Cà phê Việt Nam độn bắp đã là gì, cà phê ở Mỹ còn độn thêm cả ... vỏ cây

30/07/2016 08:16 AM | Sống

Nếu bạn đã có máy pha cà phê ở nhà thì nên mua hạt cà phê rang về tự xay hơn là mua bột cà phê thường bởi nhiều khi những túi cà phê bột xay sẵn có thêm các chất phụ gia như lúa mì, lúa mạch và thậm chí cả bột vỏ cây nghiền.

Mới đây, cảnh sát quốc tế Interpol cho biết họ đã thu giữ khoảng 2.500 tấn thực phẩm từ 47 quốc gia do liên quan đến lừa đảo chất lượng. Hầu hết trong số chúng là những loại thực phẩm khá phổ biến như cà phê, phô mai, trứng hay dầu ăn.

Tác giả Larry Olmsted của cuốn sách “Real Food/ Fake Food” cho rằng trước khi thưởng thức món ăn nào đó, bạn nên kiểm tra kỹ xem chúng là gì.

Dưới đây, tác giả này liệt kê ra một số thực phẩm hay bị làm giả nhiều nhất ở Mỹ.

1. Cà phê

Nếu bạn đã có máy pha cà phê ở nhà thì nên mua hạt cà phê rang về tự xay hơn là mua bột cà phê thường bởi nhiều khi những túi cà phê bột xay sẵn có thêm các chất phụ gia như lúa mì, lúa mạch và thậm chí cả bột vỏ cây nghiền. Nguyên nhân là những thành phần này rẻ hơn cà phê và người tiêu dùng khó lòng phân biệt được chúng khi mua về sử dụng.

2. Trà

Trà có vẻ là một thức uống lành mạnh, nhưng tác giả Larry Olmsted cho biết một số cơ sở sản xuất cho thêm những loại lá khác hoặc thậm chí là cả mùn cưa để có thể bán được nhiều hơn cho khách hàng.

3. Sushi

Nếu bạn đến nhà hàng và gọi món Sushi, rất có thể thứ bạn nhận được lại không hề được làm từ cá. Tổ chức phi lợi nhuận Oceana đã có cuộc khảo sát và cho ra kết luận bất ngờ rằng 100% số hải sản tại các nhà hàng Sushi ở New York không phải được làm từ loại cá mà họ quảng cáo. Đồng thời, có 58% thịt cá tại các cửa hàng bán lẻ và 39% hải sản tại các nhà hàng nói chung ở New York cũng có sự đánh tráo, lừa dối khách hàng về sản phẩm.

4. Mù tạt Wasabi

Mù tạt Wasabi nguyên gốc được làm từ cây cải ngựa (Horseradish) với vị nồng làm chảy nước mắt người dùng. Tuy nhiên, cây cải ngựa khá đắt nên hầu hết mù tạt tại các cửa hàng, đặc biệt là nhà hàng sushi hiện nay là hỗn hợp trộn giữa ít bột cải ngựa, bột mù tạt loại khác và phẩm màu xanh lá cây.

5. Cá

Theo tác giả Larry Olmsted, những thực phẩm hải sản như cá hồng và cá mũ ở Mỹ thường bị làm giả vì chúng khá đắt. Thêm vào đó tại một số nhà hàng ở Mỹ, một số món hải sản có chứa nhiều loại cá khác nhau chứ không phải một loại cá duy nhất như trên quảng cáo.

Ví dụ món cà hồng đắt đỏ ở Mỹ thường bị tráo bởi cá kình, một loài cá bị Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo hạn chế sử dụng, đặc biệt là các bà mẹ mang thai do chứa nhiều hàm lượng thủy ngân, một chất cực độc với cơ thể.

Dẫu vậy, nhiều nhà hàng vẫn đánh tráo cá kình thành cá hồng hay cá chim để tăng lợi nhuận.

Không riêng gì cá hồng, báo cáo năm 2015 của tổ chức phi lợi nhuận Oceana cho thấy 43% cá hồi tự nhiên bán ở các nhà hàng Chicago hay siêu thị thực chất là được nuôi.

Trong khi đó, cuộc khảo sát năm 2010 và 2012 của Oceana cho thấy 84% mẫu cá thu thử nghiệm tại các nhà hàng thực chất là là cá tuyết, một loại cá có khả năng gây rối loạn tiêu hóa nếu ăn nhiều.

6. Rượu vang Champagne

Người tiêu dùng có lẽ không biết, rượu Champagne (Sâm panh) chỉ được gọi là rượu vang Champagne khi được sản xuất ở vùng Champagne thuộc Pháp. Tuy nhiên điều này chẳng ngăn cản được các công ty giả mạo chúng. Ví dụ như rượu vang Champagne của hãng Andre được sản xuất tại California-Mỹ nhưng vẫn có tên gọi như vậy.

7. Thịt bò Kobe

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) quản lý rất chặt việc nhập khẩu thịt bò Kobe. Hiện chỉ có 10 công ty tại Mỹ được phép nhập khẩu loại thịt bò này (Xem danh sách tại đây). Vì vậy, khả năng khách hàng nhận được món bò Kobe chính hiệu không hề cao.

Tác giả Olmsted dẫn chứng trong khoảng 2001-2012, Mỹ cấm nhập khẩu thịt bò Kobe do lo ngại dịch lở mồm long móng. Tuy nhiên, loại thịt này vẫn được bày bán trong các nhà hàng với giá cả đắt đỏ, một điều hết sức phi lý.

Tại Việt Nam, danh sách cho thấy chỉ có công ty S Foods Inc là được nhập khẩu loại thịt bò này.

Hơn nữa, thịt bò Kobe chính hiệu phải được nuôi và làm thịt ở vùng Huogo-Nhật Bản theo những tiêu chuẩn vô cùng khắt khe. Tờ Bon Appetit cho biết mỗi năm Mỹ chỉ nhập khẩu lượng bò Kobe đủ cho 77 thực khách.

Do đó, thậm chí thịt bò Kobe người tiêu dùng Mỹ ăn chưa chắc đã là loại bò Waguy-Nhật Bản, giống bò cho ra thịt bò Kobe, chứ chưa nói gì đến thịt bò Kobe chính hiệu.

8. Nước ép trái cây

Người tiêu dùng nên chú ý khi mua những chai nước ép trái cây mà loại quả đó thuộc dạng đắt tiền. Trong nhiều trường hợp, nước trái cây đắt tiền sẽ được trộn với loại trái cây rẻ tiền hơn nhưng táo hay cam. Bởi nhà sản xuất có thể điều chỉnh được hương vị nên nếu chai nước trái cây không ghi rõ thành phần và tỷ lệ thì người tiêu dùng tốt nhất không nên mua.

9. Mật ong

Trên thực tế, việc định nghĩa thế nào là sản phẩm mật ong còn khá loạn tại Mỹ. Điều này tạo cơ hội cho một số công ty Mỹ trộn mật ong với siro ngọt nhằm hạ giá thành sản xuất.

10. Dầu ô liu

Mặc dù được quảng cáo là tinh khiết, nhưng nhiều chai dầu ô liu khi được kiểm tra tại Mỹ lại bị pha loãng với dầu đậu phộng hay đậu tương để giảm chi phí sản xuất. Vào năm 1981, khoảng 20.000 người ở Tây Ban Nha đã bị ngộ độc khi tiêu thụ dầu dán mác ô liu được làm từ dầu cải bị nhiễm độc Aniline.

Tác giả Olmsted thậm chí cho biết việc pha trộn giả mạo dầu ô liu nguyên chất đã có tiền lệ từ cách đây 70 năm trước tại Mỹ.

11. Phô mai cứng

Nhiều thương hiệu phô mai cứng ở Mỹ có chất lượng kém hơn nhiều so với những sản phẩm cùng loại ở Italy. Một nghiên cứu gần đây của FDA cho thấy một số hãng phô mai Mỹ sử dụng nguyên liệu rẻ tiền hoặc thậm chí trộn bột gỗ để hạ giá thành sản phẩm.

12. Gia vị khô

Hãy cẩn thận khi mua gia vị khô nghiền sẵn bởi một số xét nghiệm cho thấy chúng chưa cả cỏ dại hay một số thành phần là khác không như trong quảng cáo.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM