Giới chủ đề nghị chỉ tăng lương tối thiểu vùng 10%

07/08/2015 15:00 PM | Nghề nghiệp

Sau cuộc làm việc của Hội đồng Tiền lương quốc gia, đại diện giới chủ, Phòng Thương mại và công nghiệp VN chính thức có văn bản khẳng định chỉ nên tăng lương tối thiểu vùng 10%.

Cụ thể, theo VCCI, về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016, căn cứ vào những cơ sở dữ liệu và lập luận như tình hình kinh tế - xã hội, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, năng suất lao động… tổ chức đại diện người sử dụng lao động này ban đầu đề nghị chỉ nên tăng 6-7%. “Đây là mức hợp lý phản ánh đúng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”, VCCI nêu.

Tuy nhiên, trong quá trình thương thảo, sau khi xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến điều kiện làm việc, đời sống của người lao động, VCCI nêu các đại diện người sử dụng lao động cùng đồng ý mức là 10%. “Đây là mức tối đa để doanh nghiệp có thể đảm bảo tồn tại, chiếm lĩnh thị trường và phát triển bền vững”, VCCI nêu và lập luận với hàng loạt lý do:

Thứ nhất, các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Trong 7 tháng đầu năm 2015 đã có 37,829 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ hai, để có thể tăng lương và cải thiện đời sống cho người lao động thì phải dựa vào việc tăng năng suất lao động và chất lượng công việc. Hiện nay năng suất lao động của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp hơn so với các nước trong khu vực...

Thứ ba, với mức tăng 10% như đã nêu ở trên thì thực tế người lao động còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội cao hơn.

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2016, người sử dụng lao động, theo quy định mới, phải đóng các khoản như bảo hiểm tăng thêm 35-40% (so với năm 2015). Lý do, căn cứ để đóng bảo hiểm và kinh phí công đoàn sẽ căn cứ trên tiền lương và các khoản phụ cấp (thay vì chỉ trên tiền lương như trước).

Ngoài ra, năm 2016, doanh nghiệp cũng sẽ phải đóng thêm các chi phí liên quan tới lao động nữ, chính sách về an toàn vệ sinh lao động… Nên nếu tăng lương tối thiểu vùng thêm 10% thì thực tế giới sử dụng lao động đã phải trả thêm 17-18%. “Đây thực sự là cú sốc lớn đối với doanh nghiệp”, đại diện VCCI nói.

Trước đó, Hiệp hội Dệt may VN cũng đề nghị chỉ nên tăng lương tối thiểu vùng khoảng 6%, với những lý do gần như tương tự VCCI.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trương Văn Cẩm, tổng thư ký Hiệp hội Dệt may VN, cho biết, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp của VN cao hàng đầu Đông Nam Á. Ông Cẩm nêu hiệp hội đã cùng với Bộ Lao động - thương binh & xã hội và Tổng liên đoàn đi khảo sát từng doanh nghiệp, khi xuống ngành dệt may, tất cả các đơn vị đều kêu “kinh khủng” và nhiều nơi còn cho rằng không nên tăng lương, có thì vài năm tăng một lần chứ không phải năm nào cũng tăng.

Theo C.V.Kình

Cùng chuyên mục
XEM