Làm sao để các tay chơi ẩm thực Việt Nam thắng trên 'sân nhà'?
Xây dựng chuỗi ẩm thực là xây dựng hệ thống. Các tư duy ngắn hạn và gặt hái chắc chắn không thể thành công.
Nội dung nổi bật:
- Xây dựng chuỗi ẩm thực là xây dựng hệ thống. Các tư duy ngắn hạn và gặt hái chắc chắn sẽ không thành công.
- Yếu tố quan trọng thứ hai đó là phải xây dựng được khái niệm và ý tưởng- concept đồng thời kiên quyết xa rời hấp dẫn kinh doanh trong ngắn hạn.
- Các thương hiệu thế giới về ẩm thực có một điểm yếu chung đó là họ phải duy trì tính đồng nhất trong nhiều quốc gia trong khu vực dẫn tới độ linh hoạt kém. Đây là điểm mạnh các thương hiệu chuỗi ẩm thực quốc gia có thể tận dụng để phát triển thành công khi các tay chơi lớn quốc tế chưa định hình được khẩu vị của thị trường.
Cuộc chơi chuỗi ẩm thực là cuộc chơi của những tay chơi có tầm nhìn và thực lực dài hạn. Như câu chuyện liên quan tới Starbucks, động thái xâm nhập vài ba cửa hàng của các tay chơi lớn chỉ là giai đoạn thăm dò và đánh giá thị trường.
Việc xuất hiện các thương hiệu lớn chỉ là chỉ dấu rằng thị trường Việt Nam có tiềm năng chưa phải là chỉ dấu tốt để phát triển mạnh mẽ - giai đoạn tăng trưởng.
Thương hiệu kem Swensen's sau 3 năm vào Việt Nam phát triển âm thầm, chậm, chắc. Họ đang sắp khai trương cửa hàng thứ ba trên đường Võ Văn Tần đối diện đại học Mở TP HCM. Cũng tương tự như vậy Baskin Robbin âm thầm quay trở lại thị trường Việt nam và phát triển từ từ bền vững. Chúng ta cũng thấy tương tự như vậy với Starbucks.
Như đã nói ở trên, các tay chơi quốc tế vẫn cẩn trọng phát triển và đánh giá tại thị trường Việt Nam, cơ hội cho các nhãn hiệu ẩm thực Việt Nam vẫn còn rất nhiều.
Để cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam, các tay chơi Việt Nam cần chú ý hai điểm quan trọng: Điểm quan trọng thứ nhất đã được đề cập đó là tầm nhìn và thực lực dài hạn.
Xây dựng chuỗi ẩm thực là xây dựng hệ thống. Các tư duy ngắn hạn và gặt hái chắc chắn sẽ không thành công.
Yếu tố quan trọng thứ hai đó là phải xây dựng được khái niệm và ý tưởng- concept đồng thời kiên quyết xa rời hấp dẫn kinh doanh trong ngắn hạn.
Trong vận hành, các công ty cần phải triệt để tuân thủ và bảo toàn ý tưởng và khái niệm cửa hàng. Bài học từ Givral khi hai thương hiệu Givral và Kem Tràng Tiền đều về cùng một chủ sở hữu - Ocean Hospitality. Tuy nhiên, việc triển khai thương hiệu cao cấp Givral và thương hiệu Kem Tràng Tiền bình dân trong cùng một chuỗi cửa hàng chẳng khác nào đặt bộ quần áo vest sang trọng cùng với quần short áo thun.
Khách hàng sẽ rất bối rối do phân khúc sử dụng Givral sẽ cảm thấy bị tầm thường hóa còn phân khúc Kem Tràng Tiền sẽ cảm thấy rất ngại khi vào một cửa hàng sang trọng chỉ để mua một vài cây kem.
Câu chuyện thứ hai thông qua chuỗi cửa hàng của Kinh Đô Bakery khi khách hàng không thể hiểu cửa hàng này đang bán bánh trung thu, bánh cookies, bán bánh kem tươi hay là bán café? Không có ý tưởng, khái niệm, đồng thời, bán quá nhiều sản phẩm và dịch vụ trong một chuỗi là cách nhanh nhất tự làm khó khăn cho mình trong vận hành chuỗi ẩm thực.
Jollibee là thương hiệu Phillipines thành công từ cuộc chiến cạnh tranh với McDonald's và các thương hiệu khác tại thị trường Phillipines. Ngày hôm nay, Jollibee đã thành công và vươn ra các thị trường xung quanh khu vực. Câu chuyện thành công của Jollibee không có gì là bí mật khi CEO có tầm nhìn và cách tiếp cận dài hạn trong định vị và cạnh tranh chiến lược.
Các thương hiệu thế giới về ẩm thực có một điểm yếu chung đó là họ phải duy trì tính đồng nhất trong nhiều quốc gia trong khu vực dẫn tới độ linh hoạt kém. Đây là điểm mạnh các thương hiệu chuỗi ẩm thực quốc gia có thể tận dụng để phát triển thành công khi các tay chơi lớn quốc tế chưa định hình được khẩu vị của thị trường như KFC và Lotteria đã làm thành công tại Việt Nam sau 12 năm thâm nhập. Các thương hiệu quốc tế rất khó điều chỉnh ý tưởng và khái niệm cho phù hợp văn hóa Việt Nam.
Bài học Starbucks là ví du điển hình khi thời gian vẫn còn cho các chuỗi ẩm thực Việt Nam xây dựng và duy trì hệ thống cạnh tranh hiệu quả. Câu chuyện thành công hiện tại nằm trong suy nghĩ và thực thi của các CEO chuỗi ẩm thực Việt Nam có tự vượt qua chính mình như Jollibee đã thành công trên thị trường Phillipines hay không?
Theo Vũ Tuấn Anh - Viện quản lý Việt Nam
Theo Soha News/Trí thức trẻ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!