Căng thẳng tổ ấm sau công sở, nguyên do từ đâu?

27/04/2016 08:42 AM | Sống

Vẫn biết rằng mỗi người đều có mảnh hồn riêng và những cảm xúc khác nhau, song dường như các cặp đôi lại thường quên mất điều này khi bước chân qua khung cửa.

Nhiều khách hàng của tôi thường xuyên phải làm những công việc đầy áp lực và rất nhiều trong số họ có vợ hoặc chồng cũng đảm đương những nhiệm vụ không kém phần căng thẳng.

Thế nhưng, có những bức xúc tưởng chừng như chỉ có thể gặp tại phòng làm việc thì thực tế lại xảy ra ngay trong 15 phút đầu tiên khi bước chân trở về ngôi nhà thân yêu và nói lời chào với vợ hoặc chồng của mình.

Một cuộc đoàn tụ vợ-chồng suôn sẻ vào cuối ngày, cho dù có phải bã người sau nhiều giờ lao động mệt mỏi, cũng có thể giúp cả hai bên cảm thấy được săn sóc và thư giãn để sẵn sàng chuẩn bị cho ngày làm việc tiếp theo.

Nhưng nếu cuộc “hội ngộ không thuận theo chiều gió”, thì cả buổi tối sẽ biến thành một đám mây đen u ám khiến cả hai bên rơi vào chán chường, thất vọng. Vậy đâu là nguyên nhân cho những căng thẳng vợ-chồng khi gặp lại nhau sau giờ tan sở?

Nhu cầu không giống nhau

Vẫn biết rằng mỗi người đều có mảnh hồn riêng và những cảm xúc khác nhau, song dường như các cặp đôi lại thường quên mất điều này khi bước chân qua khung cửa.

Vậy nên, không thiếu tình huống người vợ/chồng trở về nhà sau một ngày lao động mệt mỏi, chỉ mong được chút không gian yên tĩnh một mình trước khi kết nối với nửa kia đã về trước đó không lâu (hoặc ở nhà ngày hôm đó) và đang sẵn sàng nhận kết nối.

Cũng có những khi hai vợ chồng về nhà cùng một lúc, nhưng người thì rối bời đầu óc vẫn vấn vương những công việc còn ngổn ngang nơi công sở. Người kia lại hân hoan sau một ngày làm việc hiệu quả mà đường về nhà rộng thênh thang khi không phải bon chen trong dòng xe, người ùn tắc.

Thậm chí, cả hai người đều trải qua những ngày làm việc tương tự, nhưng mỗi người lại cần được đáp đứng những nhu cầu khác nhau. Người vợ cần ai đó biết lắng nghe để cùng chia sẻ về một ngày làm việc của họ.

Trong khi nửa kia lại chỉ mong một khoảng thời gian yên tĩnh để tâm hồn tìm lại chút bình yên cuối ngày. Người có nhu cầu giải trí, người giải khuây bằng vài ly bia mát lạnh, vài người khác chỉ một cái ôm thôi là đủ.

Khoảng thời gian phục hồi khác nhau

Là một nhà thần kinh học tại trường Đại học Wisconsin, tiến sĩ Richard Davidson đã dành nhiều thập niên nghiên cứu về mối quan hệ giữa cảm xúc với cấu trúc khác nhau của não và hệ thần kinh của con người.

Trong cuốn sách “The Emotional Life of Your Brain” của mình xuất bản năm 2012, tiến sĩ Davidson lưu ý rằng, mỗi người đều có tốc độ và thời gian phục hồi khác nhau với những trải nghiệm tiêu cực mà mình đã đi qua – mà ông gọi là “khả năng đàn hồi”. Và theo đó, não họ cũng xuất hiện những mô hình hoạt động để phục hồi khác nhau.

Ví dụ, ai đó vừa phải trải qua một ngày làm việc khủng khiếp nhưng có thể trở nên tươi tỉnh ngay khi bước chân ra khỏi văn phòng. Cũng lại có những người, dù không công việc trong ngày không mấy áp lực song vẫn dư âm dai dẳng cả buổi tối sau khi đã về đến nhà.

Cần hiểu rằng, không phải lúc nào thời gian phục hồi chậm đều là nhược điểm mà đôi khi thời gian phục hồi nhanh cũng chưa hẳn là tốt.

Những người có thời gian phục hồi cực nhanh sau những trải nghiệm tiêu cực thường cho rằng họ bắt buộc phải làm vậy bởi họ thấy cần phải tách mình ra khỏi nỗi lo lắng và sự bức bách về tâm lí. Kết quả là, họ không dễ dàng chấp nhận thất bại và khó học hỏi từ những sai lầm để lấy đó làm kinh nghiệm.

Văn hóa khác nhau

Dành không ít thời gian nghiên cứu về hôn nhân và các mối quan hệ cam kết, nhà tâm lí học nổi tiếng đến từ trường Đại học Washington cho rằng: “ mỗi mối quan hệ đều là một sự trải nghiệm giao thoa về văn hóa”.

Trong cuốn sách Principia Amoris: Khoa học mới về tình yêu của mình, ông Gottman viết: “chúng ta có thể cùng đến từ một nước, cùng một vùng của quốc gia đó và cùng chủng tộc, tôn giáo, nhưng chúng ta lại được sinh ra từ những gia đình có nền nếp khác nhau. Khi cả hai cùng nhau gây dựng nên một mối quan hệ, họ phải tự quyết định những tôn chỉ hay bản sắc riêng cho mối quan hệ mình”.

Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu và đánh giá những triết lý và mục tiêu trong cuộc sống trước khi bắt tay dựng xây tổ ấm, các cặp vợ chồng hiếm khi dành thời gian suy ngẫm về những khía cạnh trần tục của đời sống gia đình và ý nghĩa của việc xây đắp một mối quan hệ giao thoa về văn hóa cho những khía cạnh đó.

Đó là lí do tại sao các đôi vợ chồng lại nảy sinh những cách hiểu và kỳ vọng không tương đồng về ý nghĩa của việc “trở về nhà” hoặc bằng cách nào người ta sẽ có những kỳ vọng tương tác khác nhau tùy theo từng trường hợp.

Vậy đâu là giải pháp?

Trước tiên, hãy học cách chấp nhận rằng luôn tồn tại những sự khác biệt. Thật vô dụng và thiếu thực tế nếu các cặp đôi cứ kỳ vọng dễ dàng kết nối ngay khi bước chân vào nhà, mà quên mất nguyên nhân chính của sự xung đột cuối ngày như thế này là do nhu cầu khác nhau, thời gian phục hồi không giống nhau và văn hóa khác nhau thường xuyên chi phối.

Tiếp đó, mỗi người hãy xác định rõ nhu cầu của cá nhân mình và dành thời gian trao đổi với nhau về vấn đề đó vào một thời điểm thích hợp ( tất nhiên là đừng yêu cầu đối tác cùng thảo luận ngay khi vừa mới bước chân vào nhà). Hãy lên kế hoạch và thẳng thắn chia sẻ những mong muốn của bản thân để mối quan hệ thêm bền vững.

Cuối cùng, hãy lưu ý rằng mức độ quản lí cảm xúc và tự giám sát có thể rất hữu dụng trong trường hợp này. Bởi chúng ta thường có xu hướng tiếp cận đối tác với hy vọng cả hai đều “là chính mình” mà không lo lắng xem liệu chúng ta có thể tiếp thu và những tác động lên mỗi người của cuộc trò chuyện.

Bằng cách quản lí cảm xúc và tự giám sát, chúng ta có thể ném ra khỏi cửa sổ tất cả những kỹ năng về giao tiêp mà chúng ta tích lũy từ công việc đầy áp lực nơi công sở để trở về mái ấm quen thuộc.

Khánh An

Cùng chuyên mục
XEM