CEO Topica: Startup Việt phải học cách chấp nhận thất bại, ngừng tự ái và nói ít thôi

25/05/2015 09:35 AM |

Thành công lúc này nhưng startup vẫn có thể thất bại bất cứ lúc nào, như Haivl chẳng hạn, một ngày bỗng tự nhiên "lăn ra chết",... Quan trọng là các bạn phải tiếp tục đứng lên.

Sinh năm 1975, anh Phạm Minh Tuấn là đại diện duy nhất của Việt Nam trong danh sách bình chọn 200 lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2012. Anh hiện là CEO của Tổ hợp Giáo dục Topica, đơn vị đào tạo trực tuyến tiên phong xuất khẩu công nghệ E-learning.

Chương trình Topica Founder Institute là chương trình ươm tạo các doanh nghiệp start-up, hiện là Accelerator (tăng tốc khởi nghiệp) duy nhất tại VN có học viên gọi vốn thành công hàng triệu USD.

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các start-up, anh Phạm Minh Tuấn đã có dịp chia sẻ rất nhiều thông tin bổ ích nhân sự kiện Techday FPT 2015. Nhận xét về xu hướng start-up tại Việt Nam, anh cho rằng chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp lại nhiều và nóng như bây giờ...

Theo quan điểm của anh, những yếu tố nào giúp các startup Việt Nam có được lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm tương tự trong nước và trên thế giới?

Có 2 kiểu startup, một là đánh vào thị trường Việt Nam, một kiểu là đánh ra thị trường thế giới (go global).

Nếu đánh vào thị trường Việt Nam, thường sẽ phải tìm những thứ mang tính offline một chút, ví dụ như thương mại điện tử thì luôn luôn phải có logistic, phải ký kết với các cửa hàng, shop v.v.. Yếu tố offline là rào cản cho các start-up nước ngoài, vì vậy startup trong nước có thể đi trước họ ký kết với các cửa hàng, như mô hình groupon của Muachung, Hotdeal; hay đào tạo, phân phối thức ăn của Foody chẳng hạn. Vì vậy, mô hình startup trong nước nên có 1 chút offline chứ đừng thuần túy online, bởi chỉ loay hoay một hồi là nước ngoài họ sẽ vào "ăn thịt" mình ngay.

Thứ 2 là mô hình global, các bạn nên tìm một ngách hoặc tìm một thế hệ platform (nền tảng) mới. Ví dụ trong lĩnh vực phân phối game đã có rất nhiều đại gia như Garena, VNG nhưng chỉ là trên nền tảng desktop. Muốn thành công startup nên tìm ra sự khác biệt, và đã từng có một startup làm như vậy, họ "chia bài" lại từ đầu dựa trên một platform mới là mobile.

Ngược lại, khó khăn lớn nhất đối với một startup là gì?

Có những startup sở hữu đội ngũ vài chục người, thậm chí 50 - 70 người rồi thường là trong lĩnh vực outsourcing hoặc dịch vụ, mô hình đó rất khó phát triển lên được. Họ sẽ bị mắc kẹt trong mô hình đấy, thường chỉ dưới 100 người là bị "kẹt" và không tăng trưởng thêm được nữa.

Vì vậy, họ sẽ cần tư vấn để tìm kiếm mô hình nào đấy có thể phát triển tiếp lên được, cái khó nhất thường là phải hy sinh cái cũ. Đáng ra số tiền kiếm được phải chia hết cho các sáng lập viên, thì lại cầm cục tiền đó đi "đốt".

Khó nhất đối với startup là vượt qua chính mình.

Ở các trường Đại học nước ngoài, phong trào startup diễn ra rất sôi nổi, hầu như trường nào cũng có một "vườn ươm" còn ở các trường Đại học ở Việt Nam thì hầu như không có, theo anh đâu là lý do?

Các trường Đại học ở Việt Nam thực ra họ đều biết là cần phải có phong trào startup, có điều là lãnh đạo phải "máu", sinh viên phải giỏi, cơ chế phải thoáng.

Tại Việt Nam, phần lớn sinh viên giỏi là ở các trường công lập, có thể lãnh đạo họ cũng "máu" nhưng lại bị vướng mắc ở cơ chế. Những cái rất đơn giản như toilet 5 giờ chiều là khóa cửa, startup muốn làm đêm thì chịu chết… chưa nói đến những cái cao siêu hơn như sáng tạo, nguồn vốn...

Những lý do nào khiến startup thất bại?

Start-up nếu không làm gì thì 95% khả năng là "chết", nếu làm gì thì 80%, tức là tăng được 4 lần tỷ lệ sống sót, đa số vẫn là "chết".

Thực ra, khi thất bại rồi thì có cả trăm lý do và đều đúng cả. Sẽ có rất nhiều người nói rằng “tôi đã bảo mà”, và tất cả đều đúng hết. Đấy là chuyện bình thường khi khởi nghiệp. Như Umbala bây giờ là sản phẩm thứ 3 của Nguyễn Minh Thảo, nhưng vẫn có thể thất bại bất cứ lúc nào. Hay như Haivl chẳng hạn, một ngày bỗng tự nhiên "lăn ra chết",... Quan trọng là các bạn phải tiếp tục đứng lên.

Anh có nhận định thế nào về mô hình kickstarter?

Mô hình crowdfunding (gọi vốn từ cộng đồng) cũng có một số team Việt Nam đã thử rồi nhưng có lẽ cũng không thành công. Tại sao không thành công, theo quan điểm của tôi vì nó mang tính chất từ thiện.

Ở nước ngoài họ có văn hóa từ thiện, ủng hộ mấy trăm USD là bình thường, còn ở Việt Nam bảo họ bỏ mấy trăm USD ra thực sự là hơi khó.

Theo anh, làm cách nào để kiếm được co-founder phù hợp?

Việc này cũng giống như đi lấy vợ mà thôi, đi học yêu nhau rồi lấy nhau sẽ hạnh phúc hay do cha mẹ giới thiệu sẽ hạnh phúc, hay đi dating, online trên mạng… có ty tỷ cách mà chẳng biết cái nào sẽ lấy được vợ hợp ý mình. Vì thế co-founder nó là cái duyên.

Anh đánh giá thế nào về tương lai của hệ sinh thái khởi nghiệp (start-up ecosystem) trong 3-5 năm tới?

Trong lịch sử thường diễn ra chu kỳ bùng nổ rồi lại vỡ bong bóng, còn chu kỳ trong bao lâu thì tôi cho rằng khoảng 10 – 15 năm một lần. Lần gần nhất đổ vỡ là khoảng năm 2009, từ hồi đấy đến giờ là được khoảng 6 năm rồi. Như vậy theo lý thuyết, nhanh thì 3 năm nữa còn chậm thì khoảng 8 năm nữa sẽ đến điểm cuối của chu kỳ.

Thực ra chu kỳ kinh tế là không tránh khỏi, việc lên xuống là bình thường nhưng không ai biết nó dài bao nhiêu, nếu biết thì tôi đã là Warren Buffett rồi.

Đối với nhà đầu tư, những yếu tố nào của start-up được họ quan tâm nhất?

Trước hết họ sẽ cân nhắc xem start-up đó có phải là một team cân đối hay không, và phải mạnh về ý tưởng, công nghệ, khả năng kinh doanh...

Thứ hai là start-up nói được thì phải làm được, chứ đừng kêu là không có tiền, và phải cho ra được một sản phẩm cụ thể.

Thứ ba là phải biết lắng nghe, nhiều bạn mới bị góp ý mấy câu đã nảy sinh tự ái. Mỗi người sẽ góp ý một kiểu, các bạn nên biết lắng nghe và sau đấy chọn ra điều nào các bạn thấy đúng nhất để thay đổi.

>> Vấn đề của start-up Việt: Thiếu kiến thức, lười và quá "ảo tưởng"

Thái Nam

Cùng chuyên mục
XEM