Xem phim 'Sex Education', tôi thấy bạn thân khó nức nở vì 1 CÂU NÓI - Mọi vấn đề sẽ được hoá giải nếu chúng ta biết 'xin lỗi'!
Cả tôi và cô bạn thân đều nhận ra nhiều điều quý giá về tình cảm gia đình.
Cùng xem "Sex Education", người bạn "nữ cường" của tôi bỗng bật khóc nức nở vì đồng cảm trước một câu thoại đắt giá
Tôi có một người bạn thân tên là Nhi. Cô ấy đang là Giám đốc marketing của một tập đoàn lớn. Trong công việc, Nhi đặc biệt xuất sắc. Cô từng đạt được nhiều thành tích khiến người khác ngưỡng mộ. Nhi từng kể với tôi về chuyện bị đồng nghiệp nói xấu sau lưng vì cô ấy quá nổi bật nhưng Nhi không quan tâm. Nhi luôn giữ vững phong độ và tỏ ra mạnh mẽ.
Tuy nhiên, để đạt được vị trí như bây giờ, Nhi đã phải đánh đổi rất nhiều. Nhi gần như không có thời gian cho bản thân và gia đình. Hiện tại, Nhi 37 tuổi nhưng vẫn chưa kết hôn. Ngày nào cô cũng đến văn phòng từ sáng sớm và chỉ về nhà khi trời đã tối khuya.
Gần đây, Nhi có tâm sự với tôi rằng bản thân vừa cãi nhau với bố mẹ. Bố mẹ Nhi trách cô ấy không quan tâm đến gia đình, đã lớn tuổi nhưng chưa chịu lấy chồng, còn kén chọn. Nghe những lời trách móc ấy, Nhi cảm thấy tổn thương, cho rằng bố mẹ không hiểu mình.
Tôi vẫn nhớ rõ lời cô ấy nói trong ấm ức: " Tớ cố gắng làm việc đến nỗi quên cả ăn uống, nghỉ ngơi chỉ mong bản thân có chút thành tựu, muốn hỗ trợ bố mẹ mai sau khi già yếu, chứ không thể trông đợi vào em trai nữa rồi".
Nuông chiều quá mức khiến con cái đổ đốn
Tôi và Nhi là hàng xóm từ nhỏ. Gia đình Nhi theo kiểu truyền thống, bố mẹ cô có tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Hồi nhỏ, mỗi khi đến nhà Nhi chơi, tôi thường thấy cô đang dọn dẹp nhà cửa, phụ mẹ làm hàng bán. Trong khi đó, em trai Nhi chỉ ngồi xem TV. Nhi kể nhiều khi cô còn tủi thân các chuyện khác như em cô được thưởng khi điểm cao, trong khi cô thì không. Hay mỗi khi 2 chị em cãi vã, dù chưa cần biết ai đúng ai sai, mẹ Nhi luôn bắt cô phải nhường nhịn em, vì cô là chị cả, Nhi thấy vô lý và rất ấm ức.
Do được bố mẹ chiều chuộng, bênh vực nên em trai của Nhi khá hiếu thắng, không tôn trọng Nhi. Cậu bé ham chơi, lười học nên kết quả thường đứng đội sổ. Nhưng bố mẹ Nhi không hề lo lắng, chỉ cáu giận mỗi khi đi họp phụ huynh, mắng nhiếc vài ba câu rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy. Có thể do gia đình Nhi cũng có "của ăn, của để" nên bố mẹ cô ấy chỉ cần con trai làm công việc vừa sức, không quá cầu tiến.
Em trai Nhi lêu lổng chơi bời, học hết lớp 9 liền bỏ học rồi đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Nhưng chỉ được hơn 1 năm, cậu đòi về vì không chịu được cảnh lao động tay chân nặng nhọc. "Bố mẹ tớ đã mất mấy trăm triệu để lo cho em trai sang đó, giờ coi như mất trắng", Nhi từng tâm sự với tôi.
Trở về quê, em trai Nhi đi làm công nhân ở khu công nghiệp gần nhà nhưng chẳng nơi nào gắn bó quá 3 tháng. Khi thì cậu chê lương thấp, lúc thì cãi nhau với sếp, với đồng nghiệp, khi lại chê công việc tay chân hèn kém,... Cứ như vậy rồi cuối cùng cậu nghỉ hẳn ở nhà, sáng ngủ tới trưa mới dậy, rồi ăn cơm mẹ nấu xong chiều đi câu cá, chơi game, đá bóng,... Bố mẹ Nhi buồn phiền, khuyên hết lời nhưng con không nghe. Cô cũng thủ thỉ tâm sự với em trai, thậm chí cả đe nạt nhưng em vẫn không thay đổi.
Trái ngược với em trai, Nhi lại tự lập, thông minh, giỏi giang do phải đỡ đần mẹ bán hàng ăn từ sớm. Nhi từng tâm sự bản thân luôn muốn được bố mẹ công nhận nên đã nỗ lực học tập. Từ hồi còn đi học, cô luôn là học sinh xuất sắc, được thầy yêu bạn mến. Khi đi học ĐH, Nhi cũng là sinh viên ưu tú, thậm chí cô còn giành được học bổng ngắn hạn ở Singapore trong 2 năm. Sau khi về nước, Nhi có công việc tốt, thu nhập cao nhưng cũng khá áp lực. Mới năm ngoái, cô đã mua được căn hộ chung cư đầu tiên cho mình sau nhiều năm cố gắng.
Món quà bất ngờ
Nhi hay kể chuyện gia đình với tôi, dù chúng tôi trưởng thành, mỗi người đều có công việc riêng, cuộc sống riêng. Còn tôi dù bận chuyện chồng con nhưng vẫn luôn lắng nghe giãi bày của cô bạn thân. Nhi kể, cô luôn thấy lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Dù làm việc cách quê nhà không xa nhưng 2-3 tháng, cô mới về một lần. Cô cũng không có thói quen gọi điện đều đặn cho bố mẹ. Những ký ức về tuổi thơ khiến cô bị ám ảnh, Nhi luôn thấy mình bị bố mẹ đối xử bất công.
Bố mẹ Nhi cũng thay đổi nhiều. Họ hiểu ra phương pháp giáo dục sai cách đã đẩy con trai vào tình trạng khốn cùng. Họ bất lực vì con, cũng là bất lực về chính bản thân. Họ cũng dằn vặt khi thấy con gái hờ hững, ít quan tâm tới bố mẹ.
Mẹ của Nhi thỉnh thoảng gọi điện cho tôi, dò hỏi Nhi có khoẻ không, công việc có nhiều không hay đã có bạn trai chưa,... Tôi hiểu nỗi lòng người mẹ, tôi hiểu bà quan tâm, muốn chia sẻ với con nhưng giữa họ vẫn có bức tường vô hình. Khi tôi kể chuyện này với Nhi, cô ấy lại gạt đi: "Bố mẹ tớ chắc đang muốn biết tớ có bao nhiêu tiền, có thể trả nợ hộ em trai khoản vay để đầu tư tiền ảo đó. Cậu đừng quan tâm".
Một ngày cuối tuần rảnh rỗi, tôi và Nhi quyết định xem phim tại nhà cô ấy. Trong lúc tìm kiếm, chúng tôi thấy bộ phim "Sex Education" làm chúng tôi tò mò và bấm vào xem. Ban đầu, chúng tôi chỉ định xem vài tập. Nhưng càng xem, chúng tôi phải trầm trồ vì bộ phim mang nhiều thông điệp ý nghĩa.
Trong một phân cảnh nhân vật Jean Milburn nói chuyện với con trai mình là Otis. Bà ấy đã có một câu thoại đắt giá: " Lời xin lỗi không chỉ là phép xã giao, đây là nghi lễ quan trọng của con người giúp gắn kết các mối quan hệ và giúp mọi người tiến về phía trước ". Tôi đặc biệt thích câu nói ấy, định quay sang bình luận với Nhi. Nhưng khi nhìn sang, tôi thấy Nhi xúc động nghẹn ngào, rơi nước mắt. Đó là lần đầu tiên tôi thấy Nhi xúc động đến vậy.
Nhi nói cô ấy nói cô ấy đã quá vô tâm, chưa từng nghĩ đến cảm xúc của bố mẹ. Cô ấy nhận ra sự cố chấp của bản thân, bày tỏ mình đã quá vô tâm với bố mẹ. Có lẽ, Nhi dần nhận ra tình cảm bố mẹ vẫn luôn dành cho mình, hối hận về thái độ không tốt trước đây. Sau đó, Nhi chủ động hòa giải, quan tâm hơn đến bố mẹ.
Tôi ngồi bên cạnh mà lòng nhẹ nhõm, cảm thấy vui thay cho cô ấy. Đây là lần đầu tiên tôi thấy cô ấy xin lỗi bố mẹ. Tôi thấy câu nói trong phim thật đúng. Một lời xin lỗi có thể thay đổi mọi thứ và nối lại những điều tưởng như đã đứt gãy.
Nhi còn kể thêm, mới đây mẹ cô đã trao cho cô gần 3 cây vàng. Hoá ra, từ khi Nhi còn nhỏ, mỗi năm bố mẹ đã cố gắng dành dụm mua vàng để đợi sau này làm của hồi môn khi Nhi đi lấy chồng. Mẹ cô cũng đã xin lỗi cô vì đôi khi sự nghiêm khắc khiến con gái hiểu lầm. Bố mẹ Nhi thương 2 chị em như nhau nhưng vì nghĩ Nhi là chị gái nên cần đỡ đần gia đình, biết "nữ công gia chánh",...