GDP bình quân đầu người đạt 3200- 3500 USD vào năm 2020

16/09/2015 16:23 PM |

Mục tiêu trên được đặt ra trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội XII của Đảng và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Cụ thể, trong dự thảo hai văn kiện trên, Ban Chấp hành Trung ương đặt mục tiêu phấn đấu trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD; tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước không quá 4% GDP.

Yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 25-30%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng 4-5%/năm; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm. Tỉ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt 38-40%.

Về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 xác định đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Cụ thể về cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Trung ương xác định nhiệm vụ: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hoá lớn; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia và vệ sinh, an toàn thực phẩm. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực nông nghiệp bình quân khoảng 3-3,5%/năm...

Đồng thời, tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020 khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, tín dụng ưu đãi và huy động các nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội. Có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại và thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tại địa bàn nông thôn…

Về công nghiệp, Trung ương xác định đẩy mạnh cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp, xây dựng bình quân khoảng 7,5%/năm; đến năm 2020 tỉ trọng công nghiệp, xây dựng trong GDP khoảng 40%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 25%, trong đó công nghiệp chế tạo khoảng 15%.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7 - 7,5%/năm.Tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GDP khoảng 45% vào năm 2020. Ưu tiên phát triển những ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao…

Đặc biệt, Trung ương xác định phải phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Theo đó, Trung ương khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành khai thác, chế biến dầu khí; cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, vận tải biển; khai thác và chế biến hải sản, các dịch vụ hậu cần nghề cá; du lịch biển, đảo.

Xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phục vụ sản xuất và đời sống vùng biển, đảo. Đẩy nhanh điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển, đảo. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc khai thác hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên biển.

Xây dựng các cơ sở hậu cần nghề cá, tránh trú bão, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ và hoạt động dài ngày trên biển. Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người dân định cư lâu dài trên các đảo. Tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, đảo.

Bên cạnh đó, Trung ương cũng xác định phương hướng, nhiệm vụ trong phát triển các vùng và khu kinh tế; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp; về doanh nghiệp nhà nước; về doanh nghiệp tư nhân; về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; về kinh tế hợp tác.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, bảo đảm hiệu quả tổng hợp và tính hệ thống, nhất là mạng lưới giao thông, điện, nước, thuỷ lợi, thông tin truyền thông, giáo dục, y tế.

Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, nhất là tại các khu vực có tiềm năng phát triển và giải quyết các ách tắc, quá tải. Bảo đảm kết nối thông suốt giữa các trung tâm kinh tế lớn, các đầu mối giao thông cửa ngõ, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn.

Tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc, tập trung ưu tiên cho các đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đường bộ cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế lớn. Đầu tư nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Hoàn thành đầu tư xây dựng các cảng biển cửa ngõ quốc tế khu vực phía Bắc và phía Nam.

Cải tạo, nâng cấp các cảng hàng không; phân kỳ đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành. Hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các công trình cấp, thoát nước tại các đô thị lớn. Hoàn thành xây dựng các bệnh viện tuyến cuối. Đồng thời, quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông tại các vùng khó khăn. Ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Theo Đức Bình

Cùng chuyên mục
XEM