Bùng nổ bán bảo hiểm qua ngân hàng
Phân phối sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng đang phát triển và hầu hết các công ty bảo hiểm nhân thọ đều đẩy mạnh khai thác tiện ích này.
Công nghệ thông tin phát triển cộng với sự chuyên nghiệp của các ngân hàng mang đến sự tiện lợi trong việc đưa sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đến với người tiêu dùng. Vì vậy, ngân hàng đã trở thành một trong những kênh phân phối quan trọng trong phát triển của ngành bảo hiểm và việc liên kết với các ngân hàng để phân phối sản phẩm là một chiến lược được các DN hướng đến.
Tại các nước nước phát triển, việc phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng là kênh chủ lực, chiếm đến trên 70% doanh thu toàn ngành. Tại Việt Nam, doanh số bán hàng thông qua các ngân hàng chỉ chiếm khoảng 3% nhưng được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Đánh giá kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance) sẽ giúp DN đa dạng hóa việc kinh doanh bảo hiểm và cho phép công ty tiếp cận với nhiều khách hàng hơn, Công ty Manulife Việt Nam đã hợp tác với các ngân hàng ANZ, Techcombank, VP Bank và SCB để cung cấp các giải pháp tài chính. Trong đó, riêng với SCB, Manulife Việt Nam đã ký hợp tác độc quyền thời hạn 10 năm.
Ông Paul Nguyễn - TGĐ Manulife Việt Nam cho biết, một trong những chiến lược phát triển của Manulife tại châu Á là tối ưu hóa kênh bancassurance. Tại Việt Nam, mặc dù bancassurance là kênh phân phối phụ bên cạnh kênh phân phối đại lý, nhưng với Manulife Việt Nam thì đây chính là kênh phân phối quan trọng, đóng góp đáng kể về mặt doanh thu lẫn hiệu suất kinh doanh của công ty.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ với những đối tác hiện có, đồng thời mở rộng hợp tác với các ngân hàng mới có chung tầm nhìn nhằm mang đến cho khách hàng những giải pháp phù hợp. Sự tiếp cận chuyên nghiệp, quy trình bán hàng thân thiện và giải pháp tiên phong sẽ giúp chúng tôi củng cố hơn nữa vị thế cạnh tranh của mình trong mảng bancassurance", ông Paul Nguyễn khẳng định.
Theo nghiên cứu của Vietnam Report, khi mua bảo hiểm, đa số khách hàng lựa chọn công ty dựa trên năng lực tài chính mạnh, kinh doanh tốt như một phần đảm bảo cho khả năng thanh toán. Đối với sản phẩm bảo hiểm, khách hàng rất nhạy cảm với những nguồn thông tin xấu, do vậy, các công ty bảo hiểm cần xây dựng và quản trị tốt hình ảnh truyền thông, song song với việc tăng cường tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực phù hợp.
Cũng như Manulife Việt Nam, cuối năm 2015, Công ty Prudential Việt Nam và Ngân hàng Quốc tế (VIB) ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược, triển khai mô hình kinh doanh bancassurance trong thời hạn 15 năm. Theo đó, VIB sẽ độc quyền phân phối tất cả các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Prudential qua các kênh phân phối của VIB.
Trước đó, Prudential đã ký kết với nhiều ngân hàng khác như Maritime Bank, Eximbank, Agribank, Standard Chartered, Hong Leong Bank đưa sản phẩm đến khách hàng.
Tương tự, Công ty Dai-ichi Việt Nam đã ký kết với các ngân hàng Eximbank, Sacombank, ACB, OCB triển khai bancassurance. Vào tháng 7/2015, Công ty Dai-ichi Việt Nam đã ký hợp tác độc quyền với HDBank để phân phối các sản phẩm của DN.
Theo ông Trần Đình Quân - TGĐ Công ty Dai-ichi Việt Nam, sau một năm triển khai, doanh số khai thác mới của HDBank - Dai-ichi Life Việt Nam đã tăng trưởng trên 20 lần, đạt mốc trên 7 tỷ đồng/tháng vào tháng 7 qua.
Không bỏ lỡ cơ hội từ kênh này, Công ty Generali Việt Nam hợp tác với các ngân hàng ACB, BIDV, Sacombank, Techcombank triển khai dịch vụ thu hộ phí bảo hiểm. Trong khi đó, "Chubb Life tự tin đã có nền tảng vững chắc về cơ sở hạ tầng cũng như sản phẩm và đội ngũ để tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Đây chính là thời điểm tốt để chúng tôi đẩy mạnh phát triển và khai thác kênh phân phối bảo hiểm liên kết của Chubb Life, đặc biệt là mô hình hợp tác Bancassuarance", đại diện Chubb Life Việt Nam cho biết.
Dù mới gia nhập thị trường nhưng FWD Việt Nam cũng không bỏ lỡ cơ hội khai thác kênh phân phối tiềm năng này. Tại lễ ra mắt công ty vào giữa tháng 7, FWD Việt Nam đã ký kết hợp tác phân phối sản phẩm với ABBANK trong 15 năm để tư vấn bảo hiểm trực tiếp cho khách hàng.
Ông Huỳnh Thanh Phong - TGĐ Điều hành Tập đoàn FWD cho biết, thâm nhập thị trường Việt Nam là cột mốc quan trọng cho chiến lược tham vọng của FWD tại Đông Nam Á.
Việc mở rộng và vươn đến các thị trường chưa khai thác trong khu vực nhằm thực hiện mục tiêu và tầm nhìn lâu dài của FWD: trở thành công ty bảo hiểm hàng đầu tại châu Á và là một công ty có thể thay đổi suy nghĩ và cách nhìn của khách hàng về bảo hiểm.
"Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang trải qua quá trình thay đổi tích cực và tỷ lệ tham gia bảo hiểm tại Việt Nam còn thấp. Đây chính là yếu tố giúp chúng tôi nhìn thấy cơ hội to lớn cho DN bảo hiểm có nguồn gốc châu Á, đáp ứng nhu cầu bảo vệ của hàng triệu khách hàng Việt Nam", ông Phong nói.