Chuyên gia World Bank: TPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 8 – 10%

05/10/2015 19:00 PM |

Đây chỉ là mức tăng dự kiến theo kịch bản tăng trưởng thấp, mức tăng thực tế có thể cao hơn đáng kể, tùy thuộc vào việc Việt Nam năng động thế nào trong việc tận dụng cơ hội của mình với TPP.

Trả lời phỏng vấn bên lề hội thảo công bố Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam cho rằng: Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có tác động khá tích cực tới Việt Nam.

TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 8 - 10%”, ông Sandeep nói.

* Xin ông nói rõ hơn, nhận định cho rằng TPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 8 – 10% căn cứ trên cơ sở nào?

Chúng tôi không có nhiều thông tin liên quan. Đây là dự đoán tốt nhất tôi có thể đưa ra theo kịch bản tăng trưởng thấp. Thực tế, mọi người có xu hướng theo kịch bản tăng trưởng cao hơn. Thông tin này chúng tôi đưa ra căn cứ trên những gì chúng tôi biết, trong khi có nhiều thông tin chúng ta không lường trước được.

Số liệu này phần lớn dựa trên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tới Mỹ. Việc thuế quan từ Mỹ giảm sẽ đem lại lợi ích lớn cho Việt Nam. Đó là những gì chúng tôi biết.

Nhưng còn nhiều thông tin chúng tôi chưa thể biết trước như các khoản đầu tư mới rót vào Việt Nam, những mặt hàng Việt Nam chưa xuất khẩu sang Mỹ ở thời điểm hiện tại nhưng có thể bắt đầu đổ bộ sang Mỹ khi TPP bắt đầu có hiệu lực...

Tăng trưởng GDP thêm 8 – 10% là một mức tăng TƯƠNG ĐỐI THẤP mà TPP có thể đem lại cho Việt Nam. Mức tăng này có thể cao hơn đáng kể. Nó phụ thuộc vào việc Việt Nam năng động thế nào trong việc tận dụng cơ hội này.

* Mức tăng 8 – 10% này Việt Nam sẽ đạt được ngay trong năm đầu tiên TPP có hiệu lực?

Đây là mức tăng trên tổng GDP ước tính trước năm 2030. Tức GDP năm 2030 của Việt Nam nếu TPP có hiệu lực sẽ cao hơn 8 -10% so với GDP của Việt Nam nếu không có TPP.


Nguồn: World Bank.

Nguồn: World Bank.

Ví dụ, GDP của Việt Nam năm 2030 vào khoảng 500 tỷ USD nếu không có TPP. Với TPP, con số này có thể lên tới 550 tỷ USD.

Tuy nhiên, con số này còn phụ thuộc vào cả vấn đề cải cách của Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, việc Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản... Dòng đầu tư FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) cũng là cơ hội lớn cho Việt Nam thông qua việc tham gia TPP, nếu Việt Nam có thể giải quyết các thách thức của mình liên quan đến vấn đề tăng trưởng.

* Ông nhắc đến rất nhiều điểm tích cực của TPP, vậy mặt tiêu cực của hiệp định thế hệ mới này là gì?

Không có mặt tiêu cực. TPP chỉ đặt ra các thách thức cho Việt Nam.

Tôi muốn nói lại rằng, những thông tin chi tiết về thỏa thuận TPP vẫn chưa được tiết lộ, nhưng nó sẽ bao gồm các lĩnh vực về điều kiện lao động, quyền sở hữu trí tuệ, các lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm...

TPP sẽ đặt ra nhiều áp lực hơn với Việt Nam. Có thể, các cam kết trong TPP sẽ thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách đưa ra các văn bản đáp ứng được yêu cầu cao hơn – những văn bản mà nếu không có TPP có thể sẽ khó được đưa ra.

* Xin cảm ơn ông!

Theo số liệu của World Bank, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của Việt Nam năm 2014 ở mức 186,2 tỷ USD. Mức tăng trưởng GDP 2015 dự kiến ở mức 6,2%, tăng trưởng GDP năm 2016 – 2017 dự kiến ở mức 6,3%/năm.

Theo các chuyên gia World Bank, Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức về trung hạn, gồm: Kiểm soát nợ công , thực hiện cải cách cơ cấu (nhất là trong ngành ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước) và kiến tạo môi trường thuận lợi hơn cho tăng trưởng dựa vào khu vực tư nhân.

 

TPP sẽ gây áp lực cho các nhà sản xuất Việt Nam

“Rất khó để trả lời một cách chính xác về tác động của TPP tới kinh tế Việt Nam, vì những chi tiết của các vòng đàm phán đều được bảo mật rất cao. Nhưng nhìn chung, về kiến trúc tổng thể của TPP, có thể thấy cơ chế này mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.

Trong một vài năm vừa qua, Việt Nam nổi lên về mức độ tăng trưởng xuất khẩu. Sự tăng trưởng này đóng góp rất lớn cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tiềm năng của sự tăng trưởng này là có thể giúp Việt Nam tiếp cận tới các thị trường trước đây có thể chưa mở cửa với Việt Nam, nhưng cũng đem đến áp lực cho các nhà sản xuất Việt Nam trước các nhà sản xuất khác trong một cộng đồng lớn. Về dài hạn, nó có tác động rất tốt trong việc thúc đẩy hiệu suất và tăng năng suất lao động”.

Ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM