp với định hướng của 5Desire thì chúng tôi sẵn sàng đầu tư vào đấy cả về tiền bạc lẫn công sức.

Tuy nhiên, vẫn có những startup mà tôi cảm thấy không phù hợp, hoặc 5Desire không đủ lực để đầu tư vào, chúng tôi sẵn sàng giới thiệu họ tới những nhà đầu tư khác lớn hơn, phù hợp hơn.

Theo chị, điều gì tạo nên thành công của 5Desire?

Đội ngũ của 5Desire hiện tại gồm có 4 người, "background" của 4 người cũng rất khác nhau.  Trong số 3 người đến từ "Silicon valley", Vũ Duy Thức là người có kiến thức rất sâu về công nghệ, anh là nhà đồng sáng lập của Katango - công ty sau đó đã được Google mua lại. Còn Cao Diệu Linh và Trần Mai Sao, cả hai đều làm trong các quỹ đầu tư lớn ở nước ngoài, có nhiều kinh nghiệm về đầu tư tài chính, mối quan hệ của các chị ấy với giới đầu tư ở bên ngoài là rất lớn.

Dưới vai trò của một fouder, tôi có thế mạnh về các mối quan hệ, về pr marketing, rồi kết nối với cộng đồng thị trường ở Việt Nam. Một đội ngũ với background khác nhau như vậy khiến cho sự hỗ trợ của 5Desire đối với startup được toàn vẹn hơn, cả về kỹ thuật, tài chính cũng như marketing.

Điều đó khiến cho 5Desire có được mạng lưới rộng lớn, và sự kết nối có chiều sâu với Silicon valley. Rất nhiều các nhà đầu tư từ Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam đều muốn làm việc với 5Desire, nói chuyện với 5Desire trước để biết thêm về thị trường.

Khi lựa chọn 1 startup, đối với chị yếu tố nào quan trọng nhất?

Đối với 1 startup, quan trọng nhất là Con người. Người sáng lập có đủ hiểu biết để thực hiện những gì họ mong muốn hay không và họ có đủ kiên định để đi đến cùng với những gì họ theo đuổi hay không, đấy là cái cực kỳ quan trọng.

Không chỉ cá nhân người sáng lập, đội ngũ của startup cũng quan trọng không kém. Trên truyền thông, người ta chỉ nhìn thấy những người xuất hiện nhiều, nhưng đối với nhà đầu tư, họ bao giờ cũng tìm hiểu xem đội ngũ công ty gồm những ai, background những người đấy là như thế nào. Giống như tại 5Desire, mọi người chỉ nhìn thấy tôi, nhưng thực chất tôi không thể làm tốt được nếu thiếu 3 thành viên còn lại.

Đối với các bạn trẻ khởi nghiệp tại Việt Nam, theo chị điểm yếu nhất của các bạn là gì?

Sau 1 thời gian dài tiếp xúc với nhiều startup, tôi thấy cái yếu nhất của startup Việt Nam là kiến thức của founder về thị trường và mô hình kinh doanh. Rất nhiều trong số họ chưa thực sự nghiên cứu và hiểu rõ về thị trường, về sản phẩm, về mô hình kinh doanh, về cách phát triển để thu hút được người dùng.

Tại Việt Nam, tìm kiếm những startup đủ khả năng hấp dẫn nhà đầu tư là không dễ.

Chị có lời khuyên nào dành cho họ không?

Tôi nghĩ là các startup Việt Nam cần nghiên cứu và hiểu thị trường trước khi khởi nghiệp. Các bạn cũng cần liên kết với nhau nhiều hơn để rút ngắn thời gian tìm hiểu xuống.

Có nhiều bạn rất giỏi về kỹ thuật thôi chẳng hạn, các bạn nghĩ rằng có thể làm ra 1 sản phẩm mình thích, rồi cứ chăm chăm làm mà không nhìn ra thị trường. Trong khi các bạn hoàn toàn có thể kết hợp cùng những bạn có đầu óc kinh doanh, hiểu về thị trường, và hiểu người dùng thì lúc đó hai bạn sẽ bổ sung được cho nhau để xây dựng một sản phẩm phù hợp với thị trường hơn.

Nếu các bạn muốn làm điều gì lớn lao, đừng chỉ dừng lại ở mong muốn và đam mê mà các bạn phải thực sự tìm hiểu về nó. Đấy là điều tôi mong muốn nhất đối với các bạn trẻ khởi nghiệp.

Xin cảm ơn, chúc chị thành công trong công việc và cuộc sống.

>> Startup Việt qua con mắt nhà đầu tư nước ngoài

Lam Nguyên

Nguyễn Trung Anh

Cùng chuyên mục
XEM