Thị trường sơn: Đa sắc màu, nóng cạnh tranh
Thị trường sơn hiện nay đang được hỗ trợ bởi thị trường bất động sản nóng trở lại với các công trình xây dựng mọc lên khắp nơi.
Nội dung nổi bật:
- Hiện Việt Nam có hơn 60 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sơn với tốc độ tăng trưởng của ngành đạt mức 6-8% giai đoạn 2008-2012, sơn gỗ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất đạt 12%.
- Nhóm những doanh nghiệp gạo cội có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm phần hơn trong cuộc đua với khoảng 65% thị phần.
- Thị trường sơn hiện nay đang được hỗ trợ bởi thị trường bất động sản nóng trở lại với các công trình xây dựng mọc lên khắp nơi.
Hiệp hội Sơn- mực in Việt Nam (VPIA) cho biết mặc dù kinh tế toàn cầu chưa thoát khỏi suy thoái trong những năm gần đây nhưng ngành công nghiệp Việt Nam bắt đầu phục hồi nhanh chóng cùng với xu hướng khu vực.
Gam màu sáng
Theo số liệu công bố của Hiệp hội sơn thế giới (WPCIA), châu Á Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả về số lượng lẫn giá trị năm 2013.
Nguồn: WPCIA 2014.
Hiện Việt Nam có hơn 60 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sơn với tốc độ tăng trưởng của ngành đạt mức 6-8% giai đoạn 2008-2012, sơn gỗ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất đạt 12%.
Thị trường sơn hiện nay chia làm 4 phân khúc. Phân khúc cao cấp gồm những công ty đến từ Hà Lan, Nhật hoặc Mỹ như Akzo Nobel, Nippon, Jotun với đặc điểm có nhà máy và hệ thống phân phối chiếm 35%. Nhóm thứ 2 là các thương hiệu phân khúc trung bình khá, kế đến là nhóm phân khúc trung bình thấp, cuối cùng là các cơ sở sản xuất.
Nếu xét về sản lượng, tổng sản lượng sơn tại Việt Nam đạt gần 250 triệu lít/năm trong đó mảng sơn trang trí chiếm 180 triệu lít. Hầu hết những công ty sản xuất sơn lớn trên thế giới đều đã có mặt và đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam như Akzo Nobel, PPG, Kansai, Nippon, TOA, Jotun,...
Thị trường sơn hiện nay đang được hỗ trợ bởi thị trường bất động sản nóng trở lại với các công trình xây dựng mọc lên khắp nơi. Số liệu của WPCIA cũng cho khẳng định thêm xu hướng này. Theo đó, sơn phục vụ cho xây dựng các tòa nhà đặt doanh thu 16,7 triệu tấn, chiếm 40% toàn ngành. Tiếp theo là sơn công nghiệp, sơn phục vụ giao thông vận tải, đóng gói.
Nguồn:WPCIA 2014.
Ngoại mở rộng
Với những dấu hiệu khởi sắc, cuộc đua ghi dấu ấn trong ngành công nghiệp sơn Việt Nam được cho là khá khốc liệt giữa các doanh nghiệp.
Theo VPIA, hiện nhóm những doanh nghiệp gạo cội có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với những sản phẩm quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam như AkzoNobel, Expo, Nippon,… chiếm phần hơn trong cuộc đua, với khoảng 65% thị phần. Theo số liệu công bố gần đây, công ty AkzoNobel có mức sản lượng mức 30.000 tấn/năm, sơn Expo là 40.000 tấn/năm.
Mặc dù chiếm lĩnh phần nhiều thị phần nhưng các doanh nghiệp này không hề mất cảnh giác. Một chuyên gia trong ngành cho biết: “Sơn chủ yếu được bán qua kênh phân phối và cho các công trình, nên việc xây dựng kênh phân phối tạo nên cơ hội cho các doanh nghiệp. Khi thị trường xuất hiện càng nhiều đối thủ, nguồn cung ngày càng lớn, cuộc đua về giá và hậu mãi sẽ được nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh, đặc biệt là các gương mặt mới.”
Trước sự gia nhập của nhiều doanh nghiệp mới, các doanh nghiệp FDI cũng tăng tốc đầu tư mới hoặc xây dựng hệ thống phân phối.
Trước bối cảnh thị trường ngày một lớn, từ cuối năm 2013, AkzoNobel đã đầu tư thêm 13 triệu Euro cho nhà máy tại Bình Dương nhằm tối ưu hóa việc sản xuất.
Một công ty sơn khác là 4 Orange mặc dù đã sở hữu nhà máy có công suất lớn nhất tại Việt Nam (100 triệu lít) nhưng hãng này vẫn tiếp tục đầu tư nhằm tăng độ phủ bằng việc hoàn thiện 2.000 trung tâm phân phối và pha màu trên cả nước.
Công ty sơn Nippon cũng không chịu thua khi đầu tư xây thêm nhà máy thứ 3 tại Vĩnh Phúc với vốn 14 triệu USD.
Hay như công ty sơn Jotun, mặc dù không mở rộng đầu tư xây mới nhưng hãng này đã tiến hành nâng vốn đầu tư lên 16,1 triệu USD trong năm 2013 để nâng công suất lên 25 triệu lít/năm. Thông tin từ báo Doanh nhân cho biết hiện Jotun có mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 20%, doanh thu khoảng 50 triệu USD.
Nội sáng tạo và tìm đường ngách
Các doanh nghiệp sản xuất sơn nội địa hiện chiếm khoảng 35% thị phần với ít công ty có quy mô lớn cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI như sơn Kova, Đồng Tâm, Tiso, Alphanam, Hòa Bình.
Doanh nghiệp Việt ghi dấu ấn trong ngành sơn phải kể đến là sơn Kova. Doanh nghiệp được thành lập từ cách đây 22 năm và hiện đạt tổng công suất 60 triệu lít/năm. Kova hiện đang dự kiến xây nhà máy thứ 7 với công suất 40 triệu lít/năm và các sản phẩm chủ lực dựa vào công nghệ nano từ vỏ trấu.
Hướng đi của Kova cũng chính là hướng đi của phần lớn các doanh nghiệp nội để cạnh tranh với các ông lớn FDI: Tập trung vào nghiên cứu và phát triển tính năng độc đáo để tạo được thương hiệu, sản lượng và thị phần. Ví dụ như sơn Kova hiện được sử dụng cho những công trình, khách sạn cần độ bền lớn như khách sạn Imperial, sân vận động Mỹ Đình, phủ Chủ tịch hay loại sơn đặc chủng cho đường băng ở tất các hệ thống sân bay trong cả nước.
Ông Hoàng Văn Hùng, giám đốc công ty TNHH Sơn Nero cũng cho biết để giữ sản lượng và thị phần, doanh nghiệp nội không có con đường nào khác là phải tự đổi mới, đa dạng sản phẩm.
Sau khi triển khai nghiên cứu thành công về chất lượng, doanh nghiệp sơn trong nước tính đến bước mở rộng thị phần bằng cách xuất khẩu. Theo PGS-TS Nguyễn Thị Hòe, chủ tịch tập đoàn sơn Kova cho biết việc cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài là điều hết sức khó khăn, sau những thành công bước đầu về chất lượng doanh nghiệp này đã xuất khẩu sang Campuchia hay Malaysia.
Một hướng đi khác có thể thấy ở các doanh nghiệp nội là việc lấn sân của một số công ty bất động sản hoặc xây dựng vốn có sẵn lợi thế phân phối như Đồng Tâm hay Alphanam, như năm 2012 Alphanam thành lập liên doanh với công ty TNHH Sơn Kansai Nhật Bản.