Nỗi khổ của ngành gạo: Người Việt ngày càng chán cơm!
Trong khi xuất khẩu gặp khó, thị trường trong nước của ngành gạo cũng không suôn sẻ khi người Việt ăn cơm ngày càng ít. Mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người đã giảm từ 150 kg/năm xuống còn 135 kg/năm vào năm 2012, và có thể giảm xuống 90 – 110 kg/năm vào năm 2030, theo World Bank.
“Việt Nam hiện đang ở giai đoạn đầu của quá trình thay đổi cơ cấu tiêu thụ lương thực thực phẩm, cả về cơ cấu chi tiêu và cách thức mua sắm”, báo cáo “Chuyển đổi Nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào” của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết.
Từ xưa đến nay gạo vẫn là lương thực chủ yếu của người Việt Nam. Tính bình quân cả nước, lượng tiêu thụ gạo theo đầu người hàng năm đã tăng từ 109 kg (1990) lên trên 150 kg vào giữa những năm 2000.
Nhưng kể từ năm 2008, xu thế này đã bị đảo ngược. Mức tiêu thụ bình quân đầu người hiện nay đang giảm và con số tuyệt đối có vẻ đã đạt mức đỉnh và bắt đầu đi xuống. Năm 2012, tiêu thụ gạo/người ở Việt Nam còn 135 kg/người/năm.
“Có thể đây là điểm khởi đầu của một xu thế lâu dài, theo đó lượng tiêu thụ gạo sẽ giảm xuống, sau đó sẽ giữ ở mức ổn định ở mức 90-110 kg mỗi năm vào năm 2030”, World Bank nhận định.
Trong thập kỷ vừa qua mức tiêu thụ thịt (nhất là thịt lợn), sữa và trứng đã tăng rất mạnh với tốc độ tăng nhanh hơn tất cả các nước trong khu vực. Mức tiêu thụ cá và các sản phẩm chế biến khác cũng tăng mạnh.
So sánh hai năm 2002 và 2012, tổng chi tuyệt đối cho gạo giảm 4% trong khi chi cho thịt và sữa tăng gấp đôi.
Tại Việt Nam, quá trình thay đổi khẩu phần ăn uống không chỉ diễn ra trong nhóm dân số giàu có mà diễn ra cả trong nhóm người nghèo nhất trong xã hội.
Q1 - Q5 phân theo Nhóm người nghèo nhất đến Giàu nhất. Nguồn: World Bank.
Trong tất cả các nhóm, trừ nhóm nghèo nhất, chi tiêu cho sản phẩm chăn nuôi đều cao hơn chi tiêu cho gạo.
Tuy vậy, trong nhóm người nghèo cũng diễn ra một số thay đổi đáng kể. Năm 2002, nhóm nghèo nhất chi trên 48% tổng chi lương thực thực phẩm cho gạo, chỉ chi 18% cho sản phẩm thịt và 9% cho hải sản. Nhưng đến năm 2012, nhóm này cũng có xu hướng chuyển sang tiêu dùng nhiều thực phẩm giàu protein.
Theo đó, họ chỉ còn chi 33% cho gạo, 28% cho sản phẩm chăn nuôi và 11% cho hải sản.
Trong khi đến cả nhóm nghèo nhất cũng thay đổi khẩu phần ăn, giảm tiêu thụ gạo, ngành gạo Việt Nam 30 năm qua vẫn chỉ tập trung vào 2 chữ duy nhất – “Sản lượng”.
“Việc quá chú trọng đến tăng sản lượng dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, thị trường xuất khẩu tập trung ở phân đoạn thấp, kém đa dạng và đặc biệt đang tập trung rất nhanh vào thị trường Trung Quốc”.
“Khi những thị trường xuất khẩu này gặp khó khăn, lập tức tạo sức ép giảm giá lên toàn bộ thị trường nội địa, gây thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo trong nước, đặc biệt là người nông dân”, Bộ Công thương mới đây cho biết.
“Đã đến lúc không thể ‘làm theo cách cũ’ được nữa - tốc độ tăng trưởng đã giảm sút, nông nghiệp dễ bị tổn thương trước các hiểm họa thời tiết và nông nghiệp cũng tạo dấu chân môi trường nghiêm trọng. Cần thay đổi để vượt qua những thách thức này, để đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân Việt Nam được tốt hơn”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam khuyến nghị.