Cách trị chứng mau quên dành cho người "não cá vàng", học đến đâu "lạc trôi" đến đó

02/03/2020 09:14 AM | Sống

Nếu bạn đang vô cùng khó chịu và bất lực trước chứng "não cá vàng" của mình thì nên áp dụng ngay những mẹo nhỏ dưới đây để việc học trở nên "dễ thở" hơn nhé.

Tình trạng vừa nghe một thông tin gì đó xong vài phút sau đã chẳng còn nhớ nữa là chuyện rất thường gặp. Hơn nữa, trong thời buổi khối lượng thông tin đầy ắp, đa dạng và luôn mới, chúng ta càng khó tập trung vào bất cứ một điều gì.

Trí não cũng giống như cơ bắp vậy. Khi các cơ được tập luyện thường xuyên sẽ trở nên chắc khỏe, dẻo dai, chịu được sức nặng và cường độ ngày càng lớn. Não bộ cũng tương tự, khi được rèn luyện đúng cách dần hình thành thói quen, lâu dần sẽ tăng cường khả năng ghi nhớ.

Tạo từ gần nghĩa, đối lập nghĩa

Phương pháp này rất hữu ích cho các bạn đang muốn cải thiện trình độ ngoại ngữ của mình. Thông tin khi tiếp nhận muốn nhớ được lâu, bạn không nên lướt qua quá nhanh mà cần có thời gian dừng lại, tạo mối liên kết cho chúng.

Ví dụ, bạn muốn ghi nhớ từ "afraid" (sợ hãi, lo lắng), bạn tìm từ đồng nghĩa với nó sẽ có: scared, worried... Từ trái nghĩa của "afraid" có: confident (tự tin), brave (gan dạ, dũng cảm)...

Sau khi "vặn vẹo" từ xong, bạn đừng quên đặt câu với những từ đó, chắc chắn sẽ nhớ rất lâu và còn tăng thêm vốn từ vựng.

Dùng những chữ cái đầu liên kết với nhau.

Một bài học thường được chia thành nhiều mục nhỏ, để nhớ hết quả không phải là điều dễ dàng. Có một cách để nhớ nhanh là liên kết các từ đầu câu của mỗi ý với nhau.

Khi học 4 hướng trong tiếng Anh: North, East, West, South. Mẹo ghép các chữ cái đầu thành từ NEWS sẽ không bị quên nữa. (sưu tầm)

Cách ghi nhớ các nguyên âm trong tiếng Anh (U, E, O, A, I) -> Uể oải

Ví dụ như bạn tạo ra từ H.O.M.E.S để nhớ các hồ lớn (Huron, Ontario, Michigan, Erie, Superior). (sưu tầm)

Bạn cũng có thể làm thơ, ghép thành các câu chuyện nếu có năng khiếu. Vậy là bạn chỉ nhớ những từ, những cụm từ rất ngắn thay cho những nội dung cực kỳ dài và khó nhớ.

Cách trị chứng mau quên dành cho người não cá vàng, học đến đâu lạc trôi đến đó - Ảnh 1.

Liên hệ trung tâm sơ đồ Mindmap

Với những bạn không thể nhớ thông tin theo kiểu tuần tự, bạn có thể áp dụng cách vẽ sơ đồ Mindmap. Dựa trên ý tưởng trung tâm từ đó phân nhánh các ý tưởng liên quan.

Sơ đồ Mindmap cũng giống như não bộ của con người. Khi nhìn vào bức tranh là cả một tổng thể toàn bộ thông tin nhưng lại vô cùng chi tiết và cụ thể, cùng với những hình ảnh sinh động, đầy màu sắc bạn tưởng tượng ra trong quá trình vẽ cũng giúp cho não bộ ghi nhớ tốt hơn rất nhiều.

Ôn lại kiến thức trước khi đi ngủ

Một trong những mẹo giúp ghi nhớ tốt nữa chính là ôn lại bài học trước khi đi ngủ.

"Đừng bao giờ ngủ mà không yêu cầu tiềm thức hoạt động" (Thomas Edison). Khi ôn lại điều cần nhớ là lúc bạn yêu cầu não bộ hoạt động. Khi bạn ngủ tiềm thức vẫn tiếp tục làm việc, xử lý các vấn đề.

Phần ý thức sự thực chỉ chiếm 10% tư duy trong khi phần tiềm thức giống như tảng băng chìm đến 90% tư duy. Nếu không tận dụng sẽ rất uổng phí.

Nếu đang cần ghi nhớ tài liệu, các bài học một cách nhanh chóng, dễ dàng, hãy ôn lại trước khi đi ngủ. Những thứ được viết ra càng rõ ràng, được hình dung càng chi tiết sẽ được não bộ tiếp thu càng hiệu quả.

Cách trị chứng mau quên dành cho người não cá vàng, học đến đâu lạc trôi đến đó - Ảnh 2.

Nhào nặn thông tin, liên tưởng hình ảnh

Thường xuyên quên tên người đối diện sẽ khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp. Một thông tin nếu không được chú ý, lưu giữ lại, "vặn vẹo" nó thì sẽ trôi tuột đi rất nhanh.

Mỗi lần kết thân với một người bạn mới, bạn đừng bỏ quên bước chú tâm lắng nghe. Sau đó, trong suốt cuộc đối thoại bạn nên nhắc lại tên của người đối diện nhiều lần. Điều này không chỉ tỏ thái độ tôn trọng mà còn giúp bạn ghi nhớ tên nhanh hơn.

Ví dụ, khi ai đó giới thiệu: "Mình tên là Lan".

Bạn hãy nhắc lại nhiều lần: "Chào Lan, Lan sống ở khu này phải không? Sở thích của Lan là gì?…"

Bên cạnh việc lặp lại tên nhiều lần, để không nhầm lẫn với nhiều người khác, bạn nên liên tưởng tên người đối diện với một hình ảnh quen thuộc, dễ nhớ.

Tên Lan gợi nhớ đến hoa lan. Lan khi cười thường để lộ chiếc răng khểnh. Bạn có thể tưởng tượng bông hoa lan đang cười lộ ra chiếc răng khểnh. Vậy lần sau khi gặp lại người này, hình tượng bông hoa lan nở nụ cười có chiếc răng khểnh hiện lên sẽ giúp bạn nhớ người đó tên Lan. Bạn sẽ không quên hay bị nhầm lẫn nữa.

Thói quen này rất thú vị. Khi lặp đi lặp lại nhiều lần, bạn không chỉ phát triển tư duy tưởng tượng mà còn tăng cường được trí nhớ.

Ngủ đủ và uống nước điều độ

Ngủ và uống đủ nước sẽ giữ cho tinh thần bạn luôn được tỉnh táo. Có nhiều bạn học mãi không nhớ, càng không nhớ lại càng cố gắng ép, gắng đến mức không ngủ, người mệt nhoài, thần kinh căng cứng. Nhưng đáng tiếc đây lại không phải là biện pháp mang lại hiệu quả. Không ngủ đủ giấc, ngược lại còn khiến bạn suy giảm trí nhớ.

Khi được ngủ đủ giấc, não bộ có thời gian nghỉ ngơi, tinh thần tỉnh táo, minh mẫn, lúc này bạn rất dễ dàng tiếp thu kiến thức mới, rút ngắn được rất nhiều thời gian học tập, ghi nhớ.

Uống nước từng ngụm nhỏ giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất, tinh thần luôn tươi mới, tràn đầy năng lượng. Người có sức khỏe tốt mới có thể có đầy đủ năng lượng cho não bộ hoạt động hiệu quả.

Muốn tăng cường trí nhớ không quá khó, bạn chỉ cần tạo dựng thói quen lưu lại thông tin theo cách mới cho mình. Hãy làm sao để tất cả những thông tin xung quanh thật đơn giản, thú vị. Điều gì càng vui thích, não bộ càng "khoái" ghi nhớ bạn nhé!

Tú Oanh

Cùng chuyên mục
XEM