Cuộc chiến vô hình trong chuỗi ẩm thực tại Việt Nam (P.1)
Nội dung nổi bật:
- Chuỗi ẩm thực là ngành dường như không chịu tác động suy thoái kinh tế tại Việt Nam khi chúng ta thấy hàng loạt thương hiệu mạnh đã đang và ngấp nghé vào Việt Nam.
- Tại Việt Nam, các doanh nghiệp fast food cần phải giải được 3 vấn đề mấu chốt đó là: văn hóa xe máy, giá cả và sự khan hiếm các mặt bằng tốt.
- Khi hàng loạt các thương hiệu thức ăn nhanh ngoại đang dồn dập đổ về Việt Nam thì tại “sân nhà”, các đại gia thường bị yếu thế do tư duy ngắn hạn và không chuyên nghiệp
Chuỗi ẩm thực là ngành dường như không chịu tác động suy thoái kinh tế tại Việt Nam khi chúng ta thấy hàng loạt thương hiệu mạnh đã đang và ngấp nghé vào Việt Nam. Sức hút thị trường 90 triệu dân và tỷ lệ dân số dưới 30 tuổi chiếm đa số là những lực hút mạnh mẽ cho các ông lớn trong và ngoài nước.
Yếu tố thứ hai gia tăng tính hấp dẫn của thị trường ẩm thực là một trong bốn nhu cầu căn bản ăn uống - mặc - ở - đi lại. Các ngành thỏa mãn những yêu cầu này dường như ít bị ảnh hưởng do suy thoái. Ngoài ra, thị trường địa ốc trầm lắng tại Việt Nam đã kiến giá thuê các vị trí rẻ hơn so với những năm trước.
Thị trường hấp dẫn như vậy nhưng có phải là toàn màu hồng hay không?! Câu hỏi đó cũng là bài toán khó giải cho các đại gia kinh doanh chuỗi ẩm thực.
Thách thức đầu tiên nằm trong văn hóa xe máy tại Việt Nam. Chính vì chiếc xe máy cơ động, các khách hàng dễ dàng tìm tới các sản phẩm thay thế tương tự có nhan nhản dọc theo các trục đường tại mọi phố thị.
Nếu nhìn bao quát, có thể nói tất cả các thành phố đều là những cửa hàng fast food khổng lồ với đủ mọi loại món ăn cơm, bánh mỳ, hủ tiếu, bún, phở. Cạnh tranh trong chuỗi ẩm thực có thể hiểu là cuộc chiến vô hình giữa một bên - tập hợp các chuỗi ẩm thực và một bên - hàng trăm ngàn cửa hàng, quán ăn gia đình tại Việt Nam.
Câu chuyện thứ hai đó là về giá cả. Hiện tại, chắc chắn Công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm & Giải khát Việt Nam (VFBS) thuộc Tập đoàn Imex Pan Pacific do ông Jonathan Hạnh Nguyễn đang phải đối đầu với vấn đề này khi hai thương hiệu thức ăn nhanh Burger King và Domino Pizza đang khó khăn trong việc duy trì cạnh tranh với KFC, Pizza Hut, Lotteria , Jollibee…
Yếu tố thứ ba ảnh hưởng tới việc mở rộng đó là sự khan hiếm các mặt bằng tốt triển khai dịch vụ tại các khu vực chiến lược trọng điểm. Việt Nam cũng như các nước đang phát triển mang trong mình sự không đồng đều về kinh tế giữa các miền.
Ngay cả tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh thị trường phù hợp với chuỗi ẩm thực cũng chỉ tập trung trong một vài khu vực. Các vị trí đắc địa thường bị chiếm bởi các tay chơi lớn như KFC, Lotteria, Trung Nguyên, Highland Coffee. Chi phí thuê một mặt bằng tốt thường rất cao cho các tay chơi vào sau.
Các tay chơi lớn trên thị trường chuỗi ẩm thực thường là các tập đoàn nước ngoài đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành và các đơn vị Việt Nam. Tuy nhiên, khi nhìn lại các công ty Việt Nam thường bị yếu thế do tư duy ngắn hạn và không chuyên nghiệp trong vận hành một hệ thống chuỗi ẩm thực. Phở 24, Highland Cofffee đã dần dần chuyển sở hữu sang các công ty nước ngoài.
Trên thực tế, không phải không có những dấu hiệu sáng trong thị trường chuỗi ẩm thực khi một vài thương hiệu đang có những chỗ đứng rất vững chắc như chuỗi café Trung Nguyên, Sushi Bar tại TP.HCM. Để vận hành thành công một chuỗi ẩm thực, các yếu tố như ý tưởng – concept, qui trình quản lý và đảm bảo dịch vụ, cấu trúc menu ăn uống và quản lý nhân sự hiệu quả là những đảm bảo thành công cho vận hành.
Bao trùm trên hết đó chính là tư duy chiến lược lâu dài của CEO. Năm 2000, tôi có sử dụng dịch vụ KFC tại Diamond Plaza vào lúc 12 giờ trưa – giờ vàng fast food. Tại thời điểm đó chỉ có 10 khách hàng trong cả một nhà hàng 250m2. Sau 13 năm xâm nhập thị trường, KFC đã thành công tại Việt Nam.
(Còn tiếp)
Theo Vũ Tuấn Anh - Viện Quản lý Việt Nam
Theo Soha News/Trí thức trẻ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!