Việt Nam học được gì từ Moku Moku – mô hình nông nghiệp nghìn tỷ Nhật Bản đi lên từ 1 trại lợn suýt phá sản?

17/01/2017 13:18 PM | Kinh doanh

Từ một trang trại lợn suýt phá sản, Moku Moku giờ được coi là mô hình nông nghiệp thành công nhất tại Nhật Bản, với doanh thu hàng năm lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Theo phân tích của các chuyên gia, có 8 yếu tố làm nên thành công của Moku Moku mà Việt Nam có thể học hỏi…

Mất 500 yen (khoảng 100.000 đồng) để bạn có vé vào cổng Moku Moku – một trang trại được xây dựng theo mô hình công viên nông nghiệp - nằm tại vùng đất Iga, tỉnh Mie trên hòn đảo Honshu, đảo lớn nhất của Nhật Bản.

Với mỗi dịch vụ trong trang trại này, bạn phải trả thêm các khoản phí khác như 810 yen cho Onsen, hơn 3.000 yen cho lớp học làm xúc xích hay bánh mỳ, các dịch vụ khác như hái nấm, vắt sữa… cũng phải trả phí.

Trang trại nông nghiệp quy mô 14 ha này đạt mức doanh thu 5,6 tỷ yen (tương đương hơn 1.100 tỷ đồng) hàng năm, 30% doanh thu đến từ du lịch và dịch vụ, 40% đến từ các nhà hàng và chỉ 30% đến từ việc bán các mặt hàng nông sản.

Moku Moku và huyền thoại Ninja làm nông nghiệp


Ninja Tour tại tỉnh Mie, Nhật Bản. Ảnh: Japan Times.

Ninja Tour tại tỉnh Mie, Nhật Bản. Ảnh: Japan Times.

Moku Moku tiếng Nhật có nghĩa là khói sau khi Ninja hành động, lấy theo câu chuyện các Ninja thường trá hình với nghề nông nghiệp.

Ra đời từ năm 1988 theo sau làn sóng “Mỗi ngôi làng, một sản phẩm”, Moku Moku bắt đầu với 5 người sáng lập mở một trang trại nuôi lợn.

Sau khi nuôi lợn và bán, họ ngẫm nghĩ có thể bổ sung thêm công đoạn chế biến sản phẩm. Từ đó, họ chọn sản phẩm chế biến thêm là xúc xích. Việc này khiến họ suýt phá sản. Xúc xích bán ra không ai mua do người Nhật ăn đồ Tây không hợp.

Mọi thứ đã thay đổi kể từ khi họ thay đổi mô hình kinh doanh, để người dân tự đến trải nghiệm làm xúc xích theo vị mọi người muốn.

Trải qua vài chục năm, Moku Moku nay là một tổ hợp bao gồm trang trại, nhà hàng, siêu thị nông nghiệp, khu nghỉ dưỡng, suối nước nóng, lớp dạy nông nghiệp, lớp dạy làm bánh, nấu bia, vườn thú, cửa hàng quà tặng, café…


Một góc trang trại Moku Moku.

Một góc trang trại Moku Moku.

Với 45.000 khách hàng thường xuyên (câu lạc bộ người dùng trung thành) và lượng khách du lịch 500.000 người/năm, Moku Moku là mô hình nông nghiệp thành công nhất ở Nhật, đã được viết thành sách cũng như thu hút một lượng lớn những người quan tâm nông nghiệp (từ Nhật và nước ngoài) đến học hỏi.

Việt Nam có thể học được gì?

Đem câu chuyện thành công của Moku Moku về Việt Nam, ông Đoàn Đức Thuận - nguyên trưởng Bộ Phận Marketing Chiến Lược Châu Á – Thái Bình Dương tại Piaggio Asia Pacific 2W – nhìn nhận: “Dưới con mắt của người làm thị trường, tôi thấy đây là mô hình tốt, có thể áp dụng một số khía cạnh vào giúp kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam”.

Sau những ngày sống, quan sát và trải nghiệm tại nông trường Moku Moku, ông Thuận thấy cần phải giới thiệu mô hình kinh tế nông nghiệp này về Việt Nam – nơi mà nông nghiệp là ngành sản xuất chính nhưng lại chưa có những mô hình kinh doanh hiệu quả và còn sử dụng quá nhiều hóa chất trong canh tác, nuôi trồng.

Vậy đâu là những yếu tố tạo nên thành công của mô hình Moku Moku mà Việt Nam có thể học hỏi?

Chia sẻ tại Hội thảo “Mô hình kinh doanh nông nghiệp từ vườn đến bàn”, ông Thuận phân tích có 8 yếu tố tạo nên thành công của Moku Moku, gồm:

1- Giá trị gia tăng

Khách mua sản phẩm của Moku Moku phải chi trả mức cao hơn so với thị trường (cao hơn 20 – 30%), nhưng lợi ích, giá trị nhận được nhiều hơn đồng tiền họ bỏ ra. Giá trị gia tăng được xây dựng từ chính triết lý hoạt động của những người điều hành Moku Moku - sẽ được đề cập ở các yếu tố còn lại sau đây.

2- Tính độc đáo của sản phẩm

Moku Moku không đối đầu cạnh tranh với các công ty lớn. Họ đi vào thị trường ngách với triết lý kinh doanh nông nghiệp từ vườn đến bàn và gia tăng giá trị qua việc kết hợp khéo léo với du lịch, học tập và trải nghiệm của khách hàng.

3- Yếu tố xanh và sạch

Đồ uống nổi bật “Kuru Kuru” tại đây được sản xuất với nguồn điện từ sức người.

Đến với Moku Moku, khách hàng được khuyến khích mang túi của riêng mình. Với mỗi túi, khách hàng được trả 10 yen và khách hàng có thể dùng 10 yen này để làm từ thiện.

4- Vốn văn hóa xã hội

Việc sử dụng huyền thoại Ninja trá hình làm nông nghiệp là một trong những hoạt động Marketing làm tăng tính hiếu kỳ của du khách.

Bên cạnh câu chuyện Ninja làm nông, Iga còn có Bảo tàng Ninja, bánh gạo, đồ gốm Iga… Tất cả đều được sử dụng làm nguyên liệu Marketing rất bài bản.

5- Chính sách hỗ trợ của địa phương

Dự án Moku Moku tốn 6 tỷ Yên trong đó 2 tỷ đến từ trợ cấp của chính quyền trung ương và địa phương.

6- Vị trí thuận lợi

Moku Moku nằm rất gần Osaka và Nagoya. Họ cũng có 8 cửa hàng đặt tại Mie, Nagoya, Osaka, Kyoto, Kusatsu, Nishinomiya. Khách hàng đến các nhà hàng này có thể dễ dàng đến nông trại Moku Moku.

7- Câu lạc bộ người dùng ủng hộ

Moku Moku cũng có câu lạc bộ fan hâm mộ với cơ chế thẻ thành viên. Hiện CLB này có 45.000 thành viên trung thành.

Với lượng fan đông đảo, Moku Moku cũng tận dụng rất tốt “hiệu ứng truyền miệng” từ những khách hàng thân thiết.

8- Yếu tố cộng đồng

Đây là yếu tố quan trọng thứ 2 bên cạnh yếu tố Giá trị gia tăng, theo phân tích của ông Thuận.

Moku Moku đã đạt được sự hài hòa giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng và cả hai đều hiểu tầm quan trọng của nông nghiệp và phong cách sống chậm.

Moku Moku cũng đạt được sự bền vững nằm ở chỗ cân bằng giữa hiệu quả kinh tế với phát triển môi trường sạch (sản phẩm sạch) và lợi ích xã hội (thông qua cơ chế làm việc, đào tạo cho nông dân cũng như việc đào tạo học sinh tiểu học về nông nghiệp).

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM