Bộ Công an: Nhiều website thương mại điện tử được lập ra để lừa đảo
Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục Trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm và công nghệ cao, Bộ Công an cho biết hiện có tình trạng nhiều website thương mại điện tử được lập để buôn bán thậm chí, làm giả website nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Bàn về thực trạng của an ninh, an toàn mạng tại Việt Nam tại Hội thảo Quốc gia về An ninh Bảo mật 2017 (Security World 2017), Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục Trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm và công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: "Hiện nay, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm an ninh, an toàn mạng Internet đang có nhiều diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn".
Đối tượng phạm tội trong nước cấu kết với tội phạm nước ngoài tạo thành các đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và xâm phạm hầu hết các lĩnh vực trong xã hội.
Theo Đại tá Anh Tuấn, trong lĩnh vực an ninh, an toàn mạng hiện nay có tình trạng hệ thống cơ sở dữ liệu quan trọng bị tấn công lấy cắp diễn ra phức tạp. Năm 2016, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao đã làm rõ nhiều vụ việc, phát hiện nhiều đối tượng tấn công chiếm quyền điều khiển máy tính, đánh cắp nhiều dữ liệu quan trọng của các doanh nghiệp, cơ quan viễn thông, điện lực, ngân hàng, báo điện tử trong và ngoài nước.
Phức tạp hơn là trong lĩnh vực thương mại điện tử, tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet đang diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, nổi lên là tình trạng người nước ngoài cấu kết với đối tượng trong nước gọi điện, giả danh công an, viện kiểm soát, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phục vụ công tác điều tra, sau đó chúng sẽ thực hiện hành vi lừa đảo.
Cũng theo đại diện của Bộ Công an, khi thương mại điện tử đang nở rộ như hiện nay, nhiều đối tượng còn thiết kế các website thương mại điện tử để kinh doanh, buôn bán. Thậm chí các đối tượng còn làm giả website, giả mạo thông tin khuyến mại dưới nhiều hình thức của nhà mạng viễn thông để dụ dỗ, lôi kéo người sử dụng nạp thẻ nhằm chiếm đoạt tài sản.
Tội phạm còn tạo ra các diễn dàn thu hút người tham gia rồi phát tán các nội dung lừa đảo, nhắn tin thông báo trúng thưởng sau đó yêu cầu lệ phí nhận thưởng hoặc chiếm quyền sử dụng cá tài khoản trên mạng xã hội Facebook. Tạo lập tài khoản có giao diện giống tài khoản người thân của người bị hại để lừa đảo chiếm đoạt.
Tội phạm còn sử dụng mạng Internet để đăng tin cho thuê nhà đất ảo, yêu cầu đặt cọc tiền hay giả mạng người nước ngoài để kết bạn, gửi quà sau đó giả làm nhân viên hải quan yêu cầu nôp phí; lập tài khoản email giống hệt email đối tác kinh doanh đề nghị chuyển tiền theo hợp đồng kinh doanh nhưng thay đổi tài khoản thụ hưởng và chiếm đoạt.
Cũng trong phiên khai mạc hội thảo sáng nay,4/4, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ được dự báo sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tự động hoá các quy trình kinh doanh, tăng cường khả năng kết nối qua các thiết bị di động và tiếp cận với cơ sở dữ liệu lớn, đồng thời những tính năng xử lý thông tin sẽ được nhân lên bởi những đột phá công nghệ trên nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích và cơ hội, cuộc cách mạng này cũng đang đặt ra cho Việt Nam những hiểm họa khôn lường về an ninh mạng, an ninh thông tin, đặc biệt trong bối cảnh mà các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Thứ trưởng nhấn mạnh, thời gian qua tội phạm sử dụng công nghệ cao tấn công vào ngân hàng, viễn thông, giao thông… ngày càng trở nên nghiêm trọng; đặt vấn đề phòng chống tấn công mạng, chống khủng bố mạng… trở thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh cấp thiết của mọi quốc gia. Đồng thời, thực tế đòi hỏi mọi người dân, tổ chức... cần nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, tìm kiếm các giải pháp an ninh mạng hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng an ninh mạng, các tập đoàn, quốc gia nước ngoài... để xử lý các nguy cơ, sự cố.