Bán tống bán tháo toàn bộ tài sản của gia đình, tôi mới nhận ra: Tiền bạc không giúp tôi trở thành một người giàu có, mà chỉ thành một bệnh nhân đáng thương!
Nếu bạn cho rằng đồng tiền có thể làm bạn trở nên giàu có, bạn sai rồi!
Thành công của một người phụ thuộc vào nội dung bản kế hoạch những điều cần làm của họ trong một năm. Hôm qua, khi phỏng vấn một vị tỉ phú, tôi đã có cơ may được tham khảo bản kế hoạch của ông. Bản kế hoạch ấy, trái với kì vọng của tôi là một tập giấy kín đặc chữ, rút cuộc chỉ là một tờ giấy A4, trên đó ghi một dòng chữ được in đậm: Công việc nhiều hay ít chưa cần quan tâm, trước tiên phải chú trọng giữ sức khoẻ.
Theo đuổi mục tiêu này, dù công việc bộn bề với nhiều chuyện phiền não, ông vẫn "kỉ luật thép" bản thân với những điều sau: Không bỏ bữa sáng, không thức đêm, không nghĩ gì khi ngủ, tập thể dục ít nhất 20 phút mỗi ngày.
Nếu bạn đang đọc bài viết này, tôi hi vọng bạn cũng coi trọng sức khoẻ như vị tỉ phú này và rèn luyện cho mình những thói quen tốt.
(01)
Tôi chìm đắm trong nỗi buồn khi nhận được tin lớp trưởng lớp tôi đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Bạch Mai. Một căn bệnh quái ác đã dai dẳng bám đuổi cậu và hút kiệt sức sống trước khi quyết định chấm dứt cuộc đời của cậu.
Khi nằm trên giường bệnh, chúng ta mới ý thức được hết định nghĩa của khái niệm "đốt tiền". Hệ thống theo dõi hô hấp, máy thở, thuốc thang, nhân viên chăm sóc,…đã khiến cho mỗi giây nằm trên bệnh viện trở nên thực sự giá trị. Đồng tiền nối đuôi nhau chạy đi mất nhằm mục đích giúp chủ nhân họ duy trì sự sống của mình. Sẽ là không quá khi nói rằng, số tiền bạn chuẩn bị được là yếu tố trực tiếp quyết định thời gian bạn chiến đấu với bệnh tật.
Gia đình cố gắng hết sức để kéo cậu trở về với sự sống. Bán nhà bán cửa, những vật dụng giá trị trong nhà, vay mượn khắp nơi, ngày đêm lầm rầm cầu nguyện để bệnh tật buông tha cho cậu.
Nhưng bất chấp những nỗ lực đó, đôi mắt cậu vẫn vĩnh viễn khép lại. Sau 51 ngày nhẫn nại, Thần chết đã dứt khoát mang cậu đến một thế giới khác.
Tiền mất, có thể kiếm lại. Nhưng sức khoẻ mất, đồng tiền bạn kiếm được giá trị đến đâu, cũng không thể mang bạn trở về những ngày vui.
Với sự phát triển của xã hội, đồng tiền có thể giúp bạn duy trì sự sống, nhưng không thể đưa bạn trở lại làm bạn khoẻ khoắn của ngày hôm qua.
Với sự kì vọng của xã hội, người người cạnh tranh nhau để được quyền cao chức trọng, nhà cao cửa rộng. Họ cật lực làm việc để nhiều người biết đến tên họ, để xây dựng cơ ngơi đồ sộ của riêng họ.
Họ không hề nghĩ đến sức khoẻ. Nếu cảm thấy đuối sức, họ không nghĩ đến việc nghỉ ngơi mà lập tức dùng những viên thuốc để vắt kiệt nốt những gì còn lại trong họ. Họ đánh đổi thứ giá trị nhất cuộc đời mình để thu về những tài sản mà sau này sẽ được bán tống bán tháo nhằm giúp họ kéo dài sự sống mỏng manh của mình.
(02)
"Ông biết không, bây giờ tôi chẳng cần gì cả. Tôi chỉ muốn được khoẻ lại thôi."
Đây là những lời chia sẻ cuối cùng của bạn tôi. Sống một đời, khi hơi thở trở nên ngày một khó nhọc, tiền tài danh vọng đâu còn quan trọng nữa. Nếu có thể đổi được tất cả những điều đó để khoẻ mạnh trở lại, tôi tin bạn tôi sẽ chẳng chần chừ mà gật đầu ngay. Chỉ tiếc là, một giao kèo như vậy đã và sẽ không bao giờ xảy ra.
Bạn có biết cơ thể mình giá trị như thế nào không? Năm 2011, một cậu bé Trung Quốc 17 tuổi đã bán được thận của mình với giá 20.000 nhân dân tệ (Khoảng 67 triệu Việt Nam đồng). Quả tim của bạn được chào giá trên thị trường chợ đen với giá 2 tỷ 7. Phổi của bạn có giá 6 tỷ 3. Một gram tuỷ xương bạn có giá 536 triệu. Bạn thấy không, bạn chỉ cần bán một bộ phận bất kỳ trên cơ thể mình, bạn đã có thể dễ dàng trở thành triệu phú.
Cơ thể của bạn giá trị như vậy, tại sao bạn sẵn sàng hành hạ bản thân chỉ để kiếm thêm vài đồng?
Để phục vụ công việc, nhiều người sẵn sàng bỏ bữa, ăn qua loa những thức ăn bày bán dọc đường. Để không bị trễ deadline, nhiều người sẵn sàng "chinh chiến" với các dự án xuyên màn đêm, để rồi ngủ bù vào sáng hôm sau và bỏ qua buổi tập thể dục.
Không thiếu những câu chuyện về những người làm việc mẫn cán, cần cù với cái kết là qua đời trên bàn làm việc.
Nếu không tin, bạn có thể tự mình chứng thực thông tin trên các trang mạng xã hội. Đó đa phần là những người với mức lương cao ngất ngưởng, "được" phụ trách nhiều công việc khác nhau.
Tiền nhiều để làm gì, nếu không thể cân đối được với thời gian luyện rèn sức khoẻ?
(03)
Công ty tôi vừa có buổi kiểm tra sức khoẻ nhân viên định kỳ.
Khi kết quả được trả, khá nhiều người bất ngờ khi thấy trong số những người bị bệnh, có những người còn rất trẻ và trông cực kỳ khoẻ mạnh.
Vẻ bề ngoài không thể hiện được sức khoẻ bạn có bên trong.
Theo WHO, sức khoẻ của một người phụ thuộc đến 60% vào thói quen sinh hoạt của người đó. Thế nên, hãy duy trì một thói quen sinh hoạt khoa học, thay vì đảo lộn nhịp sinh hoạt của mình để gắng theo đuổi ước mơ.
Bạn có thể nghe nhiều lời tuyên truyền "Sức khoẻ là số 1" đến mức thờ ơ với nó theo kiểu "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi." Nhưng xin bạn nhớ cho: "Thời điểm sức khoẻ xa lìa bạn, bạn sẽ thấy mọi điều trên đời này nếu không có sức khoẻ đều là không đáng."
Bạn biết "Sức khoẻ là số một", nhưng bạn không quan tâm giữ nó, vậy chẳng phải bạn quá tàn nhẫn với bản thân mình hay sao?
Người lớn tuổi luôn ý thức và chú ý đến việc giữ gìn sức khoẻ, nhưng người trẻ thì không. Họ không biết rằng, sức khoẻ có mối liên hệ chặt chẽ với tuổi tác của họ.
Bạn có thể dễ dàng nhận ra trong những người bạn của mình, luôn có những người trông trẻ hơn so với tuổi thật rất nhiều, và ngược lại.
Nói một cách bỗ bã, bạn muốn mình trông trẻ hay trông già, tất cả phụ thuộc vào hành động của bạn.
Một nếp sinh hoạt điều độ: Tập thể dục mỗi ngày, không tập gắng sức, không bỏ bữa, ngủ đủ giấc,…sẽ khiến cơ thể bạn trở nên căng tràn sức sống.
Hãy làm chủ sức khoẻ của mình, khi đó đồng tiền mới có thể làm việc và phụng sự cho bạn.