Đây là lý do 2016 sẽ không phải là năm đột phá của nền kinh tế Việt Nam

10/11/2015 15:49 PM | Kinh doanh

Nếu nhìn vào con số này có thể thấy 2 điểm: Tăng trưởng sẽ không có gì đột phá và lạm phát nhiều khả năng sẽ tăng trở lại.

Sáng nay, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII có phiên thảo luận về mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong năm 2016. Tại phiên thảo luận này, Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2016 với mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7%; lạm phát dưới 5%.

Nếu nhìn vào con số này có thể thấy 2 điểm: Tăng trưởng sẽ không có gì đột phá và lạm phát nhiều khả năng sẽ tăng trở lại.

Lạm phát, một thời gian tăng phi mã ở mức 2 con số, nay bất ngờ giảm xuống ở mức chỉ 3,3% trong năm 2014, và tiếp tục giảm trong năm nay.

Dù vừa qua, Việt Nam đồng phá giá mạnh so với đồng đô la nhưng các tổ chức nghiên cứu cũng chỉ dự báo lạm phát chỉ ở mức 2,7%. Nếu không có việc phá giá đồng tiền, lạm phát thậm chí có thể sẽ dưới 2% trong năm 2015 này.


Tuy nhiên, để lạm phát quá thấp không hẳn là tốt, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Nó mang theo nỗi lo giảm phát, khi người dân không muốn chi tiêu và chỉ lo cất tiền ở trong nhà. Thậm chí, giảm phát còn có những tác động tiêu cực hơn cả lạm phát, khi khiến nền kinh tế không thể phát triển (Trong khi đó, lạm phát cao thì vẫn có thể giúp tăng trưởng kinh tế nhanh hơn).

Kiểm soát lạm phát như thế nào vẫn là một bài toán phức tạp của Chính phủ, nhưng để nền kinh tế tăng trưởng, việc nới lỏng chỉ tiêu lạm phát là điều được tính tới. Với việc Quốc hội đặt chỉ tiêu lạm phát dưới 5% cho thấy nhiều khả năng, lạm phát sẽ có thể tăng trong năm 2016 này. Tuy nhiên, việc chỉ neo ở mức 5% cũng cho thấy một nước đi cẩn trọng đề phòng rủi ro.

Vấn đề còn lại, GDP được dự kiến tăng trưởng 6,7%, không đáng kể so với năm 2015 (6,2%) cho thấy chưa có động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Vì vậy, chính phủ sẽ cố gắng tập trung vào duy trì đà tăng trưởng hiện tại.

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM