Xăng liên tục tăng giá, cước vận tải sắp tới ngưỡng “đòi theo”
Chưa dám tăng cước vận tải vì sức ép cạnh tranh cũng như yêu cầu bình ổn giá từ cơ quan chức năng nhưng nhiều DN vận tải và taxi thừa nhận sau 4 lần xăng tăng giá, cước vận tải đã sắp tới ngưỡng phải điều chỉnh.
Chiều 5/9, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định tăng giá xăng RON 92 thêm 306 đồng/lít lên mức 17.792 đồng/lít; xăng E5 tăng 285 đồng/lít lên mức 17.539 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 155 đồng/lít lên mức 13.950 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ 4 liên tiếp của giá xăng với tổng mức tăng 1.777 đồng/lít (tương đương tăng 10,8%) còn giá dầu diesel cũng đã 5 lần điều chỉnh và tăng lên 1.115 đồng/lít (tương đương mức tăng 8,6%).
Trao đổi với báo PV, ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội - cho biết so với thời điểm điều chỉnh cước taxi mới nhất, bước nhảy của giá xăng đã gần tới ngưỡng phải điều chỉnh cước (gần 2.000 đồng/lít) do đó các doanh nghiệp taxi đã bắt đầu phải tính tới việc điều chỉnh giá nhưng “vừa tính vừa đợi” vì phải xem chiều hướng giá xăng trong thời gian tới sẽ diễn biến ra sao. Ông Bình dự đoán, giá xăng nhiều khả năng sẽ tăng lên nữa và trong trường hợp đó việc điều chỉnh giá cước là khó tránh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp taxi cũng sẽ phải cân nhắc rất nhiều xem nếu điều chỉnh thì ở mức nào vì còn phải duy trì khả năng cạnh tranh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Công Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mai Linh Đông Đô - thừa nhận giá xăng tăng đã gần tới ngưỡng nhưng đơn vị ông chưa dám tăng giá vì đang trong giai đoạn làm thương hiệu và cơ quan chức năng đã yêu cầu bình ổn giá do đó công ty phải trích quỹ bình ổn, quỹ dự phòng để hỗ trợ lái xe tiền nhiên liệu.
Liên quan tới khả năng tăng cước vận tải, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong tháng 7 và 8 vừa qua, Sở đã nhận được một số văn bản trình phương án tăng giá nhưng đều bị bác bỏ với lý do các đơn vị trên chưa thực hiện đúng theo quy định về phương án tính giá và Sở GTVT cũng đã có văn bản về việc bình ổn giá cước vận tải hành khách bằng ôtô trong đó đề nghị các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố rà soát các chi phí cấu thành giá; không kê khai tăng giá cước, chủ động điều chỉnh giảm giá cước, tổ chức thu giá cước theo đúng phương án đã kê khai, có văn bản và phương án giá gửi về Sở GTVT Hà Nội.
Cũng chịu áp lực chi phí do xăng tăng giá, các doanh nghiệp vận tải chưa dám tăng cước vì còn phải nghe ngóng. Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - cho biết, theo thông lệ, giá xăng cứ tăng khoảng 5%, các doanh nghiệp vận tải sẽ xem xét lên phương án điều chỉnh giá cước. Do đó, về lý thuyết sau 4 lần tăng giá liên tiếp, hiện giá xăng đã tăng 10,8% thì các doanh nghiệp sẽ phải tính phương án tăng cước nhưng sức ép cạnh tranh cùng sự phức tạp của quy trình điều chỉnh giá cước khiến doanh nghiệp phải cân nhắc.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều thừa nhận nếu giá xăng tiếp tục tăng và vượt ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp thì việc tăng cước là khó tránh.