Vừa có lương rồi, hãy làm những điều này để tiền không chạy đi khi vừa mới đến

01/11/2016 19:08 PM | Sống

Đôi khi có những khoản chi rất nhỏ nhưng đều đặn sẽ trở thành khoản lớn vào cuối tháng, tiết kiệm là điều mà ai cũng nên làm để lương không hết sạch khi vừa mới nhận.

Cứ mỗi dịp đầu tháng, nhà nhà người người đều hân hoan như Tết. Thế nhưng, cũng giống như Tết, niềm vui khi có lương chỉ kéo dài vài ngày, không phải do chúng ta không có đủ chi phí để tiêu mà phần nhiều là do số tiền tiết kiệm được để dành tới cuối tháng.

Với những người ăn tiêu dè dặt, để tiền tiết kiệm không phải là vấn đề quá lớn. Thế nhưng với những ai gặp phải tình trạng vừa nhận lương đã hết, bài viết này sẽ giúp bạn tiết kiệm được phần nào chi phí của mình cho các công việc khác nhau.

Lưu ý rằng, để tiết kiệm được tiền, bạn thật sự cần quyết tâm làm điều đó và phải chấp nhận hi sinh một vài thứ để có được khoản tiền tiết kiệm vào cuối tháng.

1. Nếu nghiện cà phê, hãy pha nó ở nhà thay vì vào quán

Đã là dân văn phòng, ai chẳng có một buổi sáng cà phê cà pháo đọc báo nghe đài. Mặc dù chi phí cho mỗi cốc cà phê không quá lớn (trung bình 20.000đ/cốc) nhưng nếu ngày nào cũng đi uống, mỗi tháng bạn sẽ mất tương đối tiền chỉ với thú vui mỗi sáng này. Đấy là chỉ tính đơn giản ở mức mỗi ngày 1 cốc, nhiều người tất nhiên uống nhiều hơn 1 cốc mỗi ngày.

Giải pháp là gì? Hãy pha sẵn cà phê ở nhà, bạn có thể tuỳ biến hương vị cốc cà phê của mình với các kiểu khác nhau. Với giá thành trung bình chỉ khoảng 10.000đ một cốc khi pha ở nhà, bạn sẽ tiết kiệm được tới 50% chi phí uống cà phê mỗi tháng.

2. Hãy sử dụng tiền mặt thay cho quẹt thẻ khi có thể

Ai cũng biết rằng thanh toán qua thẻ rất tiện lợi, bạn không phải cầm theo chiếc ví dày cộp, lo đếm tiền rồi nhận tiền thừa, chỉ cần quẹt thẻ là xong. Thế nhưng, không những khó kiểm soát hơn tiền mặt, thanh toán qua thẻ đôi khi còn khiến chúng ta mua sắm nhiều hơn.

Giải pháp chính là chuẩn bị cho mình một số tiền mua sắm mỗi tuần, để chúng vào một góc riêng trong ví. Mỗi khi cần đi mua sắm, hãy kiểm tra xem mình còn bao nhiêu tiền và giới hạn bản thân chỉ được phép mua trong khoảng đó. Như thế, vừa quản lý tốt số tiền còn lại bạn vừa ép được bản thân mua đủ những thứ mình cần chứ không mua nhiều hơn.

3. Cất tiền lẻ vào một nơi khác ngoài ví

Đầu tháng khi có lương, chẳng ai thích cầm tiền lẻ cả, nhiều người thậm chí còn có thói quen khá tây là "tip" khi đi nhà hàng khiến cho số tiền lẻ đôi khi mất đi vô ích.

Thế nhưng, thay vì thế bạn có thể cất chúng ở một nơi khác, một ngăn túi đặc biệt trong chiếc ca táp đi làm hoặc một chiếc hộp nhỏ ở nhà chẳng hạn. Cứ có tiền lẻ, hãy cho vào đó và bạn sẽ bất ngờ với số tiền cuối tháng bạn có được trong chiếc hộp này. Tất nhiên, nó không thể trả hoá đơn hay tiền thuê nhà nhưng nó sẽ đủ để bạn có một bữa ăn tử tế khi đói kém.

4. Tham gia các cuộc thi có thưởng càng nhiều càng tốt

Nghe có vẻ vô lý nhưng nhiều người bỏ qua những cuộc thi có cơ hội trúng thưởng này. Không những tại các cửa hàng hay siêu thị mà trên mạng xã hội cũng có rất nhiều cuộc thi với cơ hội mua hàng giá rẻ hơn hoặc nhận các phần quà miễn phí. Bạn đang cần mua một thiết bị hay đồ dùng nào đó? Hãy thử tìm xem có cuộc thi nào tặng miễn phí hoặc bán rẻ hơn món đồ này.

Đừng ngại ngùng và sĩ diện, chúng ta đang cần tiết kiệm nên đừng bỏ qua những cơ hội đến với bản thân. Nếu bạn thật sự có thừa tiền thì đã không phải nghĩ tới chuyện tiết kiệm, đúng không? Thế nên hãy tham gia các cuộc thi khi có thể. Đơn cử nhất là hoạt động "check in" mạng xã hội mà một số cửa hàng áp dụng để giảm giá hoá đơn thanh toán. Nếu chăm chỉ tham gia, bạn sẽ tiết kiệm được kha khá tiền đấy.

5. Thử nghiệm những ngày không tiêu tiền

Rất khó khăn nhưng cũng rất thú vị, hãy thử có những ngày không tiêu tiền trong một tháng của mình. Bạn ra khỏi nhà và chỉ mang theo một khoản tiền nhỏ để phòng bị khi có biến cố còn lại không tiêu gì hết. Mục tiêu của bạn là phải tồn tại hết ngày mà không tốn một đồng nào, khi đó bạn sẽ biết tận dụng những thứ khác nhau cho cuộc sống của bản thân.

6. Nấu nhiều hơn, lên kế hoạch ăn và mang cơm lên văn phòng

Mang cơm lên văn phòng tiết kiệm được rất nhiều tiền cho bạn, nấu ăn với mỗi món nhiều hơn cũng thế. Nếu đang có thói quen nấu và ăn trong 1 bữa, hãy thử nấu nhiều hơn và ăn trong 2 bữa hoặc nhiều hơn. Tất nhiên, hạn chế để đồ ăn qua ngày nên nếu có thể hãy nấu 1 bữa và ăn cả ngày.

Hành động này sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian đi mua đồ, nghĩ xem nên làm món gì thêm vào đó nó sẽ giúp bạn tiết kiệm được thực phẩm, chi phí. Một gợi ý cho bạn là những món rau để được lâu hơn và ăn tối sớm cũng giúp thức ăn sớm hết hơn.

7. Đăng kí thẻ thành viên, hội viên, giảm giá... bất kì khi nào có thể

Nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi có các chương trình khuyến mãi với khách hàng thân thiết, hãy làm cho mình một tấm thẻ này cho dù chẳng mấy khi bạn mua sắm ở đó. Mỗi tấm thẻ này sẽ tích cho bạn được điểm và sử dụng khi cần thiết trong khi số còn lại giảm giá mỗi lần mua, đây chính là tiết kiệm!

8. Hãy thử làm thêm thứ gì đó để có thêm thu nhập

Nếu cảm thấy bạn không có khả năng tiết kiệm hoặc đã làm hết cách nhưng vẫn không tiết kiệm được nhiều, cách thức thay đổi chính là mở rộng nguồn thu. Khi bạn có nhiều tiền hơn và số tiền tiêu không đổi, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều hơn, đơn giản đúng không? Làm thêm thứ gì là việc của bạn, nhưng hãy cố gắng duy trì thói quen tiết kiệm để tối ưu khoản tiền còn lại cuối tháng.

9. Trước khi mua quần áo, đồ đạc, bán bớt những thứ không cần đi trước

Nhiều người gặp phải tình trạng họ mua nhưng thực tế không cần thiết, điển hình nhất là quần áo khi lúc nào cũng có nhu cầu mua nhưng nhu cầu sử dụng thì chẳng có. Cách thức để giải quyết vấn đề này là hãy bán những món đồ không dùng đi trước khi muốn mua thứ gì mới, nó sẽ giúp bạn giảm thiểu được số tiền cần bỏ ra để mua sắm, dọn bớt được nhà và vẫn thoả mãn nhu cầu bản thân.

10. Nếu dùng tiền mặt, hãy giữ tiền to trong ví

Đây là một cách mà nhiều người vẫn thường xử dụng do nó đánh vào tâm lý "lười" của con người. Giả sử bạn muốn đi uống một cốc trà đá có giá chỉ 3.000đ nhưng trong ví lại có tờ 500.000đ, bạn có muốn đi không? Tất nhiên là có với một số người, nhưng số còn lại sẽ lười vì họ không muốn phá/đổi tiền. Nếu là loại người đó, hãy cố gắng giữ tiền có giá trị lớn trong túi, khi đó bạn sẽ hạn chế được bản thân tiêu nhiều khoản không đáng có.

11. Làm nhật kí chi tiêu hàng ngày

Nhật kí này sẽ là nơi để bạn kê khai các khoản thu, chi trong mỗi ngày. Hãy cố gắng giữ nó càng chi tiết càng tốt, ghi cả những khoản tiền như gửi xe hay uống nước trà để bạn không mất đi một đồng nào. Cuối mỗi ngày hãy xem lại nhật kí và tính tổng số tiền chi ra để rồi từ đó cân đo xem đâu là khoản nên hạn chế, đâu là khoản chấp nhận được.

Van Vu

Cùng chuyên mục
XEM