Bảo hiểm nhân thọ: "So găng" giành thị phần
Tốc độ tăng trưởng khai thác lên đến 30 - 40%/năm và chỉ chưa đến 8% dân số trong hơn 90 triệu người mua bảo hiểm nhân thọ đã làm cho lĩnh vực kinh doanh này trở nên rất sôi động khi có đến 19 doanh nghiệp (DN) cùng hiện diện và cạnh tranh gay gắt.
Bảo hiểm nhân thọ được đánh giá là một trong những ngành có mức tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam hiện nay. Năm 2015, số hợp đồng khai thác tăng 24,2%, doanh thu phí tăng 40% so với cùng kỳ 2014. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí của toàn thị trường đạt xấp xỉ 37%.
Nhận thức về bảo hiểm của người dân Việt Nam đang thay đổi và nhu cầu cần được bảo vệ bằng bảo hiểm ngày càng cao.
Vẫn ở giai đoạn "khẩn hoang"
Hiện tại, bảo hiểm đang được xem là kênh thu hút vốn đầu tư dài hạn cho nền kinh tế, góp phần tái cơ cấu nợ công và ổn định kinh tế vĩ mô. Theo báo cáo của Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến hết năm 2015, tổng số vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của các DN bảo hiểm đạt trên 157.000 tỷ đồng.
Sáu tháng đầu năm 2016, số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các DN bảo hiểm ước đạt 171.171 tỷ đồng, trong đó, khối DN bảo hiểm nhân thọ chiếm đến 138.303 tỷ đồng.
Trên thế giới, không có nền kinh tế nào được gọi là nền kinh tế phát triển mà thiếu một thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và bảo hiểm nói chung. Việt Nam không là ngoại lệ. Thông qua việc phát hành các hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm, ngành bảo hiểm giúp huy động một lượng lớn nguồn vốn từ dân cư. Nguồn vốn này tái đầu tư vào nền kinh tế, đặc biệt là vào chương trình phát triển hạ tầng phục vụ cộng đồng.
Theo số liệu của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, đến cuối năm 2015, vị trí dẫn đầu bảo hiểm nhân thọ thuộc về Prudential Việt Nam với 29,9% thị phần, Bảo Việt Nhân thọ đứng thứ 2 với 25,7% thị phần, vị trí thứ 3 là Manulife Việt Nam với 12,1% thị phần, tiếp theo là là AIA Việt Nam (9,2%), Dai-ichi Việt Nam (9,1%), ACE Life Việt Nam (giờ là Chubb Life Việt Nam) (4,4%), PVI Sun Life (2,3%).
Tại Việt Nam, ngành bảo hiểm đóng góp chưa đến 2% GDP, trong khi đó tỷ lệ này ở Indonesia là trên 2,6%, Hàn Quốc, Singapore chiếm từ 11 - 14% GDP. Các DN đều tin rằng với nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm hoàn thiện khung pháp lý về kinh doanh bảo hiểm, quy mô thị trường sẽ tăng nhanh trong thời gian tới và đóng góp nhiều hơn nữa vào nền kinh tế.
Đại diện Công ty bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam cho rằng, kinh tế Việt Nam đang phát triển và đặc biệt là dân số trẻ nhưng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm còn thấp, chỉ khoảng 6 - 7% trong hơn 90 triệu người. Vì vậy, thị trường này rất tiềm năng và có nhiều cơ hội phát triển, ít nhất là trong 10 năm nữa.
Cùng nhận định này, bà Tina Nguyễn - TGĐ Công ty Generali Việt Nam nói: "Dân số Việt Nam lớn, tỷ lệ thâm nhập còn rất thấp, thị trường phát triển nhanh, những yếu tố đó sẽ giúp ngành bảo hiểm nhân thọ tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian tới".
Chính sức hấp dẫn của ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn bảo hiểm thế giới. Giữa tháng 7, Tập đoàn FWD đã gia nhập thị trường thông qua việc mua lại Công ty Reat Việt Nam. Đây là tập đoàn bảo hiểm có tốc độ phát triển rất nhanh ở châu Á khi có đến 1,1 triệu khách hàng, 2.000 nhân viên và trên 10.000 đại lý. Tính đến tháng 3/2016, tổng tài sản của FWD đã đạt 14,1 tỷ USD và Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 6 mà Tập đoàn muốn phát triển.
Trước đó, vào giữa tháng 3/2016, Tập đoàn ACE (đến từ Mỹ) cũng đã sở hữu 100% vốn tại Chubb và đổi tên ACE Life Việt Nam thành Chubb Life Việt Nam. Cùng với việc đổi tên công ty, lãnh đạo tập đoàn này tuyên bố sẽ kế thừa và phát huy sức mạnh của ACE và Chubb để trở thành một tập đoàn cung cấp dịch vụ đa dạng và có chi nhánh phù hợp với từng địa phương.
"Thi triển" dịch vụ
Trước thị trường tăng trưởng nhanh, các công ty bảo hiểm nhân thọ đều bày tỏ tham vọng chiếm lĩnh thị phần khiến cạnh tranh trở nên gay gắt hơn. Cả 19 DN bảo hiểm nhân thọ đều công bố thực hiện chiến lược mới nhằm tăng trưởng doanh thu.
Dịch vụ khách hàng đang là yếu tố được các công ty bảo hiểm nhân thọ coi trọng trong chiến lược cạnh tranh.
FWD Việt Nam đổi mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng đồng thời phát triển sản phẩm và kênh phân phối, tăng chất lượng dịch vụ.
Trong khi đó Chubb Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng tìm hiểu và tham gia bảo hiểm nhân thọ. Hiện tại, Chubb sở hữu 35 văn phòng kinh doanh tại 31 tỉnh, thành cùng đội ngũ trên 17.000 đại diện kinh doanh. Mục tiêu mà Chubb hướng đến năm 2020 là 50 văn phòng cùng 25.000 nhân viên tư vấn.
Dựa trên 3 tiêu chí chính là năng lực tài chính, uy tín truyền thông và mức độ hài lòng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm, cuối tháng 6/2016, Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đưa ra top 5 công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín nhất năm 2016: đứng đầu là Bảo Việt Nhân thọ, thứ 2 là Prudential Việt Nam, thứ 3 là Công ty Dai-ichi Life, kế tiếp là AIA Việt Nam và Chubb Life.
Từ đầu năm 2016, Manulife Việt Nam tập trung vào 5 trọng tâm: giải pháp, trải nghiệm khách hàng, xây dựng đội ngũ đại lý, tối ưu hóa kênh phân phối qua ngân hàng và phát triển ứng dụng kỹ thuật số.
Dù đang đứng đầu thị trường với trên dưới 30% thị phần nhưng trước "làn sóng" mở rộng kênh phân phối của DN bảo hiểm nhân thọ, Prudential Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc. Từ đầu năm đến nay, Prudential Việt Nam đã liên tục phát triển kênh phân phối và chỉ riêng trong tháng 6, công ty này đã khai trương 14 tổng đại lý với thương hiệu và chất lượng dịch vụ đồng nhất.
Ông Wilf Blackburn - TGĐ Công ty Prudential Việt Nam cho rằng, cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm ngày càng gay gắt hơn nhưng nhu cầu của người mua bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam cũng có nhiều thay đổi. "Vì vậy, chất lượng, tốc độ, sự giản tiện chính là những tiêu chí hàng đầu trong việc nâng cao dịch vụ khách hàng của Prudential", ông Wilf Blackburn nói.
Đánh giá về sự cạnh tranh của thị trường, ông Paul Nguyễn - TGĐ Công ty Manulife Việt Nam cho rằng, áp lực thị phần sẽ tác động mạnh hơn nữa lên mức độ cạnh tranh của ngành. Đây là tín hiệu tích cực, bởi nhờ sự cạnh tranh, mỗi công ty sẽ phải hoàn thiện hơn nữa trong sản phẩm và dịch vụ, đem lại cho khách hàng nhiều chọn lựa.
Lợi thế "người đến sau"
Tìm được chỗ đứng trong thị trường đã có những thương hiệu mạnh là điều không dễ nhưng theo bà Tina Nguyễn, đến sau cũng là một lợi thế. "Generali là một thương hiệu tương đối mới ở Việt Nam, nhưng làm người đến sau cũng có cái lợi mà nếu biết khai thác sẽ biến thành lợi thế cạnh tranh hiệu quả. Với tiêu chí hoạt động đơn giản hơn, hiệu quả hơn, lấy khách hàng làm trọng tâm, Generali sẽ tạo ra những nét riêng", bà Tina Nguyễn tin tưởng.
Lợi thế mà bà Tina Nguyễn nói đến đó là xây dựng đội ngũ đại lý chuyên nghiệp để khai thác khách hàng phân khúc thu nhập vừa và cao. Generali đang tung ra những sản phẩm với quyền lợi cao cho khách hàng, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ qua việc sử dụng công nghệ tiên tiến.
Công ty này cũng có kế hoạch mở rộng mạng lưới hoạt động qua mô hình văn phòng tổng đại lý. "Hiện tại, chúng tôi đã lọt vào top 6 thương hiệu đứng đầu thị trường và đặt mục tiêu đến năm 2018 sẽ lọt vào top 5 và 2 năm sau đó sẽ vào top 3", bà Tina Nguyễn đưa ra mục tiêu phát triển cho công ty.
Tương tự, sau khi sở hữu Great Eastern Việt Nam, FWD Việt Nam xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin với mong muốn mang đến cho khách hàng những công cụ giao dịch và trải nghiệm mới.
"Với một công ty mới tiếp cận thị trường, chúng tôi đã và đang nỗ lực đưa ra cách làm mới, cách tiếp cận mới để tạo lòng tin với khách hàng về bảo hiểm nhân thọ. Khi khách hàng tiếp cận với sản phẩm cảm thấy hài lòng, họ sẽ đồng hành và xem bảo hiểm như một sự bảo vệ tài chính quan trọng", đại diện FWD Việt Nam cho biết.
Trong cuộc đua giành thị phần dường như không có chỗ cho các DN trong nước. Bởi theo đánh giá của Vietnam Report, trong top 5 công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín, có đến 4 công ty bảo hiểm nước ngoài, chỉ có mỗi Bảo Việt Nhân thọ là DN trong nước nhưng công ty này cũng có cổ đông chiến lược là Sumitomo Life (Nhật Bản).
Có thể thấy, trên "sân chơi" bảo hiểm nhân thọ, nắm vai trò chủ chốt hầu hết là các DN ngoại có kinh nghiệm, có đội ngũ chuyên gia cao cấp và có khả năng thiết kế các gói sản phẩm hợp lý vốn đòi hỏi chi phí rất lớn. Thêm vào đó, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thường có thời hạn hợp đồng dài, đối tượng khách hàng khác nhau, hợp đồng khác nhau nên các DN Việt rất khó để cạnh tranh với DN ngoại.