#Why: Vì sao nếu rủ cả nhóm đi ăn và 'campuchia', ai cũng chăm chăm gọi món đắt hơn dù không thích?
Lý thuyết kinh tế ở đây là người ta sẽ luôn hành động theo cái cách làm sao để lợi ích thu được sẽ lớn hơn chi phí người ấy bỏ ra. Lần sau, nếu được, đi ăn chung thì hãy "go Dutch" (trả tiền riêng).
Kinh tế học không chỉ bó hẹp trong giảng đường hay ngân hàng. Môn khoa học này tồn tại ở khắp mọi nơi và ảnh hưởng tới mọi thứ chúng ta làm hoặc nhìn thấy trên phim ảnh cũng như đời thực. Nó có thể giúp ta lý giải những "bí ẩn" lý thú trong cuộc sống như Vì sao ngăn mát tủ lạnh có đèn nhưng ngăn đá thì không hay,...
CafeBiz xin giới thiệu chuỗi bài #Why vào thứ 2-4-6 hàng tuần để giúp bạn thấy kinh tế học không khô khan như bạn nghĩ. Nội dung bài viết được truyền cảm hứng từ cuốn sách "Nhà tự nhiên kinh tế" của tác giả Robert H. Frank.
Khi ăn uống của bạn bè tại nhà hàng, mọi người thường chia đều tiền hóa đơn. Cách làm này thuận tiện cho nhân viên phục vụ, thay vì yêu cầu nhà hàng xuất hóa đơn cho phần ăn của mỗi người và cũng giúp khách dễ tính toán hơn là gắng nhớ lại ai đã gọi món gì và từ đó tính ra phần tiền mỗi người phải trả.
Tuy vậy, nhiều người cho rằng cách làm này bất lợi ở chỗ những người gọi món ít đắt tiền cũng buộc phải trả nhiều hơn giá món ăn hay thức uống họ dùng. Một hệ quả khó chịu khác của việc chia đều tiền hóa đơn là: mọi người khi đó đều muốn tiêu tiền nhiều hơn khi tự trả tiền riêng phần của mình. Vậy, vì sao lại như vậy ?
Hãy cùng xem ví dụ được đặt ra trong cuốn sách "Nhà tự nhiên kinh tế" dưới đây:
Thử hình dung một nhóm 10 người bạn cùng đi nhà hàng và đã nhất trí rằng tiền ăn sẽ chia đều. Giả sử một người trong nhóm cân nhắc giữa hai lựa chọn: Phần bít tết cỡ vừa giá 10.000 đồng và phần bít tết cỡ lớn giá 15.000 đồng.
Giả sử với người đó, lợi ích tăng thêm của phần thịt lớn so với phần thịt nhỏ là 2.500 đồng. Nếu tự trả tiền cho riêng mình, anh ta sẽ gọi phần thịt vừa vì khoản lợi ích tăng thêm (trị giá 2.500 đồng) nhỏ hơn phần chi phí tăng thêm mà anh sẽ phải trả (5.000 đồng chênh lệch giữa hai mức giá).
Tuy nhiên, khi đi ăn với cả nhóm và chia đều hóa đơn, việc gọi phần thịt lớn chỉ làm phần tiền góp của anh ta tăng 500 đồng (Phần tiền trả thêm là 5.000 đồng, chia cho 10 người). Lúc này đối với anh ta, phần lợi ích tăng thêm là gọi phần thịt lớn là 2.500 đồng giờ đã cao hơn chi phí phát sinh (500 đồng), thế nên anh ấy sẽ gọi phần thịt lớn.
Đối với những người còn lại, điều này thật chẳng không công bằng chút nào.
Nếu với riêng anh này, phần lợi anh nhận được là 2.000 đồng (2.500 - 500). Các nhà kinh tế trong trường hợp này chỉ ra rằng phần lợi ích ròng tăng thêm này của anh ta là nhỏ hơn khoản thiệt hại ròng trị giá 4.500 đồng của những người còn lại phải chịu (9 người còn lại, mỗi người trả thêm 500 đồng).
Kinh tế học chỉ ra rằng người ta luôn hành vi theo cách làm sao để lợi ích thu được sẽ lớn hơn chi phí người ấy bỏ ra. Trong tình huống này, anh chàng chuyển từ phần thịt vừa sang phần thịt lớn đã tuân thủ rất chuẩn quy luật kinh tế trên. Tuy nhiên, cùng lúc anh được thêm phần lợi thì lợi ích của cả nhóm lớn sẽ bị phương hại. Dám chắc là nếu họ chịu khó tính toán thì sẽ không có chuyện "campuchia" tiền xảy ra đâu.
Dù việc chia đều tiền hóa đơn để trả này vừa thiếu công bằng, vừa kém hiệu quả, nhưng thói quen này vẫn tồn tại. Lý do, nếu cho cùng thì có lẽ là do những khoản thiệt hại thường khá nhỏ mà người ta ít khi tính toán đến, trong khi đây là một cách khiến việc trả tiền tiện lợi hơn. Dù sao, nếu được, lần sau khi đi ăn cùng nhóm, bạn hãy cố "go Dutch" (người nào trả tiền của người đó).