Sau con số là con người

31/08/2015 14:25 PM | Kinh doanh

Cuộc “tranh đấu” để chốt lại mức tăng lương tối thiểu vùng giữa đại diện giới chủ (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI) và đại diện giới lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - TLĐLĐ VN) chưa đạt được kết quả như mong muốn trong phiên họp ngày 25-8 vừa qua cho thấy rất nhiều điểm đáng chú ý và cần tiếp tục mổ xẻ về một vấn đề chạm đến đời sống thực của hàng chục triệu người trong xã hội.

Đồ họa: Tiến Đạt. (Nguồn: khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động)

TLĐLĐ VN đưa ra mức tăng 16,8%, với lập luận nhất quán rằng đây mới là mức “tiệm cận mức sống tối thiểu”, còn VCCI không chấp nhận mức tăng hơn 10% với viện dẫn về tình hình kinh tế và nói rằng tăng lương thì dẫn thẳng đến bài toán thất nghiệp.

Lương liên quan gì đến 
thất nghiệp?

4,9 triệu đồng/tháng là mức sống tối thiểu ở vùng 1 (Hà Nội và TP.HCM) theo khảo sát mới của TLĐLĐ VN. Sơn, 29 tuổi, một nhân viên giao hàng bằng xe máy tại Hà Nội, có một vợ và ba con. Họ sống trong một căn nhà dựng bằng ván ép tại phường Ngọc Lâm, Gia Lâm (Hà Nội). Lương của Sơn trước đây là 4 triệu đồng, với nhiệm vụ đi giao hàng trong khu vực Hà Nội. Họ vẫn sống được với 4 triệu đồng.

Khi Ngân, vợ Sơn, chưa mang bầu, cô lên cầu Long Biên bán nước chè, ngô nướng. Khi Ngân mang bầu và không đi làm được nữa, với 4 triệu đồng họ vẫn cứ xoay xở được cho cả gia đình.

Nhưng nếu bạn gặp lại Sơn bây giờ, đã tìm được việc giao hàng mới này, mức lương nhỉnh hơn một chút không đáng kể với mức sống tại Hà Nội, bạn sẽ gặp một con người khác.

Có một thực tế khá thú vị trong nhà Sơn: khi mức lương của anh là 4 triệu đồng/tháng, vỏ bia trong nhà vất lăn lóc, như một cách chữa cho nỗi buồn chán. Khi lương của anh tăng lên, vỏ bia trở nên rất hiếm gặp. Sơn mang một dáng vẻ tận tụy với công việc hơn, những bữa ăn ngon lành và hào phóng hơn. Không còn những lời than thở thường xuyên, Ngân cũng vui vẻ hơn.

Ảnh hưởng của việc tăng vài phần trăm lương tối thiểu (mức tăng cụ thể vài trăm ngàn đồng/tháng) có thể là điều khó hiểu với rất nhiều cư dân thành thị. Nhưng bạn cũng có thể đã gặp Quyên, cô công nhân lắp ráp loa điện thoại tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Lương của cô gái quê Yên Bái này chỉ cao hơn mức sống tối thiểu một chút.

Năm ngoái sau khi ăn tết, toàn bộ gia đình chỉ còn đúng 300.000 đồng để đưa cho cô mua vé tàu xuống Hà Nội tiếp tục làm việc. Cô gái trẻ mang một dáng vẻ chán chường và mệt mỏi thường trực. Việc mức lương tối thiểu dù chỉ tăng 7% có thể cho cô thêm một khoản tích lũy vài triệu đồng/năm - một con số đáng kể nếu nghĩ đến tháng giáp hạt mệt mỏi mà công nhân cũng phải trải qua.

Sở dĩ có con số 7% giả định đó bởi nó là điểm phần trăm chênh lệch giữa đề xuất tăng lương của TLĐLĐ (16,8%) và mức mà giới chủ đang “mặc cả” (10%).

Giới chủ, thông qua đại diện là VCCI, lập luận rằng trong bối cảnh kinh tế hiện nay, tăng lương đồng nghĩa với việc gây khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời không thể tạo ra việc làm mới cho người lao động.

“Việc tạo thêm nhiều việc làm mới cho nền kinh tế, đặc biệt cho người lao động ở nông thôn, đã trở thành vấn đề rất cấp bách và thậm chí là vấn đề cần quan tâm bậc nhất ở Việt Nam. Và việc tăng lương tối thiểu ở mức quá cao sẽ không có lợi cho việc đạt được mục tiêu này”- ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, khẳng định trong một 
bài viết.

Nhiều chuyên gia kinh tế và lao động khẳng định rằng sức khỏe của thị trường lao động không thể chỉ đo bằng số người thất nghiệp, mà thật ra được đo bằng 19 tiêu chí khác nhau. Ông Phú Huỳnh, chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại châu Á - Thái Bình Dương, cho hay bên cạnh tiêu chí thất nghiệp, thiếu việc làm thì việc theo dõi thị trường lao động ở các nước đang phát triển như Việt Nam cần có thêm những chỉ số thể hiện được chất lượng việc làm.

Lập luận rằng chi phí tiền lương nếu không tăng có thể tạo ra thêm nhiều việc làm mới, sẽ bị phản bác bằng phép toán đơn giản: không tăng lương cho 10 Sơn và 10 Quyên sẽ chỉ tạo ra thêm một Sơn và một Quyên nữa - những lao động luôn mang dáng vẻ mệt mỏi, uống bia nhiều và ăn 50 gram thịt heo mỗi bữa (khẩu phần của Quyên), thay vì biến đổi tâm lý và năng suất, chất lượng lao động của họ.

Đại diện của ILO đã tuyên bố việc sử dụng tỉ lệ thất nghiệp làm thước đo theo kiểu Việt Nam “chưa thể hiện đầy đủ tình trạng của thị trường lao động” và “Những nước này không có đủ việc làm tốt, bền vững với năng suất cao, dẫn đến không thể sử dụng tiềm năng của lực lượng lao động”.

VCCI dẫn ra số người thất nghiệp trên toàn quốc là “hàng triệu người” để chứng minh việc tạo việc làm mới là cần thiết. Tuy nhiên, đây cũng là một luận điểm đáng ngờ khi có đến gần 30% trong tổng số những người thất nghiệp hiện nay tốt nghiệp đại học, trên đại học và cao đẳng chuyên nghiệp - những người phần lớn vẫn đang đi tìm việc làm phù hợp.

Và để giải quyết bài toán của các lao động có trình độ này, cách làm khó mà là “tiết kiệm” quỹ lương để tạo việc làm mới: nó cần một sự quy hoạch tổng thể và sự dấn thân phục vụ của các cơ quan chức năng liên quan để tạo ra việc làm trình độ cao.

Theo điều tra của TLĐLĐ VN, với mức sống tối thiểu được tính căn cứ vào những nhu cầu đơn giản như nuôi một đứa con nhỏ, chế độ ăn uống đạt 2.300 kcal/ngày..., mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng được 78-83%.

“Chính phủ đã có lộ trình đến năm 2017 tăng lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu. Mức thu nhập hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu tối thiểu, chưa kể giá cả tăng hằng ngày, tỉ lệ lạm phát tăng cao. Nếu tăng quá thấp thì sẽ tạo áp lực cho năm sau” - bà Dương Thị Việt Anh, giám đốc Trung tâm Hội nhập và phát triển (CDI), một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quyền của người lao động tại Việt Nam, không đồng tình quan điểm của VCCI, nói.

Chuyện sau những “giờ âu”

Ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, bạn sẽ nghe được một khái niệm phổ biến trong giới công nhân: “làm âu”. Phải mất một lúc suy luận và một ít vốn tiếng Anh, bạn mới nhận ra rằng họ đang nói đến “overtime” - làm thêm giờ.

Cái gọi là “làm âu” ấy có thể thấy rõ trên gương mặt bơ phờ của những thanh niên ở nơi này, như Quyên. Họ tự nguyện làm âu để đảm bảo một mức thu nhập hơn mức sống tối thiểu và duy trì cuộc sống.

Giám đốc CDI cho rằng đó là vấn đề của lương tối thiểu. Người lao động liên tục có những ngày làm việc 12-13 giờ.

“Lương không đảm bảo được cho cuộc sống nghĩa là đang đẩy người lao động và doanh nghiệp vào việc vi phạm Luật lao động - bà Việt Anh bức xúc - Để sống được, nhiều công nhân phải làm 80-100 giờ/tháng. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng nếu không cho công nhân làm thêm giờ thì họ sẽ nghỉ việc. Với cường độ làm việc như vậy thì công nhân còn thời gian đâu chăm sóc gia đình, con cái hay tìm hiểu xã hội?”.

Khi lương không thể “làm tròn nhiệm vụ”, nó tạo ra những lao động vật vờ sau khi tự vắt kiệt bản thân. Điều mà ILO nhắc đến “tiềm năng của lực lượng lao động” sẽ không thể được khai thác.

Quyên vốn là một cử nhân sư phạm và chỉ dự định dừng lại ở khu công nghiệp này trong lúc tìm việc làm phù hợp trình độ. Nhưng thời gian rỗi của cô gái này hiện chỉ đủ để nấu một bữa cơm chia ra ăn cả ngày, gặp gỡ đôi ba người bạn. Trong phòng cô không có cuốn sách nào và cô hoàn toàn không có ý niệm gì về tương lai.

Đó là lúc mà vài trăm ngàn đồng/tháng, đồng nghĩa với vài tiếng “làm âu” tiết kiệm được, có thể tạo ra sự khác biệt. Và sự khác biệt này còn đến với cả các doanh nghiệp, khi việc ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới đòi hỏi doanh nghiệp VN tuân thủ không chỉ về chất lượng sản phẩm mà còn các tiêu chuẩn quốc tế về lao động, về việc làm thỏa đáng trước khi đặt hàng.

(*): Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ tiếp tục họp vào ngày 3-9 nhằm đưa ra phương án tăng lương tối thiểu vùng 2016, trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 10.

Cuộc đàm phán này là một dấu hiệu cho thấy xã hội Việt Nam đang từng bước đi theo thông lệ quốc tế trong lĩnh vực lao động và sử dụng lao động.

Năm nay TLĐLĐ VN đã công bố sớm trước công luận (trước khi các cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra) nội dung kết quả “Khảo sát thực tế tiền lương, thu nhập, mức sống tối thiểu của người lao động trong doanh nghiệp năm 2015”.

Động tác này, được nối dài bằng nhiều cuộc bàn luận về tiền lương tối thiểu, là rất cần thiết sau khi đã xảy ra những sự cố ngoài dự kiến và tầm kiểm soát, như việc không ít công nhân trong tháng 3 năm nay đã đồng loạt đình công yêu cầu được hưởng chế độ bảo hiểm một lần để rồi Quốc hội phải điều chỉnh lại Luật BHXH.

Từ “cú hích” bất ngờ đó, TLĐLĐ đã xông xáo hơn mọi năm trong việc lên tiếng cho người lao động trong cuộc tranh luận về tiền lương tối thiểu. Đây thật ra là một động thái đương nhiên mà mọi liên đoàn lao động đều đã làm, thậm chí ở một số nước còn diễn ra nhiều hoạt động “bên lề” khác để biểu thị thái độ và yêu cầu với giới chủ.

Nhưng những diễn biến mới nhất này khiến người ta có thể tin rằng TLĐLĐ sẽ ngày càng tỏ rõ tính đại diện người lao động của mình, nhất là khi các đàm phán thương mại liên quốc gia, như TPP, đang đề ra những yêu cầu khắt khe về vấn đề lao động, trong đó có vấn đề tính đại diện của các nghiệp đoàn.

Có một chi tiết thực tế rất đáng chú ý. Khoảng cách giữa yêu cầu tăng lương tối thiểu 17% (*) với đề xuất chỉ tăng khoảng 6% của VCCI (đại diện cho giới chủ) là một khoảng cách hiếm thấy trong các đàm phán tương tự trên thế giới. Hiếm khi chênh lệch giữa hai đề xuất tăng lương lại lên đến 10%, trừ phi ở nước đó đang lạm phát hai con số. Tăng lương tối thiểu (Smic) năm 2015 ở Pháp là 0,8%, tại khu vực Quebec (Canada) là 2,9%...

TLĐLĐ VN đã đưa ra những số liệu khảo sát khá rõ ràng: thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố với 60 doanh nghiệp thuộc bốn vùng lương; thực hiện 1.600 phiếu hỏi đối với người lao động (chủ yếu là lao động trực tiếp sản xuất) trong các ngành dệt may, giày da, giao thông vận tải, cơ khí, điện tử, chế biến nông lâm thủy sản...; thu thập thông tin từ các báo cáo về tiền lương, quy chế trả lương, thang bảng lương để nắm tình hình lao động, tiền lương, các khoản hỗ trợ người lao động từ doanh nghiệp…

Vậy đâu là mức tăng lương mà cả hai bên đều cảm thấy lợi ích hài hòa? Tăng đến 17% để cho “lương phải đủ mức sống tối thiểu” liệu sẽ tác động như thế nào đến sản xuất? Nếu chỉ tăng 10% thì có phải là ép người lao động quá không? Cái kết cuộc dở dang này lẽ ra phải được dự trù trước để kịch bản “đàm phán tăng lương tối thiểu” được bền vững.

Theo Du Long - Đức Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM