Dừng bán cà phê hòa tan G7, 'túi tiền' của Trung Nguyên có thể vơi đi bao nhiêu?
Nếu Trung Nguyên dừng bán cà phê hòa tan G7, ước tính tập đoàn này sẽ mất khoảng 18% doanh thu bán lẻ cà phê với giá trị khoảng 185 tỷ đồng năm 2016.
Mới đây nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Hà Nội cho biết công ty này đã tạm ngưng cung cấp các sản phẩm thuộc nhóm cà phê hòa tan từ ngày 10/11/2015, và đến nay vẫn chưa cung cấp lại hàng ra thị trường.
Theo nguồn tin từ đại diện công ty, Trung Nguyên giải thích việc tạm ngưng cung cấp sản phẩm là do nhu cầu bảo trì máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất tại các nhà máy trực thuộc công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên.
Báo cáo phân tích của hãng Euromonitor cho biết, hiện 3 công ty chi phối phần lớn thị trường cà phê hòa tan tại Việt Nam gồm Vinacafé, Nestle và Trung Nguyên, gần đây có sự chen chân của tên tuổi mới như PhinDeli hay trước đó là cà phê Moment của Vinamilk.
Cũng theo hãng nghiên cứu này dự báo, doanh thu bán lẻ thị trường cà phê hòa tan tại Việt Nam giai đoạn 2011-2016 đạt từ 2.400 đến trên 3.600 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng kép là 18,5%.
Nếu chia nhỏ thị trường cà phê theo theo thương hiệu, năm 2011 Vinacafé chiếm 32,6%, Nescafé chiếm 31,1%, thương hiệu Trung Nguyên nắm giữ 14,8% và cà phê hòa tan G7 chiếm 3,3% thị phần doanh thu bán lẻ.
Từ số liệu của Euromonitor, có thể dễ dàng tính được thương hiệu Trung Nguyên - G7 lần lượt mang về khoảng 356 và 79 tỷ đồng cho tập đoàn Trung Nguyên năm 2011.
Theo tính toán của chúng tôi, nếu tập đoàn Trung Nguyên đạt mức tăng trưởng kép của toàn thị trường, doanh thu năm 2015 ước tính của Trung Nguyên và G7 lần lượt đạt 701 và 156 tỷ đồng.
Như vậy, nếu Trung Nguyên dừng bán cà phê hòa tan G7, tập đoàn này sẽ mất khoảng 18% doanh thu bán lẻ cà phê với giá trị khoảng 185 tỷ đồng năm 2016.