Doanh nghiệp FDI: Cơ sở hạ tầng và dịch vụ công của Việt Nam thua Lào

16/04/2015 17:08 PM |

Cơ sở hạ tầng và dịch vụ công là 2 trong 4 điểm yếu của môi trường kinh doanh Việt Nam, được các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đánh giá thua cả nước bạn Lào.

Nội dung nổi bật:

Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu PCI, các doanh nghiệp FDI cho biết môi trường kinh doanh Việt Nam có nhiều điểm yếu.

- Tình trạng chi phí không chính thức cao

- Cơ sở hạ tầng và dịch vụ công yếu kém

- Gánh nặng quy định

"Họ xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang với Lào, Campuchia. Ngạc nhiên hơn cả, đối với lĩnh vực gánh nặng quy định pháp luật, Việt Nam còn bị đánh giá thấp hơn nhiều so với 2 nước trên, dù chính phủ đã đầu tư rất nhiều nỗ lực vào cải cách các thủ tục đăng ký kinh doanh và thủ tục hành chính".


Đây là thông tin được GS.TS Edmund Malesky, Đại học Duke (Hoa Kỳ), trưởng nhóm nghiên cứu PCI chia sẻ tại Lễ công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014 diễn ra sáng 16/4.

Theo ông Edmund, các doanh nghiệp FDI đều chia sẻ cảm nhận chung là môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn do tham nhũng và chi phí không chính thức, chất lượng dịch vụ hành chính công (giáo dục, y tế và dịch vụ tiện ích), và chất lượng của cơ sở hạ tầng.

Theo báo cáo, đây chính là 4 điểm yếu của môi trường kinh doanh Việt Nam. Cụ thể:

Điểm yếu 1- Tình trạng chi phí không chính thức cao

Gần đây, đây là lĩnh vực mà Việt Nam bị các nhà đầu tư đánh giá khá thấp trong các bảng xếp hạng quốc tế. Năm 2014, Việt Nam xếp thứ 119/175 nước trong Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, xếp thứ 126 trong Chỉ số kiểm soát tham nhũng của Ngân hàng Thế giới và thứ 74 trong Xếp hạng đánh giá rủi ro quốc gia.

Trong tất cả các xếp hạng này, Việt Nam có số điểm khá xa so với điểm trung vị - nghĩa là có 34% các quốc gia xếp hạng giữa Việt Nam và nước đứng giữa bảng xếp hạng.

Khoảng 17% các doanh nghiệp FDI thừa nhận rằng họ đã trả phí không chính thức để có được giấy phép đầu tư và 31% trả hoa hồng khi cạnh tranh giành các hợp đồng của cơ quan Nhà nước. Hành vi bôi trơn trong quá trình xin cấp phép không quá khác với tình trạng các năm trước mặc dù có xu hướng giảm nhẹ so với năm 2013.

Ngược lại, hối lộ trong quá trình ký kết giành hợp đồng thì lại tăng cao đáng ngạc nhiên – gấp 3 lần số điểm ghi nhận trong năm ngoái.

Điểm yếu 2 và 3: Cơ sở hạ tầng và dịch vụ công yếu kém

Đây là bảng trả lời cho câu hỏi: Bạn so sánh thế nào về môi trường kinh doanh ở Việt Nam và ở các nước khác đã cân nhắc đầu tư? Nguồn: PCI2014.

Đây là bảng trả lời cho câu hỏi: Bạn so sánh thế nào về môi trường kinh doanh ở Việt Nam và ở các nước khác đã cân nhắc đầu tư? Nguồn: PCI2014.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang xếp hạng cơ sở hạ tầng và dịch vụ công của Việt Nam tệ hơn so với hầu hết các nước cạnh tranh tiềm năng khác mà họ cân nhắc thay thế. Đáng ngạc nhiên, họ xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang với Lào, Campuchia.

“Đánh giá này bất ngờ khi Việt Nam đã dành rất nhiều nỗ lực và nguồn lực vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế công cộng” – báo cáo nhận định.

Trong năm 2012, doanh nghiệp FDI cho biết mất khoảng 10 ngày thì ổ gà trên đường nơi họ hoạt động nếu có, sẽ được sửa chữa và chỉ 9,4% không thấy các con đường được sửa bao giờ. Nhưng sang năm 2014, doanh nghiệp cho biết thời gian sửa lên đến 20 ngày và gần 21% khẳng định không thấy có hành động sửa chữa nào.

Với tình trạng cắt điện, trong năm 2012, số lần bị cắt điện trung bình là 1,25 đối với doanh nghiệp FDI và 100% lần cắt điện đều được báo trước cho doanh nghiệp để điều chỉnh hoạt động của mình. Sang năm 2014, doanh nghiệp phản ánh số lần cắt điện trung bình là 3, và 10% số lần cắt điện không được báo trước.

Điểm yếu 4: Gánh nặng quy định

“Ngạc nhiên hơn cả, đối với lĩnh vực gánh nặng quy định pháp luật, Việt Nam còn bị đánh giá thấp hơn nhiều so với Lào và Campuchia", báo cáo cho biết.

“Đây cũng là điều đáng ngạc nhiên khi Chính phủ đã đầu tư rất nhiều nỗ lực vào cải cách các thủ tục đăng ký kinh doanh và thủ tục hành chính".

47% doanh nghiệp cho biết cần thêm các giấy phép, quyết định chấp thuận hoặc con dấu mới, gần gấp đôi mức trung bình của 3 năm trước. Sau khi cấp phép, các doanh nghiệp có thể hoạt động một cách hợp pháp, nhưng vẫn gặp phải một loạt các quy định trong quá trình hoạt động.

2 gánh nặng quy định mà doanh nghiệp FDI ở Việt Nam phải đối mặt thể hiện qua 2 chỉ tiêu: Thời gian quản lý doanh nghiệp phải bỏ ra để tuân thủ các thủ tục hành chính và Số lượt thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp trong năm vừa qua.

Doanh nghiệp cho biết, phiền hà nhất là các thủ tục về thuế (bao gồm cả quy định về hóa đơn VAT), thủ tục cấp phép xây dựng, thủ tục hải quan và thủ tục cấp giấy phép đầu tư.

Báo cáo cho rằng kết quả trên tương đối nhất quán với kết quả xếp hạng của Việt Nam trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh Toàn cấu 2014-2015 (GCI) được công bố mới đây. Theo chỉ số này Việt Nam đứng ở thứ hạng 92/144 nước về trục Thể chế, đứng thứ 75 về Tham nhũng và 101 về Gánh nặng hành chính, 91 về Cơ sở hạ tầng và 96 về Giáo dục đào tạo.

Trong khi đó, trên các khía cạnh này, Thái Lan và Malaysia có vẻ vượt trội trong các quốc gia cạnh tranh của Việt Nam mặc dù các dữ liệu này chỉ mang tính minh họa.

Cả 2 nền kinh tế này đều có tiềm năng lớn hơn trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và giá trị gia tăng cao, vốn là các ngành mà các nhà hoạch định chính sách Việt Nam luôn muốn thu hút.

Đây là kết quả điều tra các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (PCI-FDI) lần thứ 5. Cuộc khảo sát thu thập ý kiến của 1.491 doanh nghiệp FDI đến từ 43 quốc gia khác nhau, hoạt động trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam có mật độ doanh nghiệp FDI tập trung cao nhất theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Doanh nghiệp FDI tham gia điều tra được lựa chọn từ danh sách doanh nghiệp đang đóng thuế của Tổng cục Thuế. Số doanh nghiệp tham gia điều tra đang tham gia thực hiện 17.434 dự án, chiếm 8,6% tổng số dự án FDI đăng ký tại Việt Nam từ năm 1988 (theo Tổng cục Thống kê).

>> Việt Nam sẽ nán lại chạy đua với Châu Phi?

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM