Công ty gia đình trị: Pha lê cứng hay thủy tinh giòn?

03/11/2014 13:49 PM | Kinh doanh

Từ bán lẻ, sản xuất thiết bị điện tử đến ô tô, các công ty lớn bậc nhất thế giới như Walmart, Samsung hay BMW đều đang hoạt động theo hình thức gia đình trị.

Hình thức kinh doanh kiểu gia đình trị đang tồn tại ở những công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới như Walmart, Mars, Samsung và BMW. Nửa thế kỷ trước, các chuyên gia quản lý đã luôn mong đợi các công ty hoạt động theo kiểu “cha truyền, con nối” sẽ sớm phai nhạt bởi khả năng lớn hơn của các công ty đại chúng để tăng vốn và thu hút nhân tài. Tuy nhiên thực tế, các công ty gia đình vẫn tồn tại, thậm chí còn trở nên lớn mạnh hơn trong những năm gần đây.

Theo nghiên cứu mới nhất của hãng tư vấn McKinsey, các doanh nghiệp vận hành theo hình thức gia đình hiện chiếm 19% trong số các công ty thuộc Fortune 500 (tập hợp những công ty lớn nhất về doanh thu). Trước đó vào năm 2005, con số này chỉ là 15%. Kể từ năm 2008, doanh thu của những công ty gia đình đã tăng 7% một năm, cao hơn một chút so với con số 6,2% của các công ty không vận hành theo kiểu gia đình. McKinsey khẳng định, xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong tương lai.

Điều này có được một phần lớn là nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nền kinh tế đang phát triển nơi mà sở hữu gia đình được coi là một tiêu chuẩn trong các doanh nghiệp lớn.

Kể từ năm 2005, các nước có sự gia tăng cao nhất về tỷ lệ các công ty gia đình trong danh sách Fortune 500 gồm Brazil, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Đài Loan. Đến năm 2025, McKinsey dự báo trong số hơn 15.000 công ty trên toàn thế giới với ít nhất 1 tỷ USD doanh thu hàng năm sẽ có 37% công ty gia đình tại các thị trường mới nổi. Trong khi đó, con số tương tự vào năm 2010 có 8.000 công ty toàn cầu có kích thước này và chỉ 16% trong số họ được kiểm soát bởi gia đình tại những thị trường mới nổi.

Khoảng 85% những doanh nghiệp trị giá 1 tỷ USD tại khu vực Đông Nam Á là gia đình trị, 75% tại châu Mỹ Latin, 67% tại Ấn Độ và Trung Đông là 65%. Tỷ lệ thấp nhất được ghi nhận tại Trung Quốc là 40% và vùng châu Phi hạ Sahara là 35% bởi tại hai khu vực này chủ yếu tồn tại các công ty thuộc sở hữu nhà nước.

Ngay tại những quốc gia giàu có, mô hình công ty gia đình trị cũng vẫn đang phát triển bất chấp kỳ vọng sụp đổ. Trong số các công ty Mỹ có mặt trong Fortune 500, 15% thuộc sở hữu của gia đình, chỉ ít hơn chút so với năm 2005. Trong số đó, lớn nhất có thể kể đến là Walmart. Hiện những người con của người sáng lập Sam Walton vẫn là các cổ đông lớn nhất trong công ty. Trong số đó, người con trai cả Rob, hiện là chủ tịch. Người con trai thứ là Jim nằm trong hội đồng quản trị và chị gái của họ là Ailice cũng được thừa kế một lượng lớn cổ phần. Tại châu Âu, 40% những công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán vẫn được kiểm soát bởi gia đình.

Cho tới thời điểm hiện tại, rất nhiều nền kinh tế mới nổi vẫn thiếu đi thị trường vốn có quy mô lớn và tính thanh khoản cao như ở các nước phát triển. Bởi vậy các doanh nghiệp của họ không thể dựa vào thị trường vốn để mở rộng mà thay vào đó dựa vào nguồn tiền của gia đình và tái đầu tư lợi nhuận. Khi các doanh nghiệp được tiếp cận nhiều hơn với thị trường chứng khoán toàn cầu, tình hình này có thể thay đổi.

Lợi thế của các công ty gia đình trị

Một trong những ưu điểm lớn nhất của các công ty gia đình trị là khả năng tiếp cận thị trường vốn mà không sợ bị mất khả năng kiểm soát. Thường những công ty này được tạo ra bởi một doanh nhân tuyệt vời, tài năng đỉnh cao như Sam Walton của Walmart. Và nếu một người sáng lập như vậy vẫn còn sống với khả năng kiểm soát cá nhân cùng những cổ đông là người thân thích, sẽ mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ. Ngay cả khi những người này mất đi thì thế hệ kế nghiệp vẫn có thể tiếp tục dẫn dắt công ty đến thành công chỉ bằng cách đơn giản tiếp tục thực hiện theo những tôn chỉ mà người sáng lập đầu tiên đề ra.

Các công ty gia đình cũng có xu hướng quan hệ lao động tốt hơn là kết luận của nghiên cứu được thực hiện bởi Holge Mueler và Thomas Philppon đến từ trường kinh doanh đại học New York. Điều này có thể được giải thích bởi người lao động tin lời hứa rằng họ sẽ nhận được phần thưởng cho việc gắn bó, cống hiến với công ty trong một thời gian dài. Những cam kết như vậy chỉ có thể tồn tại ở các công ty gia đình chứ không thể xuất hiện trong những công ty đại chúng.

Nhìn chung, những công ty gia đình thường có nền văn hóa doanh nghiệp tốt hơn, theo nghiên cứu của McKinsey. Công ty đã sử dụng chỉ số “sức khoẻ tổ chức” để đo lường tại 114 công ty gia đình và hơn 1.200 doanh nghiệp lớn khác. Những công ty gia đình đạt điểm cao hơn đáng kể về văn hoá, nhân lực và phương pháp lãnh đạo mặc dù họ bị tụt hậu hơn về sự đổi mới và nội bộ tập trung.

Ngoài ra, bản chất gia đình sở hữu khiến danh tiếng của công ty được nâng cao hơn. Trong cuộc khảo sát gần đây tại 12 nền kinh tế lớn của Edelman, có tới 73% số người cho biết họ tin tưởng các công ty gia đình sở hữu so với 64% tin tưởng những công ty giao dịch công khai và 61% cho cả công ty sở hữu gia đình và nhà nước. Đây có thể cũng chính là lý do tại sao tập đoàn SC Johnson, một nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng lớn bậc nhất thế giới lại đặt slogan của hãng là “A Family Company” (Một công ty gia đình).

Ngoài ra, công ty gia đình cũng có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả tài chính theo một nghiên cứu mới của Cristina Serrato Cruz và Laura Nunez Letamendia đến từ trường kinh doanh IE tại Madrid. Họ tính toán rằng 1.000 euro đầu tư trong năm 2001 trong danh mục đầu tư của các công ty gia đình tại châu Âu sẽ tạo ra 3.533 euro vào cuối thập kỷ này so với mức 2.241 euro từ danh mục đầu tư của các công ty không hoạt động theo kiểu gia đình.

Nguy cơ tiềm ẩn

Nguy cơ đầu tiên có thể kể đến là khả năng gánh các khoản nợ kém. Một minh chứng rõ ràng cho lý do tại sao các nhà đầu tư lo ngại việc đổ tiền vào các công ty thuộc sở hữu của gia đình là sự sụp đổ gần đây của Espirito Santo. Các khoản nợ khổng lồ đã khiến công ty của Bồ Đào Nha này trở thành một trong những công ty gia đình thất bại thảm hại nhất tại châu Âu.

Bên cạnh đó, dù các công ty gia đình vẫn cố cầm cự, thậm chí phát triển bất chấp suy đoán về sụp đổ của nhiều chuyên gia thì có một nguy cơ lớn dễ nhận thấy là những cuộc xung đột giữa các thành viên. Điển hình là mối hận thù gia đình là nguyên nhân chính dẫn đến sự tiêu diệt của Market Basket - một chuỗi siêu thị ở Mỹ. Công nhân công ty này đã đình công khi ông chủ của họ là Arthur T. Demoulas bị sa thải theo lệnh của người anh là Arthur S. Demoulas. Cuộc khủng hoảng chỉ được ngăn chặn sau những lời khẩn cầu đến gia đình của thống đốc bang Massachusetts và New Hamshire.

Quá trình chuyển giao thế hệ được cho là giai đoạn nguy hiểm nhất của các công ty gia đình. Tại Ấn Độ, một mối thù hằn gia tộc bắt đầu vào năm 2002 sau khi Dhirubhai Ambani - người sáng lập Rliance Industris chết mà không thừa kế lại tài sản hợp pháp cho 1 người duy nhất. Cuộc chiến giữa hai người con trai của ông là Mukesh và Anil cuối cùng dẫn đến việc công ty này phải chia làm hai.

Còn có rất nhiều bằng chứng khác cho thấy một công ty gia đình trị mạnh và thành công đến mấy cũng có thể bị sụp đổ chỉ sau quá trình chuyển đổi thế hệ tiếp theo. Một nghiên cứu đã khẳng định, niềm tin của người tiêu dùng vào các công ty gia đình bị tụt 1 bậc sau khi hoàn thành quá trình chuyển giao cho thế hệ sau đó.

>> Vì sao các công ty lâu đời nhất thế giới đều ở Nhật Bản?

Vân Đàm

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM