Doanh nghiệp trẻ, vừa và nhỏ không sợ "chết" trên mặt trận TPP nếu biết...

13/11/2015 11:40 AM | Kinh doanh

Bán hàng trực tuyến là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thâm nhập sâu vào trường quốc tế.

Thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành một công cụ không thể thiếu đối với doanh nghiệp để cạnh tranh với đối thủ trong môi trường kinh doanh quốc tế đầy thử thách. Đặc biệt, khi tới đây, Việt Nam chính thức bước chân vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP.

Trong nội dung về TMĐT của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP nghiêm cấm việc áp đặt các loại thuế xuất nhập khẩu đối với việc truyền tin điện tử.

12 thành viên TPP đồng ý hợp tác để giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng lợi thế của TMĐT, khuyến khích hợp tác chính sách liên quan tới việc bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến... Có thể nói đây là một tin vui cho 400.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp toàn quốc.

Nhận định về cơ hội của TMĐT khi Việt Nam tham gia vào TPP, trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Thanh Hưng cho hay, ngành TMĐT vẫn đang trên đà tăng trưởng. Năm 2013, tổng doanh thu từ TMĐT đạt con số 2,2 tỷ USD. Trong năm 2015, tổng doanh thu từ lĩnh vực này có thể đạt đến con số hơn 4 tỷ USD.

Dự báo đến năm 2020, thị trường thương mại điện tử sẽ tăng 25%/năm, đạt 10 tỷ USD; giá trị mua sắm online đạt 400 USD/người; có 60% doanh nghiệp online, 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hoặc nhận đơn hàng online.

Theo ông Hưng, những năm vừa qua, Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào các Hiệp định thương mại quốc tế, trong đó, TMĐT là một lĩnh vực thể hiện rõ nét nhất tính hội nhập này. Nhờ có TMĐT, các doanh nghiệp trẻ, quy mô vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận với khách hàng cuối cùng trên quy mô toàn cầu.

"Đây là một giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu khi Việt Nam tham gia vào TPP. Nếu như trước đây, khi nói đến xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên, chúng ta nghĩ tới doanh nghiệp quy mô lớn thì bây giờ nhờ TMĐT các doanh nghiệp quy mô nhỏ hoàn toàn có thể xuất khẩu tới khách hàng cuối cùng", ông Hưng khẳng định.

Để minh họa, ông Hưng lấy Amazon là một ví dụ điển hình. Hiện nay, VECOM đang phối hợp chặt chẽ với Amazon để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ một cách tiện lợi nhất.

Ông Hưng nói: “Amazon lưu hàng ở đâu trong hệ thống hàng trăm kho khổng lồ? Người bán hàng không cần biết, doanh nghiệp nhỏ Việt Nam không cần biết. Chỉ cần biết rằng, có người đặt hàng ở Việt Nam, Amazon sẽ tự biết lấy ở đâu trong hệ thống kho của họ để giao hàng. Với chi phí và vận chuyển rẻ nhất, cách này vô cùng tiện lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để xuất khẩu hàng hóa sang các nước TPP. Đây là một hình mẫu nên áp dụng”.

Tuy nhiên, theo ông Hưng, muốn TMĐT trở thành công cụ hữu hiệu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hội nhập vào TPP, các dịch vụ chuyển phát, dịch vụ hoàn tất đơn hàng, logitics của Việt Nam phải chuyển biến mạnh mẽ.

"Phải đẩy mạnh chuyển phát nhanh, dịch vụ hoàn tất đơn hàng uy tín mới giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với người dùng trực tiếp trên quy mô toàn cầu thông qua thương mại điện tử", ông Hưng khẳng định.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Đặng Quang Vũ, Giám đốc xuất nhập khẩu Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro cho hay, bằng cách đưa thông tin chi tiết về sản phẩm, chất lượng qua các kênh thương mại điện tử, Hapro đã phát triển được nhiều thị trường mới và bán nhiều hàng hóa hơn. Hiện nay, các sản phẩm, hàng hóa của công ty này không chỉ bán qua kênh thương mại điện tử tới tay người tiêu dùng trong nước mà còn xuất sang nhiều quốc gia khác nhau với doanh thu bán hàng hơn 9.000 tỷ đồng/năm.

Ông Vũ đưa ra lời khuyên các doanh nghiệp Việt sớm tích cực tiếp cận kênh thương mại điện tử nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và tìm kiếm các đối tác nhập khẩu.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM