Instagram “lấn sân” sang thương mại điện tử?
Với việc bổ sung nút Shop Now (Mua sắm ngay bây giờ), Instagram đang muốn hỗ trợ người dùng tối đa trong việc nắm bắt được thông tin nhãn hàng và mua sắm hàng hóa ngay trên nền tảng của mình, đồng thời tỏ ra vô cùng quan tâm về lĩnh vực thương mại điện tử.
Instagram không muốn mãi chỉ là một nền tảng đăng tải những hình ảnh đẹp, mạng xã hội này muốn chứng minh mình có thể cải thiện doanh số bằng cách phát triển các quảng cáo mới, nhằm giới thiệu một loạt các sản phẩm dịch vụ, đồng thời thử nghiệm các ứng dụng mua hàng ngay trên trang mạng này.
Instagram, vừa tung ra một ứng dụng mới trên nền tảng của mình mang tên Shop Now (Mua sắm ngay bây giờ). Tuy nhiên, mạng xã hội này chưa kỳ vọng quá nhiều vào việc tăng doanh số mà trước hết muốn thử nghiệm việc tương tác với khách hàng. Hơn nữa, các nhãn hàng cũng muốn thử sức mua của người sử dụng Instagram, đồng thời điều tra những sở thích của họ để cải thiện một cách tốt nhất tính năng trong tương lai.
"Quan điểm đổi mới trên của Instagram khiến nhiều thương hiệu kỳ vọng mạng xã hội này sẽ đáp ứng được chiến dịch marketing trên mạng xã hội của họ," giám đốc điều hành một agency cho biết. "Trên thực tế, với tính năng Shop Now, Instagram vô hình trở thành một công cụ hữu ích cho cả các nhãn hàng và người dùng.”
Cụ thể, việc sở hữu dữ liệu người dùng lớn của Instagram khiến các thương hiệu kỳ vọng vào một mức tăng trưởng doanh thu đáng kể và một vị trí vững chắc trong lòng khách hàng. Đối với người sử dụng, Instagram đã đơn giản hóa và rút ngắn thời gian từ việc ngắm ảnh, xem quảng cáo đến mua sắm bằng việc họ chỉ cần sử dụng một nền tảng duy nhất.
Không thể phủ nhận rằng, dường như Instagram đang khá quan tâm đến lĩnh vực thương mại điện tử, tuy nhiên việc thử nghiệm các tính năng mới vẫn đang được giữ kín. Gần đây, phát ngôn viên của mạng xã hội này cho biết: "Thương mại điện thoại trên di động chắc chắn là một viễn cảnh tất yếu trong tương lai, Instagram hay bất cứ mạng xã hội đang rất để tâm đến lĩnh vực này, nhưng hiện giờ chúng tôi chưa thể cung cấp bất cứ thông tin chính xác nào.”
Thương mại điện tử đang trở thành một xu hướng mới trong sự phát triển của chính Facebook và phần còn lại trong lĩnh vực phương tiện truyền thông xã hội. Twitter và Pinterest hay Google và YouTube cũng đang lên kế hoạch thử nghiệm để lấn sân sang lĩnh vực này.
Bổ sung các tính năng hỗ trợ mua sắm thực chất sẽ giúp cho chính các mạng xã hội thúc đẩy doanh thu bằng việc nâng cao chi phí quảng cáo từ các nhãn hàng, đồng thời thu hút thêm nhiều người dùng khi tích hợp được nhiều tiện ích giúp họ tiết kiệm thời gian.
Trong tuần qua, Facebook, công ty sở hữu Instagram, công bố lợi nhuận 4,3 tỷ USD đến từ doanh thu quảng cáo trong mùa hè. Các mạng xã hội thậm chí còn tuyên bố rằng quảng cáo mang đến cho họ một thu nhập ổn định hơn nhiều, do đó sẽ không thể bỏ lỡ cơ hội tiếp tục hỗ trợ các nhãn hàng với nền tảng của mình.
Các thương hiệu cũng không thể ngó lơ lời mời chào cho phép tiếp cận và sử dụng thông tin người dùng trên Instagram và Facebook. Bằng cách này, các công ty hoàn toàn không mất quá nhiều công sức để chọn lọc và phân loại khách hàng để có thể áp dụng những chiến lược phù hợp nhất.
Các shop online ở Facebook và Instagram đang mọc lên như nấm, dù chưa chắc đã đăng ký kinh doanh theo đúng quy định và hiện tại cả hai mạng xã hội vẫn chưa hỗ trợ người bán hàng một cách tối đa. Tuy nhiên, khi tính năng mới này được ra mắt, dự đoán số người sử dụng với mục đích kinh doanh sẽ tăng hơn bao giờ hết.
Chỉ cần một cú nhấp chuột hoặc một cái chạm trên màn hình smartphone, người dùng có thể đặt mua bất cứ món đồ nào mà mình thích mà không cần truy cập vào trang chủ của các nhãn hàng như trước kia.
Tuy vậy, điều gì cũng có hai mặt khi có khá nhiều ý kiến chỉ trích nhắm vào Instagram khi mạng xã hội này muốn mở rộng lĩnh vực.
Hầu hết các đánh giá cho rằng Instagram quá tham lam. Nếu như trước đây trang mạng này chỉ chuyên đăng tải những hình ảnh thuần túy, thì giờ đây đã trở nên “tạp nham” hơn bởi những video quảng cáo lộ liễu. Người sử dụng phàn nàn rằng khi lướt newsfeed của Instagram, thì có 80% là hình ảnh quảng cáo của nhãn hàng tràn ngập.
Hơn nữa, kể từ Instagram bắt đầu mở cửa với quảng cáo, chất lượng của mạng xã hội này đang ngày càng đi xuống. Các chuyên gia trong ngành marketing cũng đang lo ngại rằng nếu như bán hàng trực tiếp quá nhiều trên Instagram sẽ khiến mạng xã hội này bị thương mại hóa, lâu dài sẽ bị ghẻ lạnh bởi những người sử dụng đơn thuần.
Một giám đốc cơ quan hàng đầu nói rằng Instagram tốt nhất chỉ nên được sử dụng như một cơ hội để xây dựng thương hiệu, còn việc mua hàng nên thực hiện trên Facebook.
"Tôi không muốn nhìn thấy Instagram đi vào vết xe đổ của Twitter, đặc biệt khi chúng ta có thể nhìn thấy mạng xã hội này đang ngày càng mất phương hướng. Instagram hiện đang phát triển rất tốt, chính vì thế tôi nghĩ nên dừng lại một chút để cân nhắc những kế hoạch sắp tới, thay vì đi ngay theo xu hướng thương mại điện tử chưa chắc đã phù hợp với mình.” – một đại diện trong ngành quảng cáo phát biểu.