Bán đứt Vinamotor đi là đúng!

11/02/2015 23:06 PM | Kinh doanh

Sau khi thoái 51% vốn nhà nước tại Tổng Cty Công nghiệp ôtô Việt Nam (Vinamotor) hồi đầu năm 2014 không thành, Chính phủ đã ra quyết định “bán đứt” toàn bộ Vinamotor. Đó là một tin có phần “sốc” với không ít nhà quản lý và một số doanh nhân.

Đã có hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Công nghiệp ôtô là một trong những ngành “then chốt” của nền kinh tế, nếu “bán đứt” Vinamotor thì vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước có còn không? Những năm vừa qua, đã có nhiều đề án về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô được ban hành, nay “bán đứt” Vinamotor cho DN không phải của nhà nước thì những chiến lược ấy ai sẽ thực hiện? Việc “bán đứt” như vậy liệu có làm thất thoát vốn nhà nước?...

Tiền thân là DN cơ khí của Bộ Giao thông - Vận tải, Vinamotor đã có thâm niên 51 năm kể từ khi thành lập. Từ năm 2003 đến nay, chuyển thành TCty công nghiệp ôtô và được định hướng thành DN nòng cốt nhằm phát triển lĩnh vực công nghiệp ôtô tại VN.

Song, Vinamotor chỉ chọn phân khúc sản xuất, lắp ráp, kinh doanh dòng xe khách, xe buýt cỡ lớn (trên 29 chỗ ngồi), xe tải trên 10 tấn, kinh doanh thêm cả vận tải, thương mại, với vốn nhà nước đầu tư hơn 500 tỉ đồng. Còn việc sản xuất các dòng xe cao cấp như Toyota, Honda, BMW... đối với Vinamotor vẫn còn là “ước mơ xa”.

Ngay cả với dòng xe thuộc phân khúc được lựa chọn, Vinamotor cũng chưa bao giờ chiếm lĩnh được thị trường. Do vậy, Vinamotor đã và sẽ không thể trở thành DN chủ lực nhằm định hướng cho sự phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam!

Vinamotor được đánh giá là không mạnh về sản xuất, lắp ráp, yếu kém về quản trị. Do đó, kết quả kinh doanh luôn luôn là “bức tranh màu xám”. Vinamotor có 5 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 14 Cty con, 19 Cty liên kết và hai Cty liên doanh. Các Cty làm ăn có lãi trong danh sách mà Vinamotor công bố hầu hết là các Cty liên doanh, liên kết, vốn góp của Vinamotor dưới 50%.

Các Cty con mà Vinamotor nắm phần vốn chi phối, chỉ có 6/14 Cty làm ăn có lãi, mức lãi cũng rất khiêm tốn và một số Cty có số lỗ hàng nghìn tỉ đồng! Từ đó, nếu duy trì và đưa Vinamotor thành DN chủ lực của ngành công nghiệp ôtô VN, chắc chắn Nhà nước phải “bơm” cho DN này hàng nghìn tỉ đồng, phải làm lại từ đầu từ tổ chức bộ máy, cơ chế quản trị và con người. Và, cũng không có gì đảm bảo rằng, Vinamotor sẽ biến “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô VN” thành hiện thực.

“Bán đứt” Vinamotor, nhà nước thu hồi được một số tiền lớn đã đầu tư không hiệu quả trong nhiều năm qua và chính thức chuyển giao việc định hướng phát triển ngành công nghiệp ôtô VN cho nhà đầu tư thực sự theo “mệnh lệnh” của thị trường.

Chắc chắn rằng, khi đã mua Vinamotor, nhà đầu tư sẽ có chiến lược kinh doanh, chiến lược phát triển DN. Đó là chiến lược được xây dựng trong sự cạnh tranh gay gắt, nóng bỏng của thị trường, không phải là những bản “chiến lược” ra đời trong phòng máy lạnh như đã có lâu nay.

“Bán đứt” Vinamotor chỉ là một ví dụ trong rất nhiều trường hợp tương tự trong các DNNN ở VN hiện nay. Tái cấu trúc DNNN là một trong những chủ trương lớn nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các DN và nền kinh tế quốc dân. Song, việc tái cấu trúc DNNN đã và đang trong tình trạng “nói nhiều, làm chẳng được bao nhiêu”.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng đó là tư duy xơ cứng về vai trò của Nhà nước trong kinh doanh, như Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, Nhà nước phải giữ cổ phần chi phối... Việc “bán đứt” Vinamotor có thể coi là tín hiệu tích cực, khởi đầu cho một giai đoạn mới. Cần nghiêm túc xem xét, đánh giá xem trong các DNNN ở nước ta hiện nay, còn bao nhiêu DN làm ăn như Vinamotor cũng nên “bán đứt” đi để cho thị trường quyết định.

Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền

Cùng chuyên mục
XEM