5 điều 'tối kị' không được nói với sếp: Đừng để ‘vạ miệng’ cản trở sự nghiệp của bạn!

21/03/2021 10:32 AM | Kinh doanh

"Tôi cần tăng lương" hay "Đó không phải lỗi của tôi" là hai trong số những điều "tối kị" mà bạn không nên nói với cấp trên.

Một số người sếp có thể khuyến khích nhân viên nói sự thật nhưng ngay cả khi như vậy, bạn vẫn nên biết giới hạn những điều nên và không nên nói bởi không phải lúc nào lời nói thật của bạn cũng được đón nhận theo cách mà bạn muốn.

Dưới đây là một số điều không nên nói với cấp trên của bạn:

"Tôi cần tăng lương"

5 điều tối kị không được nói với sếp: Đừng để ‘vạ miệng’ cản trở sự nghiệp của bạn! - Ảnh 1.

Hãy xin tăng lương khi bạn cảm thấy mình xứng đáng chứ không phải vì mục đích cá nhân.

Nếu một ngày "đẹp trời", bạn tự dưng đi vào phòng sếp và xin tăng lương vì một lý do nào đó chứ không phải đã đến thời hạn xét tăng lương theo hợp đồng. Các nhà quản lý thường rất không ưa lý do đại loại như "Tôi cần tăng lương để lo cho gia đình".

Có một thực tế là sếp bạn không đại diện cho một tổ chức từ thiện mà đại diện cho một doanh nghiệp có mục tiêu là giảm thiểu chi phí, bao gồm cả tiền lương của bạn. Chính vì thế, đừng bao giờ đem những lý do cá nhân ra để biện minh cho lý do cần tăng lương của mình.

Thay vào đó, vào thời điểm thích hợp, hãy đưa ra lý do tại sao bạn xứng đáng được tăng lương một cách thuyết phục. Bạn có thể lấy ví dụ về thành tích cá nhân hay kết quả tốt gần nhất mà bạn đạt được để cấp trên xem xét.

"Ở công ty cũ, chúng tôi không làm như vậy"

Bạn có thể cho rằng câu nói "Chúng tôi luôn làm theo cách này" thể hiện sự tuân thủ truyền thống hoặc cách mọi thứ hoạt động để tạo nên công ty, nhưng phần lớn nó chỉ được coi như biểu hiện của việc thiếu khả năng thích ứng.

Mọi thứ đã thay đổi. Làm điều gì đó theo cách bạn vẫn làm ở những công ty trước thường không được đánh giá cao. Hơn nữa, chẳng ai, đặc biệt là sếp quan tâm đến nơi làm cũ của bạn trừ khi bạn làm việc cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp của công ty hiện tại. Việc so sánh với công ty cũ cũng không được chào đón ở nhiều nơi vì nó mang lại cảm giác nơi cũ tốt hơn chỗ hiện tại. Có thể bạn không có ý gì khi nói câu đó nhưng không ít người sẽ hiểu như vậy.

"Đó không phải lỗi của tôi"

Đôi khi đó không phải là lỗi của bạn nhưng việc nói như vậy khiến bạn giống như một kẻ tìm cách trốn tránh trách nhiệm nhanh chóng. Thay vào đó, hãy đưa ra các giải pháp để khắc phục vấn đề. Nếu bạn thực sự đã làm sai, hãy thừa nhận nó 100% và rút kinh nghiệm. Các nhà lãnh đạo giỏi đánh giá cao những người chịu hoàn toàn trách nhiệm.

5 điều tối kị không được nói với sếp: Đừng để ‘vạ miệng’ cản trở sự nghiệp của bạn! - Ảnh 2.

Bạn nên thận trọng lời nói tại nơi làm việc, đặc biệt là với sếp.

"Điều đó là bất khả thi"

Ngay cả khi bạn nghĩ điều đó là thật, tốt hơn hết đừng thốt ra câu nói này trước mặt sếp. Nó chỉ cho thấy bạn thiếu khả năng giải quyết vấn đề trong công việc. Thay vào đó, bạn có thể thể hiện ý này theo cách khác. Ví dụ như nói rằng "Đây sẽ là một thử thách khá lớn" hay "Nghe có vẻ không dễ nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để biến nó thành có thể".

Nhà sáng lập hãng ô tô Ford từng nói: "Dù bạn nghĩ mình có thể hay không thể làm một điều gì đó thì bạn đều đúng". Vậy tại sao bạn lại bắt đầu bằng một tuyên bố đầy tính nhụt chí như vậy?

"Điều đó không công bằng"

"Cuộc đời không công bằng" – đó là câu nói cửa miệng của một người vừa ra trường hay có suy nghĩ chưa trưởng thành.

Khi nói câu "Điều đó không công bằng", bạn cho thấy mình là người thiếu chín chắn và kinh nghiệm đồng thời tạo cho cấp trên cảm giác rằng bạn sẽ không gắn bó lâu với nơi làm việc hiện tại.

Tạm kết

Hầu hết những câu nói trên đều khó khiến bạn bị sa thải ngay lập tức nhưng chúng có thể là vật cản trên con đường sự nghiệp của bạn. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên hạn chế những phát ngôn kiểu này để tránh rắc rối không đáng có.

Nguồn: Inc

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM