Bên cạnh cà phê, Trung Nguyên còn có gì?

12/12/2015 11:54 AM | Kinh doanh

Hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên có 3 mảng chính gồm Kinh doanh - chế biến cà phê, bán lẻ và nhượng quyền thương hiệu (franchising).

Chỉ mới thành lập từ năm 1996, Tập đoàn Trung Nguyên do ông Đặng Lê Nguyên Vũ sáng lập đã mau chóng khẳng định tên tuổi và trở thành “ông lớn” trong ngành cà phê Việt Nam. Hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên có 3 mảng chính gồm Kinh doanh - chế biến cà phê, bán lẻ và nhượng quyền thương hiệu (franchising).

Những công ty trong mảng cà phê

Mảng kinh doanh – chế biến cà phê của Trung Nguyên bao gồm CTCP Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên Group), CTCP Cà phê Trung Nguyên tại Đăk Lăk và CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên.

Trong đó, Trung Nguyên Group đóng vai trò là công ty trung tâm của cả hệ thống Trung Nguyên, chịu trách nhiệm chính đối với việc sản xuất cũng như phân phối đối với hoạt động kinh doanh.

Công ty Cà phê Trung Nguyên tại Đăk Lăk có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, quản lý Nhà máy cà phê Buôn Ma Thuột chuyên về chế biến hạt cà phê, cà phê rang xay.

Các sản phẩm cà phê hòa tan G7 của Trung Nguyên được sản xuất tại 1 trong 3 nhà máy, bao gồm nhà máy tại Dĩ An (Bình Dương) và Bắc Giang thuộc quản lý của CTCP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên và nhà máy Cà phê Sài Gòn tại Mỹ Phước (Bình Dương) thuộc sở hữu của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên.

Nhà máy Cà phê Sài Gòn được Trung Nguyên mua lại từ Vinamilk năm 2010 và hiện là nhà máy sản xuất chính của Trung Nguyên.

Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê hòa tan, cà phê nhân thì Trung Nguyên còn một mảng kinh doanh lớn khác là nhượng quyền thương hiệu (franchising).

CTCP Trung Nguyên Franchising với vốn điều lệ 100 tỷ đồng và cũng được điều hành bởi ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Trung Nguyên Franchising có vai trò quản lý hoạt động nhượng quyền chuỗi cửa hàng cà phê Trung Nguyên.

Theo website của Trung Nguyên, hệ thống nhượng quyền hiện gồm hơn 50 cửa hàng tại 7 tỉnh thành trên cà nước và 1 cửa hàng tại Singapore.

Gian nan với lĩnh vực bán lẻ

Ngoài những lĩnh vực chính liên quan trực tiếp tới cà phê, Trung Nguyên còn có một số khoản đầu tư ra những lĩnh vực khác như bán lẻ, du lịch…

Trung Nguyên đã rất nhiều lần thử sức với lĩnh vực bán lẻ nhưng chưa đạt được kết quả khả quan. Năm 2006, Trung Nguyên ra mắt hệ thống bán lẻ G7 Mart với 500 cửa hàng. Mục tiêu của ông Đặng Lê Nguyên Vũ là gắn thương hiệu G7 Mart lên 10.000 cửa hàng – đưa Trung Nguyên trở thành thế lực lớn nhất trong ngành bán lẻ.

Tuy nhiên, những khó khăn bủa vây đã khiến G7 Mart gần như “mất tích” khỏi thị trường. Sau khi nhận thấy G7 Mart khó lòng cạnh tranh trên thị trường, vào năm 2010, Trung Nguyên đã hợp tác với Ministop (thành viên cua Aeon- Nhật Bản) thành lập CTCP Thương mại và dịch vụ G7- Ministop với mục tiêu mở 500 cửa hàng trong vòng 5 năm.

Tuy vậy, kết cục trong lần hợp tác này vẫn là sự thất bại. Mới đây, Ministop đã chấm dứt hợp đồng hợp tác với Trung Nguyên, đồng thời tiến hành bắt tay với Sojitz, nâng mục tiêu lên 800 cửa hàng bán lẻ trong vòng 10 năm tiếp theo.

Trung Nguyên chưa gặt hái được thành công với mảng bán lẻ. Ảnh minh họa
Trung Nguyên chưa gặt hái được thành công với mảng bán lẻ. Ảnh minh họa

Ẩn số Đầu tư Trung Nguyên

Bên cạnh những khoản đầu tư thất bại vào lĩnh vực bán lẻ, Trung Nguyên còn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực du lịch khi thành lập Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê với vốn điều lệ 98 tỷ đồng. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành và hiện đang sở hữu khu nghỉ dưỡng Coffee Tour Resort đạt tiêu chuẩn 3 sao đầu tiên tại Buôn Ma Thuột.

Cổ đông chính của công ty Đặng Lê là Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, doanh nghiệp có quy mô vốn lên đến gần 3.200 tỷ đồng. Theo số liệu chúng tôi có được, toàn bộ hơn 3.200 tỷ đồng tài sản của Đầu tư Trung Nguyên đều được đầu tư vào các công ty con của doanh nghiệp này.

Và không loại trừ khả năng Đầu tư Trung Nguyên được thành lập để trở thành công ty mẹ của Trung Nguyên Group.

Những công ty chính trong hệ thống Trung Nguyên

Theo Hoàng Anh

Cùng chuyên mục
XEM