Xây 3 km đường, đổi được gần 70 ha đất: Đây mới là lý do ‘ông trùm’ Tasco bớt mặn mà với BOT!

09/06/2016 08:55 AM | Kinh doanh

Tasco đang giảm dần tỷ trọng đầu tư BOT và tập trung sang hình thức đầu tư khác. Vẫn là đầu tư hạ tầng, nhưng hình thức này đang giúp Tasco sở hữu một quỹ đất khá lớn.

"Cứ nói nhà đầu tư BOT như tội đồ, chúng tôi ái ngại và không có hưng phấn đầu tư nữa" – Chủ tịch HĐQT CTCP Tasco Phạm Quang Dũng – cho biết.

[Xem thêm: Than vãn ‘lấy công làm lãi’, nhưng ông trùm BOT Tasco vừa bỏ túi lợi nhuận cao gấp 14 lần năm ngoái]

Quả thực, BOT không còn là lĩnh vực tập trung của Tasco. Tasco đang tập trung vào mảng khác với lợi nhuận tốt hơn rất nhiều.

Cũng nhờ mảng này mà kết quả kinh doanh Quý 1/2016, lợi nhuận sau thuế của Tasco tăng gấp 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 84,8 tỷ đồng. Đóng góp phần lớn vào lợi nhuận này là việc hạch toán bán nhà dự án khu nhà ở sinh thái Xuân Phương với diện tích toàn dự án lên tới 38 ha.

Ở đâu mà Tasco có quỹ đất dự án lớn đến vậy?

Xây 3 km đường, đổi gần 70 ha đất

Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán MB (MBS), để hoàn vốn cho dự án BT Lê Đức Thọ - dự án BT đầu tiên của TP Hà Nội, UBND thành phố đã giao cho Tasco 3 khu đất, gồm:

- 38ha đất tại Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) mà Tasco đang triển khai dự án khu nhà ở sinh thái Xuân Phương

- 3.000m2 tại 48 Trần Duy Hưng

- 30 ha đất tại dự án Đơn vị số 1, cũng nằm tại Xuân Phương

Như vậy, Tasco đã sở hữu quỹ đất lên tới gần 70 ha đất nhờ 1 dự án BT.


Phối cảnh dự án nhà ở sinh thái Xuân Phương. Ảnh: Tasco.

Phối cảnh dự án nhà ở sinh thái Xuân Phương. Ảnh: Tasco.

Quay lại dự án BT được đổi tới 3 khu đất của Tasco, dự án này đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến đường 70, với tổng mức đồng tư là 1.543,6 tỷ đồng tỷ đồng với chiều dài 3,5 km; quy mô 8 làn xe; trên tuyến có 2 cầu: cầu vượt sông Nhuệ dài 71m và cầu vượt đường sắt dài 365m.

Dự án này đã bị thanh tra và theo công bố trên báo giới vào đầu năm 2012, chủ đầu tư Tasco đã vi phạm nghiêm trọng trong tính toán áp dụng định mức, đơn giá, tỷ lệ chi phí, khối lượng của nhiều hạng mục, tính vào giá trị công trình các khoản chi phí vô lý… khiến tổng mức đầu tư của dự án bị đội lên 437 tỷ đồng.

“Trâu chậm” uống nước trong?

Các dự án BOT như BOT Quảng Bình, BOT 10, BOT 39, BOT 21, BOT quốc lộ 10 Hải Phòng,… tiếp tục đem lại nguồn lợi nhuận ổn định cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Tasco dự định sẽ giảm dần tỷ trọng đầu tư theo hình thức này và tập trung đầu tư các dự án theo hình thức PPP và BT, lấy các khu đô thị để kinh doanh hoàn vốn cho dự án.

Chậm chân trong lĩnh vực bất động sản, nhưng việc sở hữu quỹ đất lớn là lợi thế dài hạn cho Tasco khi phần lớn các chủ đầu tư bất động sản hiện tại đang khá khó khăn trong việc mở rộng quỹ đất, một báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương (CTS) đưa ra nhận định.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào năm ngoái, Tasco cho biết quận Nam Từ Liêm đang tạo áp lực yêu cầu Tasco đặt mục tiêu hoàn thành dự án BT Lê Đức Thọ trước Tết Âm lịch. Đổi lại, Tasco sẽ đàm phán để ra điều kiện giao thêm khu đất. Ngoài các dự án bất động sản đã được giao trước đó, Tasco sẽ tìm kiếm thêm một vài khu đất nữa trên tuyến đường này.

Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có thông tin thông xe tuyến đường này. Trong khi đó, dự án nhà ở nhờ “đổi hạ tầng” của Tasco đã được khởi công từ năm 2009.

Dự án Xuân Phương có tỷ lệ bán hàng tính tới thời điểm hiện tại đạt gần 80%, được CTS đánh giá là dự án chủ đạo, đóng góp chính và đem lại lợi nhuận đột biến cho Tasco trong năm 2016.

Trong cấu phần doanh thu Quý 1, doanh thu từ kinh doanh bất động sản chiếm tới 68% tổng doanh thu của Tasco.

BOT là một dạng đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao. Đây là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định bằng các trạm thu phí.

Hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho nước sở tại.

BT là một dạng đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức xây dựng – chuyển giao. Khi thi công một dự án hạ tầng, nhà đầu tư được giao đất để thực hiện dự án khác, và nộp vào ngân sách số tiền chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất của dự án và tổng vốn đầu tư xây dựng công trình BT.

Các dự án BT hầu như nhằm vào mảng làm cầu, đường, hạ tầng để đổi lấy đất xây đô thị và nhà ở vì đây là lĩnh vực tạo lợi nhuận cao. Theo thông tin từ Kiểm toán Nhà nước, một số chủ đầu tư thường khai “dôi dư” tổng mức đầu tư dự án để đổi lấy nhiều đất hơn.

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM