“Ông lớn” Tín Nghĩa: Ẩn số cà phê, “mắc kẹt” bất động sản

19/06/2015 10:18 AM | Kinh doanh

"Ông lớn" Tín Nghĩa có doanh thu hàng năm đạt trên dưới 10.000 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu cà phê có năm tỷ trọng chiếm tới 50%.

Nội dung nổi bật:

-Là một tổng công ty lớn của tỉnh Đồng Nai, Tổng Công ty Tín Nghĩa (Tín Nghĩa Corp) đã xác định mô hình kinh doanh đa ngành ngay từ khi bắt đầu hoạt động. Với hệ thống các khu công nghiệp rộng lớn tại tỉnh Đồng Nai, Tín Nghĩa được biết nhiều hơn đến lĩnh vực kinh doanh hạ tầng KCN và bất động sản, với tổng quỹ đất 3.528ha.

-Tuy nhiên, ngoài bất động sản xuất khẩu cà phê của Tín Nghĩa lại đem đến sự bất ngờ với doanh thu hàng năm chiếm tỷ trọng lớn.


Ẩn số cà phê

Thành lập vào năm 1989, tiền thân là Công ty Dịch vụ Sản xuất Kinh doanh Tổng hợp (Proseco), hoạt động kinh doanh ban đầu là xuất khẩu hàng mộc, phân phối hàng nhập khẩu sau đó Tín Nghĩa hướng đến xuất khẩu nông sản, kinh doanh xăng dầu và đầu tư KCN cũng như Logistic.

 
 

Tín Nghĩa Corp được biết tới như một “siêu” tổng công ty về khu công nghiệp, nhưng trong những năm gần đây nguồn doanh thu chính lại đến từ kinh doanh xuất khẩu cà phê nhân. Hiện nay Tín Nghĩa Corp thuộc dạng “ông lớn” tại Đồng Nai với 11 công ty con và 10 công ty liên doanh liên kết, doanh số hàng năm đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, thuộc tốp 100 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Năm 2014, Tín Nghĩa được xếp hạng thứ 122 trong tốp 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất giai đoạn 2009-2014.

Số liệu từ hoạt động kinh doanh của Tín Nghĩa Corp cho thấy tổng doanh thu hàng năm khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng nông sản thường chiếm từ 50% đến 55% (phần lớn là cà phê) , mỗi năm có hàng trăm triệu USD kim ngạch xuất khẩu, thuộc tốp đầu doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất nước.

 

Nhằm đẩy mạnh kinh doanh cà phê, Tín Nghĩa đã mở rộng đầu tư trồng 700ha cà phê Arabica tại Lào và hiện đã bắt đầu bước vào giai đoạn thu hoạch. Tham vọng của công ty này là đầu tư trồng khoảng 3.000 héc-ta cà phê và xây dựng nhà máy chế biến cà phê nhân ở Lào.

Bên cạnh đó, Tín Nghĩa Corp đã thành lập mới đây cũng đã lập một chi nhánh ở Bảo Lộc-Lâm Đồng để kinh doanh cà phê xuất khẩu và các dịch vụ kho nội và ngoại quan với tổng diện tích kho khoảng 55.000m2, trong đó nhà xưởng chế biến cà phê khoảng 22.000m2.

“Trùm” khu công nghiệp Đồng Nai

Không những là doanh nghiệp hàng đầu xuất khẩu cà phê, Tín Nghĩa còn là một trong những “trùm” khu công nghiệp. So với Tổng Công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) thì quỹ đất KCN của Tín Nghĩa không lớn bằng, nhưng với việc sở hữu khoảng 3.528ha từ 8 KCN lớn đơn vị này cũng thuộc nhóm doanh nghiệp BĐS hàng đầu về khu công nghiệp tại Việt Nam.

Có thể dễ nhận thấy quy mô về lĩnh vực khu công nghiệp của Tín Nghĩa Corp qua việc thống kê sơ bộ quỹ đất KCN của một vài “đại gia” lớn trong ngành như Sonadezi (khoảng gần 5.000ha), Kinh Bắc (khoảng 4.274ha), Tân Tạo hay Becamex…

 

Công ty CP Phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa lợi nhuận đạt được khoảng 32 đến 36 tỷ đồng mỗi năm trong 4 năm gần đây

Trong đó, hiện Tín Nghĩa đang phát triển và quản lý các KCN phần lớn ở Đồng Nai như KCN Nhơn Trạch 3 (700 ha), KCN Tam Phước (323 ha), KCN Nhơn Trạch 6 (hơn 300 ha), KCN Bàu Xéo tỉnh Đồng Nai (gần 500 ha), KCN Đất Đỏ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (496 ha)…đã có khoảng 200 nhà đầu tư vào các KCN của Tín Nghĩa với tổng vốn khoảng 5 tỷ USD.

Năm 2014, Tín Nghĩa Corp là đơn vị dẫn đầu tỉnh Đồng Nai về thu hút đầu tư vào KCN với tổng mức đầu tư khoảng hơn 250 triệu USD.

“Mắc kẹt” dự án khu đô thị 6 tỷ USD

Tín Nghĩa Corp khá thành công với KCN và Cà Phê nhưng lại đang đối diện với khó khăn ở bất động sản đô thị. Năm 2009, đúng lúc thị trường địa ốc phía Nam đi xuống thì Tín Nghĩa lại khởi công dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn tại Đồng Nai quy mô tới 942ha tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 6 tỷ USD, được đầu tư bởi công ty con của Tín Nghĩa là CTCP Đầu tư Nhơn Trạch (NIC).

Để có vốn đầu tư khu đô thị này, năm 2009 NIC đã phát hành 2 đợt trái phiếu có tổng trị giá 1.000 tỷ đồng cho GP.Bank lãi suất khoảng 11% đến 11,5% đã đáo hạn vào tháng 8 và tháng 12 năm 2014, nhưng đến đầu tháng 3 năm 2015 NIC đã ký phụ lục hợp đồng gia hạn nợ gốc và lãi đến 2018.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2015 của NIC tính đến 3/2015 NIC, khoản chi phí lãi vay tới hơn 193 tỷ đồng. Đáng chú ý là mặc dù còn nợ trái phiếu 1.000 tỷ nhưng NIC lại cho Tín Nghĩa Corp vay dài hạn với số dư nợ tính đến 31/3/2015 hơn 352 tỷ.

Phối cảnh tổng thể Khu đô thị Đông Sài Gòn

Trong khi đó, NIC gần như đang “mắc kẹt” với dự án này, tính đến 31/3/2015 NIC đã đầu tư vào khu đô thị này hơn 472 tỷ và hơn 722 tỷ tiền sử dụng đất. Trong khi đó, gần như dự án này chưa có doanh thu. Quý 1/2015 NIC đạt hơn 675 triệu đồng doanh thu chủ yếu từ cây xanh và cao su.

Lĩnh vực ngân hàng cũng là điểm đáng chú ý khi nhóm Tín Nghĩa sở hữu 25,74% Ngân hàng Đại Á. Tuy nhiên, từ tháng 12/2013 đến tháng 1/2014 Tín Nghĩa đã công bố thoái toàn bộ số cổ phần này khỏi Đại Á, nhưng đợt chào bán này đã không thành công bởi chưa có cổ phiếu nào được chuyển nhượng.

Từ đó đến nay chưa có thông tin nào về việc thoái vốn khỏi Đại Á của Tín Nghĩa, tuy nhiên, tại báo cáo tài chính Q1/2015 của CTCP Đầu tư Nhơn Trạch, công ty này có khoản phải thu 34,4 tỷ từ bán cổ phần Đại Á. Ngân hàng Đại Á hiện đã sáp nhập vào HDBank.

Kiều Thuật

Cùng chuyên mục
XEM