Với cùng một đồng doanh thu, Masan Consumer chi tiền quảng cáo nhiều gấp 3-4 lần Vinamilk, Sabeco

21/10/2016 09:15 AM | Kinh doanh

Trong 6 tháng đầu năm nay, chi phí quảng cáo của Masan Consumer chiếm tới 13% doanh thu trong khi tỷ lệ này ở Vinamilk và Sabeco chỉ dao động từ 3-5%.

Với quy mô dân số hơn 90 triệu người cùng mức thu nhập ngày càng cải thiện trong những năm gần đây, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đang trở thành mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Masan Consumer – đại gia trong lĩnh vực FMCG với các sản phẩm nước chấm, mì gói, đồ uống…có tốc độ trưởng phi mã kể từ khi thành lập. Tuy nhiên, đà tăng trưởng đã có dấu hiệu chững lại trong khoảng 1 năm trở lại đây. Cụ thể, doanh thu năm 2015 của Masan Consumer đạt 13.212 tỷ đồng và trong 6 tháng đầu năm đạt 5.800 tỷ đồng, tăng trưởng không đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Cạnh tranh gay gắt, hàng nghìn tỷ đồng được “ném” vào quảng cáo

Lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được đánh giá là mảnh đất màu mỡ nhưng mức độ cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Nếu các doanh nghiệp không đầu tư quảng bá thương hiệu liên tục cũng đồng nghĩa với việc nhường sân chơi cho đối thủ. Do đó, sẽ không quá bất ngờ nếu các doanh nghiệp top đầu như Masan Consumer, Vinamilk, Sabeco … dành hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho công tác quảng cáo, tiếp thị hình ảnh.

Với Masan Consumer, nếu như số tiền dành cho hoạt động quảng cáo trong năm 2014 chỉ là 1.282 tỷ đồng, tương đương 10% tổng doanh thu thì đến năm 2015, chi phí quảng cáo đã lên tới 1.500 tỷ đồng, tương đương 11% doanh thu. Trong 6 tháng đầu năm 2016, con số này tiếp tục gia tăng 26% so với cùng kỳ lên 737 tỷ đồng, tương đương 13% doanh thu.

Tính trung bình, số tiền chi ra cho hoạt động quảng cáo mỗi ngày ngày của Masan Consumer xấp xỉ 4 tỷ đồng và đây là con số không hề nhỏ.

Có thể thấy, ngân sách dành cho quảng cáo của Masan đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Việc chi phí quảng cáo tăng phi mã một phần là do cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong ngành như Kido, Vina Acecook, Asia Foods, Vifon… Mặt khác còn đến từ nhu cầu thấp đối với một số dòng sản phẩm. Chặng hạn Masan Consumer đang có dấu hiệu chững lại khi 2 mảng lớn là mì ăn liền và đồ uống đều không tăng trong năm ngoái.

Trong khi đó, ngân sách dành cho quảng cáo của các “đại gia” FMCG khác trong nước như Vinamilk hay Sabeco xét về giá trị tuyệt đối cũng tương đương Masan Consumer, tuy nhiên chỉ chiếm từ 3-5% tổng doanh thu. Điều này một lần nữa cho thấy lĩnh vực mà Masan Consumer đang kinh doanh có nhiều áp lực lớn hơn cả trong ngành FMCG.

Theo Tuấn Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM