[Khởi nghiệp] Startup tại Việt Nam: "Sống sót" là kỹ năng số 1
Môi trường startup tại Việt Nam đang đặt ra những rào cản buộc những CEO, founder muốn thành công cần phải kinh nghiệm hơn, dày dặn hơn và “sành sỏi” hơn.
Một startup có thể đi từ giai đoạn “idea” (ý tưởng hoặc ý niệm về những gì mình sẽ làm) sang “prototype” (đã có sản phẩm mẫu).
Nhưng khi cần thêm tiền để bước vào giai đoạn thương mại hóa, startup bắt đầu gọi vốn lần đầu tiên, vòng gọi vốn này thường được gọi là “Seed fund”. Ở giai đoạn này, các Nhà đầu tư cá nhân thường tham gia vào hơn là Quỹ đầu tư, kể cả Quỹ đầu tư mạo hiểm cũng ít khi tham gia vào từ giai đoạn rất sớm này, trừ những thị trường mới nổi, đang rất “sốt”.
Khi doanh nghiệp sử dụng hết lượng tiền ở giai đoạn đầu, theo kế hoạch họ bước vào vòng gọi vốn thứ 2, vòng này thường được gọi là “Serie A”. Vòng gọi vốn tiếp theo nữa sẽ được gọi là “Serie B”, rồi “Serie C”, “Serie D”… Cứ thế theo bảng chữ cái Alphabet.
Hệ sinh thái startup Việt Nam
Cộng đồng startup Việt Nam hiện nay cũng có những nét tương đồng với thế giới. Trong đó bao gồm các quỹ đầu tư Serie A, lượng vốn đầu tư khoảng 200 nghìn – 2 triệu USD; Serie B rót vốn mỗi vòng khoảng dưới 10 triệu USD.
Hiện tại ở Việt Nam, số lượng các quỹ hoạt động (active) nhiều nhất tại 2 vòng gọi vốn này chủ yếu rơi vào 3,4 cái tên như CyberAgent, Inspire Ventures… Ngoài ra khá nhiều quỹ liên tục ra vào để tìm kiếm cơ hội.
Tiếp đến, là một số quỹ Seed đầu tư khoảng dưới 100 nghìn USD. Các vườn ươm hay bệ phóng doanh nghiệp như Topica, .Egg, 5Desire… Coworking space như Hub.IT cũng khá nổi tiếng, các tổ chức chính phủ hỗ trợ như Cục Thương mại hóa Công nghệ (Bộ KHCN).
Ngoài ra là các cộng đồng mạng, trong đó cộng đồng Launch là lớn nhất tại Việt Nam hiện giờ có khoảng 18.000 người, và một số Blog tiếng Việt.
Hệ sinh thái startup Việt Nam
Trong vài năm qua, nhiều người cho rằng nền kinh tế khó khăn sẽ khiến đầu tư mạo hiểm giảm đi, nhưng thực ra thì không phải vậy. Theo thống kê, số lượng các thương vụ đầu tư càng ngày càng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước.
Trước năm 2011 chỉ có khoảng 10 deal (thương vụ) 1 năm, nhưng từ 2012 trở đi con số tăng lên khoảng 24-25 deal mỗi năm, riêng trong năm 2014 vừa qua đã có 28 deal đầu tư mạo hiểm được thực hiện.
Trong tổng số 28 thương vụ đầu tư mạo hiểm trong năm 2014, có 7 deal do quỹ Nhật, 6 deal do quỹ Mỹ đầu tư, 6 deal do mua bán sáp nhập, 6 deal của một số nhóm Việt kiều.
Vậy, như thế nào thì được gọi là một startup thành công ở Việt Nam?
Startup được coi là thành công nếu được định giá từ 10 triệu USD trở lên, doanh thu đạt ngưỡng 2 triệu USD, hoặc gọi vốn thành công từ vòng Serie B trở lên. Tất nhiên định nghĩa này chưa hẳn đã đầy đủ, và chưa tính đến những ngoại lệ khác nữa.
Tạm xét tới những tiêu chí kể trên, cho đến nay mới chỉ có khoảng dưới 30 startup trong ngành CNTT ở Việt Nam được tạm gọi là thành công. Có thể kể đến những cái tên như VCCorp, VNG, Cốc Cốc, Joomlart, Eway, Peacesoft, Tiki,...
Sống sót là kỹ năng số 1
Tại nước ngoài, ví dụ như Mỹ, môi trường startup rất thuận lợi có thể ví với một sân golf , trẻ em được tạo điều kiện và cũng có thể đánh golf được, tất nhiên là cần có năng khiếu. Theo thống kê của trang tin TechCrunch, có đến 11% những CEO công nghệ thành đạt tại Mỹ đã gặt hái được thành công khi họ chưa bước qua tuổi 24.
Còn tại Việt Nam, founder được ví vui giống như một "ông người rừng". Môi trường startup được ví như một khu rừng rậm, trong đó rất nhiều loài "hổ báo" sẵn sàng nhảy vào ăn thịt. Do vậy, Founder cần trang bị vũ khí, súng ống và cần kinh nghiệm dày dặn mới có thể tồn tại được.
Lấy Mark Zuckerberg làm ví dụ, CEO Topica Phạm Minh Tuấn đã chỉ ra 5 điểm khác biệt của chung của các nhà khởi nghiệp Việt Nam:
- Tuổi tác: Trong khi Mark Zuckerberg bỏ học để khởi nghiệp lúc 19 tuổi. Founder tại Việt Nam già hơn, tuổi trung bình khi bắt đầu startup là 28,8 tuổi. Cũng có những ngoại lệ như Nguyễn Hòa Bình - CEO Peacesoft hay Nguyễn Xuân Tài - CEO Sóc Bay.
- Chưa từng bỏ học: 78% founder đã từng đi làm ít nhất ở 2 nơi, hoặc đã từng khởi nghiệp ít nhất 2 lần.
- Du học: 50% founder đã từng đi học hoặc đi làm ở nước ngoài, vẫn có ngoại lệ như anh Vương Vũ Thắng, Nhan Thế Luân.
- Chạy marathon: Ở nước ngoài có khá nhiều startup khởi nghiệp sau 1 - 2 năm giá trị đã tăng lên 1 tỷ USD, mỗi founder có thể startup tới 4 - 5 lần. Còn ở Việt Nam thì ngược lại, trung bình mỗi founder đồng hành với startup 5 đến 7 năm mà vẫn chưa exit (thoái vốn) được. Có những trường hợp ngoại lệ như Tiki mới 3 năm đã gọi Serie B, nhưng vẫn phải "trường kỳ kháng chiến" tiếp và cũng chưa thể exit ngay được.
- Sao chép: Hầu hết các startup Việt Nam đều dựa theo một mô hình thành công từ nước ngoài. Tuy nhiên, việc đem một mô hình thế giới về "rừng rậm" áp dụng mà tồn tại được đã là một thành công. Và hiếm ai làm một mô hình mới hoàn toàn, bởi sáng tạo ra một cái gì đó mới hẳn không phải là dễ. Có thể lấy ví dụ như Vật giá theo Rakuten, Chợ điện tử theo Ebay, VNG theo Tencent…
Bên cạnh nhóm founder trong nước, cũng phải kể đến nhóm founder Việt kiều ở Silicon Valley. Họ khởi nghiệp tại Mỹ, gọi vốn rồi quay về Việt Nam xây dựng đội ngũ phát triển, nổi bật có thể kể tới là Misfit, Adatao , Seespace...
Ngoài ra, một nhóm khá đặc biệt có thể tạm gọi là "thiên tài", "bỗng dưng" xuất hiện có thể kể đến như Nguyễn Hà Đông và Võ Thanh Quảng - người sáng lập ra Haivl. Cả 2 người này đều có thể được gọi là "thiên tài", nhưng khác nhau ở một điểm là một người "sống sót" được còn người kia thì không.
Tóm lại, môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam đang đặt ra những rào cản buộc những CEO, founder muốn thành công cần phải kinh nghiệm hơn, dày dặn hơn và “sành sỏi” hơn.
Trong một môi trường startup được ví như "rừng rậm" như ở Việt Nam, kỹ năng sống sót được coi là kỹ năng quan trọng nhất đối với tất cả startup. Sáng tạo chỉ là kỹ năng số 2 mà thôi, và đối với các thiên tài cũng không phải ngoại lệ.