​Cần 50 tỷ USD cho hạ tầng giao thông

24/01/2016 21:35 PM |

Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết ​cần 50 tỷ USD cho hạ tầng giao thông...

Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết như trên tại Trung tâm báo chí Đại hội XII của Đảng.

Sau khi khái quát những nét lớn về định hướng phát triển hạ tầng giao thông vận tải, ông Nguyễn Ngọc Đông đã trả lời một số câu hỏi báo chí quan tâm.

* Xin ông cho biết tiến độ cảng hàng không quốc tế Long Thành?

Để đạt được tiến độ sân bay Long Thành thì phải nỗ lực rất nhiều, tích cực sắp xếp nguồn vốn là việc rất quan trọng trong giai đoạn lập dự án khả thi, chứng minh được lấy vốn ở đâu để làm. Phần nào sẽ huy động từ khối tư nhân, ví dụ như nhà ga, nhưng còn đường băng thì vốn nhà nước.

Chúng ta sẽ phải tiếp cận với các tổ chức song phương, đa phương để vay vốn. Để khởi công được thì phải triển khai giải phóng mặt bằng. Hiện nay Đồng Nai đang báo cáo cấp có thẩm quyền để tách dự án giải phóng mặt bằng, lập và triển khai trước để đẩy nhanh tiến độ.

* Dự kiến tổng nguồn vốn cần cho xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trong 5 năm tới là bao nhiêu, thưa ông?

Chúng tôi ước tính từ nay cho đến năm 2020, nhu cầu theo chiến lược đã phê duyệt là từ 40 đến 50 tỷ USD. Nhu cầu này hết sức lớn, con số giải ngân năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải là trên 4 tỷ USD, như vậy mỗi năm phải huy động khoảng 7 tỷ USD là thách thức lớn.

Giải pháp như thế nào? Phải khẩn trương xây dựng cơ chế thông qua hoàn thiện hệ thống pháp luật để huy động đa nguồn lực, nếu chỉ trông chờ hoàn toàn ngân sách Nhà nước thì rất khó khăn. Xây dựng cơ chế làm sao để huy động khối tư nhân tham gia vào.

* Thưa ông, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tiến độ ì ạch lâu nay, vì sao?

Đây là hợp đồng theo phương thức thiết kế, xây dựng, lắp đặt. Trách nhiệm của tổng thầu đã được quy định rõ, nhưng ở đây có nhiều yếu tố tác động dẫn đến chậm. Một phần do ta dùng nguồn vốn của Chính phủ Trung Quốc, nên các nhà thầu phải là Trung Quốc, đó là cái ràng buộc.

Chúng tôi theo dõi thấy nhà thầu Trung Quốc làm dự án ở Trung Quốc thì rất nhanh, nhưng ở Việt Nam thì có vướng mắc nhất định. Ban đầu vướng về giải phóng mặt bằng, khảo sát thiết kế chậm, chậm thì sau đó trượt giá lên, lại phải thu xếp về vốn…

Như vậy nguyên nhân rất là đa chiều, trong đó có cả yếu tố trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện. Đánh giá cụ thể năng lực của nhà thầu thì phải cụ thể không thể nói chung được.

* Phải có ràng buộc về hợp đồng, tránh chúng ta trở thành con tin của nhà thầu?

Không phải con tin. Tất cả hợp đồng phải có quy định trách nhiệm bên này bên kia, nhưng trong trách nhiệm đó thì có những cái trách nhiệm bên này lại tác động bên kia, không phải giải quyết hết ở trong đó được.

Ví dụ công tác thiết kế thì phải vào khoan địa chất, nhưng lại vướng giải phóng mặt bằng chậm. Hoặc kinh phí vượt lên thì phải ngồi đàm phán, ta không chủ động được, bạn thì có trình tự, thủ tục của người ta. Chỉ có điều từ đó ta phải rút ra bài học là những dự án khác không có như thế.

Theo V.V.Thành

Cùng chuyên mục
XEM