Vài lời khuyên cho Trung Nguyên khi bị "chậm chân"

04/12/2015 13:49 PM | Kinh doanh

Theo một chuyên gia Franchise: Việc Trung Nguyên ra mắt Brain Station Coffee - mô hình nhượng quyền chuỗi quán dạng “Coffee take away” là hơi muộn.

Brain Staion của Trung Nguyên: Dễ nhầm lẫn

Để cạnh tranh với các “ông lớn” cà phê trên thị trường, trao đổi với chúng tôi trong năm 2014, “Vua cà phê Việt” Đặng Lê Nguyên Vũ nhấn mạnh: Trung Nguyên với chiến lược, định vị và xác định là một “Tập đoàn cà phê chuyên cho não sáng tạo”.

Vị lãnh đạo Tập đoàn Trung Nguyên khẳng định: Chỉ tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi là cà phê với mục đích tham gia, gia tăng các chuỗi giá trị của ngành cà phê, khai thác đúng thế mạnh của chính mình.

Sự xuất hiện của chuỗi nhượng quyền Brain Station Coffee và mô hình thương mại điện tử cafe.net.vn trong năm 2014, theo Trung Nguyên nhằm kế thừa tính chuyên gia cà phê và phù hợp với xu thế chung.

Đặc biệt, với sự ra đời của Brain Station Coffee - mô hình nhượng quyền chuỗi quán dạng “Coffee take away”, ông chủ của Tập đoàn Trung Nguyên mong mỏi sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu của giới trẻ mong muốn khởi nghiệp.

Ông Vũ tham vọng “phủ sóng” tại Tp.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang và mở rộng mạnh mẽ trên tất cả các tỉnh thành của cả nước.

Tuy nhiên, rậm rịch từ năm 2014 nhưng theo tiết lộ từ đường dây nóng của trang thương mại điện tử cafe.net.vn: Cửa hàng duy nhất Brain Station Coffee mới chỉ vừa được mở tại Tp.HCM cách đây khoảng tầm 2 tuần.

Theo chuyên gia Franchise: Việc Trung Nguyên ra mắt Brain Station Coffee - mô hình nhượng quyền chuỗi quán dạng “Coffee take away” là hơi muộn.

“Việc Trung Nguyên ra mắt thương hiệu Brain Station Coffee (dù là hơi muộn), theo tôi là chiến lược cần thiết để Trung Nguyên có thể bắt theo kịp những làn sóng chuyển dịch mới với tốc độ tăng trưởng cao hơn trong lĩnh vực chuỗi quán cà phê.

Đó là phân khúc “coffee take away” mang phong cách trẻ trung và năng động” – CEO Pizza Home, ông Hoàng Tùng, chuyên gia Franchise nhận xét.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực chuỗi quán cà phê dành cho giới trẻ thì những năm vừa qua, người tiêu dùng đã chứng kiến sự mở rộng rất nhanh và tăng trưởng vượt trội của thương hiệu Urban Station Coffee.

Cho đến thời điểm hiện tại, số cửa hàng của Urban Station đã lên tới con số trên 30, trong đó, trải rộng khắp cả nước, bao gồm: Tp.HCM (22 cửa hàng), Hà Nội (4 cửa hàng), Đà Lạt, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Biên Hòa (mỗi nơi 1 cửa hàng).

Mới đây, Urban còn mở thêm 4 cửa hàng mới, 3 cửa hàng tại Hà Nội và 1 chi nhánh nữa tại Tp.HCM.

“Sự trùng lặp giữa hai chữ Station sẽ phần nào khiến người tiêu dùng có thể nhầm lẫn giữa Brain Staion và Urban Station, xét về mặt thương hiệu thì đó không phải là điểm tích cực” – ông Tùng lưu ý.

Thêm vào đó, nếu so sánh với sự phát triển của Urban Station, có thể thấy “độ phủ” có phần chậm chạp Brain Station Coffee của Trung Nguyên.

“Tốc độ mở rộng của Brain Station Coffee rõ ràng không được tốt như những gì người tiêu dùng kỳ vọng ở một thương hiệu có ông lớn như Trung Nguyên đứng đằng sau” – ông Tùng nói.

Mặc dù vậy, theo ông Tùng, vì mảng thị trường này là một phân khúc khách hàng khá khác biệt so với thị phần khách hàng trung thành với Trung Nguyên, do đó, cũng cần phải có thời gian để xem xét.

“Với những gì Trung Nguyên đã trình bày với giới truyền thông thì tôi hiểu Brain Station có tham vọng tạo ra một làn sóng nhượng quyền dành cho giới trẻ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực mở quán cà phê với chi phí chỉ khoảng 250-300 triệu đồng.

Đây là một mức tiền khá dễ chịu để khởi nghiệp. Với tham vọng như vậy thì tôi nghĩ tốc độ mở rộng chưa phải là yếu tố tiên quyết” – ông Tùng cho hay.

Ông Tùng nhấn mạnh: Yếu tố quan trọng nhất khi nhượng quyền luôn là hướng tới mô hình win-win-win: nghĩa là tạo nên lợi ích cho bên bán nhượng quyền-bên mua nhượng quyền-người tiêu dùng.

Để có thể làm được như vậy thì điều đáng lưu tâm nhất là đảm bảo sao cho mô hình cửa hàng nhượng quyền phải có một quy trình làm việc hiệu quả.

Có như thế, bên bán nhượng quyền (Trung Nguyên) mới có thể chuyển giao cho bên mua nhượng quyền để vận hành một cách trơn tru và tạo ra sản phẩm một cách nhất quán, từ đó, người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng sản phẩm.

Điều này sẽ giúp cho: Bên mua nhượng quyền có khách hàng và có khả năng vận hành chuẩn mực, mang lại lợi nhuận tốt.

Còn bên bán có thể bán được nhiều cửa hàng nhượng quyền hơn và có được lợi nhuận từ việc bán cửa hàng nhượng quyền, bán nguyên liệu và phần trăm trên doanh thu của từng cửa hàng mua nhượng quyền.

Do đó, điểm mấu chốt nhất trong việc phát triển của Brain Station là tạo ra một quy trình thực sự tốt để có thể nó có thể nhân rộng theo đúng quy trình.

Khi khả năng nhân rộng đã được xác lập thì tốc độ phát triển sẽ có thể chạy ở mức độ rất nhanh.

Trung Nguyên và Starbucks: Không còn ở thế đối đầu trực diện

Không chỉ cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp cà phê nội như Passio, Urban Station hay Phúc Long, Trung Nguyên còn phải “động não” khi các đối thủ ngoại đang “phả hơi nóng vào sau gáy”, đặc biệt là Starbucks.

Mặc dù khi mới bước chân vào thị trường Việt Nam, “gã khổng lồ” cà phê này từng bị Đặng Lê Nguyên Vũ “nói mỉa” rằng đó chỉ là “thứ nước có mùi cà phê pha với đường” nhưng cho đến nay, Starbucks vẫn có mức tăng trưởng vượt kỳ vọng.

"Dường như Trung Nguyên và Starbucks không còn ở thế đối đầu trực diện như thời điểm Starbucks mới vào Việt Nam". (Ảnh: Mạnh Quân)

Hiện tại, Starbucks đã mở 8 cửa hàng ở Tp.HCM, 4 ở Hà Nội với tổng cộng 220 nhân viên.

Bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam đã từng tự tin nói rằng: Sau hai năm gia nhập, họ thấy rất hài lòng về tốc độ tăng trưởng.

Không dừng lại ở đó, thời gian tới, Starbucks dự định sẽ mở thêm nhiều cửa hàng tại 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội, Tp.HCM.

Đồng thời, hãng sẽ tính toán, nghiên cứu nhiều yếu tố như chi phí, phương thức vận chuyển để mở rộng ra cả những nơi khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Vinh, Vũng Tàu...

Nếu đưa lên bàn cân, ông Hoàng Tùng nhận định: Về mặt số lượng quán, rõ ràng Trung Nguyên vẫn đang áp đảo so với Starbucks.

Thêm vào đó, tốc độ mở rộng cửa hàng của Starbucks cũng không quá choáng ngợp như những gì người ta kỳ vọng (chuỗi Urban Station còn có tốc độ mở rộng nhanh hơn Starbucks tại thị trường Việt).

Về lượng khách hàng trung thành: Trung Nguyên và Starbucks đều có tập khách hàng trung thành riêng của mình bởi sâu xa về mặt sản phẩm Starbucks và Trung Nguyên đều bán cà phê nhưng phần hồn và phần cốt sản phẩm của hai thương hiệu thực sự khác nhau.

“Sau một thời gian thực sự tĩnh tâm lại thì chúng ta cũng đã thấy hiệu ứng Starbucks sau thời gian đầu đình đám giờ cũng đã chậm lại.

Và dường như Trung Nguyên và Starbucks không còn ở thế đối đầu trực diện như thời điểm Starbucks mới vào Việt Nam.

Điểm căn bản nhất tôi nghĩ tập khách hàng trung thành của Trung Nguyên và của Starbucks có giao nhau nhưng không thực sự nhiều.

Thế nên sự thắng hay thua còn quá sớm để có thể bàn ở đây!” – ông Hoàng Tùng kết luận.

Về phía Starbucks, lãnh đạo thương hiệu này đã tuyên bố với báo giới rằng: “Chúng tôi không cho rằng mình phải cạnh tranh.

Việt Nam có 90 triệu dân - đủ chỗ để nhiều thương hiệu, cũng như nhiều loại hương vị cà phê cùng phát triển”.

Theo đó, việc Starbucks xuất hiện chỉ nhằm cung cấp thêm cho người dùng một lựa chọn.

Người Việt vẫn uống loại cà phê truyền thống, đồng thời có thể lựa chọn loại cà phê mang hương vị đặc trưng - “nơi chốn thứ ba” của Starbucks.

Theo Phương Nhi

Cùng chuyên mục
XEM