Những đại gia từ Thái Lan đang là mối đe dọa lớn của ngành bán lẻ Việt Nam

10/12/2015 11:17 AM | Kinh doanh

Đã có nhiều nhà đầu tư ngoại bước chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam, kết hôn với doanh nghiệp nội và mối quan hệ trở nên tốt đẹp, mỹ mãn. Cũng có doanh nghiệp ngoại khi dấn thân vào lại được coi là đối thủ đáng gờm của ngành bán lẻ Việt Nam. Chẳng hạn như Central Group, Berli Jucker...

Thống kê của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chỉ ra rằng, trong vài năm gần đây, các TTMS (trung tâm mua sắm) ở Việt Nam mọc lên ngày càng nhiều cả về quy mô lẫn số lượng. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn quốc tế thì TTMS ở Việt Nam đại đa số ở dạng vừa và nhỏ.

Theo quy hoạch của Nhà nước, đến năm 2020 cả nước có khoảng 1.200-1.300 siêu thị; 180 trung tâm thương mại (TTTM) và 157 TTMS… Tuy nhiên, hiện tại đến cuối năm 2013 cả nước mới có 724 siêu thị và 132 TTTM các loại.

Và với 90 triệu dân, lực lượng lao động trẻ chiếm đa số và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, thị trường bán lẻ Việt Nam đang được xem là mảnh đất màu mỡ trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Những cái tên mới gia nhập thị trường cùng nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập thời gian gần đây đã hứa hẹn một cuộc đua khốc liệt, nơi mà khối ngoại có nhiều ưu thế và khối nội sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để chiếm lĩnh thị phần.

Tại diễn đàn bán lẻ Việt Nam được tổ chức ngày 9/12, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam cho hay, sau nhiều tháng tìm hiểu, đầu năm 2015, Aeon và Fivimart đã chính thức “kết hôn” với việc Aeon sở hữu 30% cổ phần của Fivimart.

Cái tên Fivimart không còn đứng một mình. Một loạt siêu thị của CTCP Nhất Nam – đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart - đã đổi tên thành Aeon – Fivimart.

Nói về mối “lương duyên” này sau gần 1 năm hợp tác, bà Vũ Thị Hậu khẳng định, đây là hướng đi đúng đắn của Fivimart.

Bà Hậu cho biết, hiện nay Fivimart đã phát triển và lớn hơn nhiều, cả về hình thức bên ngoài và nội dung bên trong đã có nhiều thay đổi. Đội ngũ cán bộ nhân viên của Fivimart cũng đã chuyên nghiệp hơn trong công tác phục vụ khách hàng.

“Nếu không có những yếu tố nước ngoài vào với bán lẻ trong nước thì những cái yếu của bán lẻ trong nước sẽ ngày càng yếu đi. Nếu không được củng cố, nâng chất thì sẽ tụt hậu và không phát triển được. Vì vậy, hướng đi của chúng tôi là hướng đi đúng”, bà Hậu khẳng định.

Cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam còn quá tiềm năng, theo ông Vaughan Ryan, Giám đốc điều hành Nielsen Việt Nam thì việc các nhà bán lẻ sẽ tập trung tham gia thị trường Việt Nam là điều không tránh khỏi.

“Đã qua rồi thời đại cá lớn nuốt cá bé, đây là lúc con cá nào nhanh hơn sẽ nuốt chọn những con cá chậm chạp”, ông Vaughan Ryan nói.

Lí giải điều này, ông Vaughan Ryan nêu quan điểm: “Tôi không cho rằng M&A là một thách thức hay hiểm họa đối với nhà bán lẻ trong nước, mà đó là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm quản lí của các nhà bán lẻ nước ngoài, từ đó phát triển hơn nữa”.

Tuy nhiên khi đề cập đến trong các nhà đầu tư ngoại đang nhảy vào lĩnh vực bán lẻ, ông quan ngại nhất với nhà bán lẻ nào?

Ông Vaughan Ryan nói: “Thực tế, tôi cho rằng chính những bán lẻ ở các nước trong khu vực như Central, Berli Jucker (Thái Lan) chứ không hẳn là các nhà bán lẻ đến từ các thị trường phát triển như Walmart mới là đối thủ đáng gờm với các nhà bán lẻ Việt hiện nay”.

Các nhà bán lẻ trong khu vực khi vào Việt Nam không chỉ có lợi thế về nét tương đồng văn hóa, mà họ còn rất am hiểu thị trường Việt Nam.

Ông Vaughan Ryan cũng khẳng định, vấn đề liên doanh, liên kết giữa các nhà bán lẻ trong nước với nước ngoài là điều hợp lí. Đối với các nhà bán lẻ ngoại khi tham gia thị trường mới, cách tốt nhất cho họ thâm nhập, khai thác một thị trường một cách nhanh nhất là hợp tác với nhà bán lẻ trong nước vì họ hiểu được văn hóa, cách thức tiêu dùng ở đây.”

“Xu hướng này vẫn là xu hướng mà họ tập trung, tuy nhiên ai mà biết được sau này họ sẽ có dự định mua lại các nhà bán lẻ Việt Nam – đây là điều mà các DN Việt cần cẩn trọng”, ông Vaughan Ryan đưa ra quan ngại.

Về vấn đề này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, Hiệp hội Bán lẻ khuyến khích tất cả các hình thức liên kết, không chỉ là liên doanh, liên kết với các nhà bán lẻ nước ngoài mà chúng ta liên kết cả trong nước như Ocean mart, Vinatex mart….

Tuy nhiên, theo bà Loan, liên kết không nên nhất định chỉ đi theo một xu hướng là cái gì cũng liên kết, liên kết trong thị trường và trong nền kinh tế cũng có những mặt mạnh và những yếu điểm, liên kết không phải bao giờ cũng mang lại một kết quả tốt.

Bởi vậy từng DN phải có một cách làm riêng, không có một “cái áo” nào chung cho tất cả mọi người, từng DN phải chọn con đường làm sao để có hiệu quả, không nên liên kết bằng mọi cách và bằng mọi giá.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM