Công ty gia đình trị - Đa dạng để tồn tại

11/05/2015 08:04 AM | Kinh doanh

Sự phổ biến của những “đứa con lai” cho thấy các công ty gia đình đang có xu hướng chuyển từ việc tự quản lý sang thuê các nhà quản lý chuyên nghiệp.

Nội dung nổi bật:

- Có 4 loại công ty gia đình: một gia tộc nắm cả hai quyền sở hữu và kiểm soát, sở hữu đa số cổ phần nhưng thuê quản lý chuyên nghiệp, nắm ít cổ phần nhưng quản lý toàn bộ và gia tộc rót vốn cho các công ty khởi nghiệp của con cháu

- Nhiều công ty gia đình ở trạng thái “lai” giữa 4 mô hình kể trên. Cuộc chiến giữa các gia đình và những CEO ngoại tộc vẫn thường xuyên diễn ra.


Các công ty gia đình trị tồn tại dưới nhiều dạng thức. Trong một nghiên cứu được công bố năm ngoái bởi Soumodip Sarkar (đến từ ĐH Evora) và hai đồng nghiệp, có tới 200 định nghĩa khác nhau về các công ty gia đình. Một số người sử dụng từ này như một từ đồng nghĩa với “doanh nghiệp nhỏ”, trong khi một số người khác cho rằng đây là những công ty được kiểm soát chặt chẽ.

Chùm bài của chúng tôi sẽ định nghĩa công ty gia đình là những công ty bắt buộc phải có sự tham gia của một thành viên trong gia đình, đồng thời xuất hiện sự kế thừa hoặc có kế hoạch cha truyền con nối.

Trong cuốn sách mới được xuất bản mang tựa đề “The business map” (tạm dịch: Bản đồ kinh doanh), Joseph Fan đến từ ĐH Hồng Kông đã giải thích rằng mô hình này có 4 dạng chủ yếu.

Trong một công ty gia đình cơ bản, một gia đình nắm cả hai quyền là sở hữu và kiểm soát. Như vậy ta sẽ có danh sách giống như danh sách các thành viên của Hesnokiens Association, câu lạc bộ quốc tế gồm 44 công ty gia đình có cả hai yếu tố trên và có tuổi đời từ 200 năm trở lên. Trong danh sách này có 14 công ty của Italy, 12 của Pháp, 1 của Anh và 1 của Áo. Nước Anh cũng có lâu lạc bộ Tercentenarian với các công ty gia đình có lịch sử từ 300 năm trở lên.

Khi công ty ngày càng phình to, khó có thể duy trì cả hai yếu tố sở hữu và kiểm soát. Tuy nhiên đây không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Lakshmi Mittal, “ông vua” của ngành thép ở Ấn Độ, sở hữu 41% cổ phần của Arcelor Mittal, một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới. Mittal đảm nhiệm cả hai vai trò Chủ tịch và CEO. Charles và David Koch sở hữu tổng cộng 84% cổ phần của Koch Industries, công ty có doanh thu 115 tỷ USD. Charles Koch là CEO và David là một cộng sự trung thành.

Trong mô hình số 2, gia đình sẽ sở hữu cổ phần kiểm soát nhưng giao việc điều hành cho các nhà quản lý chuyên nghiệp. Gia đình Walton sở hữu khoảng một nửa Walmart nhưng không điều hành chuỗi siêu thị này hàng ngày.

Sở hữu bị động ẩn chứa nhiều rủi ro đối với các gia đình. Nhà Cadbury đã từ bỏ quyền điều hành trực tiếp đế chế socola của họ. Bởi vậy khi Kraft – gã khổng lồ thực phẩm của Mỹ - tấn công và thâu tóm với giá rẻ mạt, tất cả những gì Cadbury có thể làm chỉ là biểu tình.

Tuy vậy, một số công ty gia đình có thể giành lại được quyền kiểm soát. Công ty của Hồng Kông Li&Fung chứng kiến quyền kiểm soát tuột khỏi tay gia đình sau khi niêm yết cổ phiếu trên TTCK năm 1974. Tuy nhiên vào giữa những năm 1980, William và Victor Fung đã giành lại quyền này bằng cách vay mượn để mua đứt các chủ sở hữu khác và sau đó niêm yết lại vào năm 1992.

Mô hình thứ ba mang đến một chút ngạc nhiên. Trong một số công ty gia đình, gia đình chỉ sở hữu một lượng nhỏ cổ phần nhưng tiếp tục đóng vai trò điều hành.

Mô hình này khá phổ biến ở Nhật Bản. Nhà Toyoda và Suzuki là những ví dụ phổ biến với những tập đoàn lâu đời mang chính tên của họ. Toyota bổ nhiệm Akio Toyoda làm CEO kiêm Chủ tịch vào năm 2009, khi công ty phải triệu hồi 4,2 triệu chiếc xe vì lỗi kỹ thuật. 8 gia đình đã lập nên Kikkoan (một công ty sản xuất tương đậu) chỉ sở hữu 20% cổ phần nhưng vị trí CEO được luân chuyển giữa họ.

Ở dạng thứ tư, các gia đình chính là những quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn cho những thành viên trẻ tuổi trong gia đình khởi nghiệp. Nhà Mullez sở hữu một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Pháp là Auchan. Các bậc con cháu đã sử dụng tiền của họ tộc để thành lập nhiều công tác khác, trong đó có Decathlon (thể thao), Pizza Pai and Fluch (ăn uống), Leroy Merlin và Boulanger (thiết bị điện). Các doanh nghiệp này đều thuộc sở hữu của công ty mẹ có tên Limovam đang sử dụng tổng cộng 366.000 lao động.

Nhiều công ty gia đình ở trạng thái “lai” giữa 4 mô hình kể trên. Cuộc chiến giữa các gia đình và những CEO ngoại tộc vẫn thường xuyên diễn ra.

Sự phổ biến của những “đứa con lai” cho thấy các công ty gia đình đang có xu hướng chuyển từ việc tự quản lý sang thuê các nhà quản lý chuyên nghiệp. Đây cũng là mô hình phổ biến ở nước Anh. Julian Franks, giáo sư trường kinh doanh London, đã nghiên cứu hơn 30.000 công ty ở khắp châu Âu và đưa ra kết luận các doanh nghiệp lâu đời hơn ở Pháp, Đức và Italy thường được kiểm soát bởi các gia đình nhiều hơn so với các công ty non trẻ hơn.

>> Công ty gia đình trị - "Bông hoa nở rộ" của chủ nghĩa tư bản hiện đại

Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM